Trương Ký Truyện
Trương Kí tự Đức Dung, người huyện Cao Lăng quận Phùng Dực. Năm mười sáu tuổi làm chức quan nhỏ trong quận.
Ngụy lược viết: Nhà Kí đơn lẻ, nhưng là người có uy nghi. Thuở nhỏ có luyện viết qua tấu sớ, làm một chức quan nhỏ ở trong quận, vì thế nhà được giàu có. Tự nghĩ nhà nghèo, cho rằng không biết lấy gì để thành công, bèn thường gắng sức viết chữ và bản tấu, chờ các quan lớn có thiếu sót thì liền trao cho họ, do đó mà được biết đến vậy.
Sau làm qua các chức, cử Hiếu liêm, không đến nhận chức. Thái Tổ làm Tư không, gọi nhưng không đến. Cử Mậu tài, bái làm Tân Phong Lệnh, là quan coi việc tốt nhất trong các huyện Tam phụ. Viên Thượng chống Thái Tổ ở Lê Dương, sai quan lại mà mình đặt là Hà Đông Thái thú Quách Viện, Tinh Châu Thứ sử Cao Hàn cùng Thiền vu của người Hung Nô đánh lấy huyện Bình Dương, sai sứ giả về phía tây liên kết với các tướng miền Quan Trung. Tư lệ Hiệu úy Chung Do sai Kí dụ bọn Tướng quân Mã Đằng, Kí nói rõ lợi hại, bọn Đằng nghe theo. Đằng sai con là Siêu đem hơn vạn quân cùng Chung Do hợp đánh Hàn, Viện, đại phá chúng, chém đầu Viện. Hàn và Thiền vu đều hàng. Sau đó Hàn đem quân Tinh Châu làm phản. Người quận Hà Nội là Trương Thịnh đem hơn vạn quân chẳng theo ai, cướp bóc giữa vùng núi Hào, sông Mẫn, người quận Hà Đông là bọn Vệ Cố, Trương Nông, Trương Diễm đều đem quân đến theo hắn. Thái Tổ lấy Kí làm Nghị lang, giúp việc quân cho Do, sai về phía tây gọi các tướng là bọn Mã Đằng đều dẫn quân hợp đánh bọn Thịnh, phá chúng. Chém đầu Cố, Diễm; Hàn trốn đến Kinh Châu. Phong Kí làm Vũ Thủy Đình Hầu. Thái Tổ sắp đánh Kinh Châu, nhưng bọn Đằng chia nhau chiếm miền Quan Trung. Thái Tổ lại sai Kí đi dụ bọn Đằng, sai phải bỏ bộ khúc mà thần phục. Đằng đã hứa theo nhưng lại do dự, Kí sợ gây biến, bèn sai các huyện sắm đủ lương thực, đem hai nghìn thạch lương ra ngoài thành trao cho quân. Đằng bất đắc dĩ phải về phía đông. Thái Tổ cho Đằng làm Vệ úy, con là Siêu làm Tướng quân, lĩnh quân của mình. Sau đó Siêu làm phản, Kí theo Thái Tổ phá Siêu ở Hoa Âm, đến phía tây định miền Quan Hữu. Lấy Kí làm Kinh Triệu Doãn, chiêu tập dân li tán, dựng lại thôn ấp, trăm họ nhớ ơn Kí. Nước Ngụy đã lập, làm Thượng thư, ra làm Ung Châu Thứ sử. Thái Tổ bảo Kí nói: "Cho ông về châu cũ, có thể nói là 'mặc áo gấm đi vào ban ngày' vậy". Theo đi đánh Trương Lỗ, đi riêng từ Tản Quan vào đánh người Đê phản loạn, gặt lúa mạch(1) của chúng để cấp lương cho quân. Lỗ hàng, Kí khuyên Thái Tổ dời mấy vạn hộ dân quận Hán Trung đến ở tại Trường An và các huyện Tam phụ. Sau đó cùng Tào Hồng phá Ngô Lan ở Hạ Biện, lại cùng Hạ Hầu Uyên đánh Tống Kiến, đi riêng đánh các huyện Lâm Thao, Địch Đạo, bình được các huyện này. Bấy giờ Thái Tổ dời dân đến ở miền Hà Bắc, dân quận Lũng Tây, Thiên Thủy, Nam An cùng nhau lo sợ, thấp thỏm không yên, Kí dùng người của ba quân làm quan tướng đi xem xét, sai làm nhà cửa, đào rãnh nước, lòng người bèn yên. Thái Tổ muốn rút quân rời Hán Trung, sợ Lưu Bị lên phía bắc vỗ về người Đê quận Vũ Đô để uy hiếp miền Quan Trung, hỏi Kí, Kí nói: "Nên khuyên họ lên phía bắc đến chỗ nhiều lúa gạo để tránh giặc, ai đến trước sẽ thưởng lớn, kẻ đến trước được lợi thì kẻ sau tất nghe theo". Thái Tổ theo kế ấy, bèn tự đến Hán Trung dẫn dắt các cánh quân, sai Kí đến Vũ Đô, dời hơn năm vạn người Đê đến ở tại quận Phù Phong, Thiên Thủy.
Tam phụ quyết lục chú viết: Kí thuở còn trẻ nhỏ được viên Công tào trong quận là Du Ân xem xét mà khen lạ, dẫn Kí qua nhà, Kí vâng theo. Ân về trước, sai người nhà sắm sửa đồ ăn đãi khách. Lúc Kí đến, vợ Ân cười rằng: "Ông đã lầm chăng! Trương Đức Dung là đứa trẻ nhỏ dại, sao lại coi là khách vậy"! Ân nói: "Nàng đừng cho là lạ, hắn là người tài của vùng này vậy". Ân bèn cùng Kí bàn luận kế sách của bậc Bá vương. Ăn xong, đem con là Sở gửi gắm cho Kí; Kí từ chối không nhận, Ân cố gửi gắm nhưng Kí đã được Ân dốc lòng trông mong, khó làm trái ý Ân, bèn nghe theo. Lúc trước Ân có hiềm khích với Tư lệ Hiệu úy Hồ Chẩn, Chẩn vu khống giết Ân. Ân chết vừa hơn một tháng, Chẩn cũng mắc bệnh nặng, tự nói với mình rằng: "Đáng tội, đáng tội, đấy là Du Công tào hiện quỷ về báo thù". Do đó bèn chết. Bấy giờ người miền Quan Trung khen rằng: "Sống có cái sáng suốt của người thông minh, chết có cái hồn phách của vị thần linh". Con Ân là Sở, tự Trọng Doãn, làm Bồ Bản Lệnh. Lúc Thái Tổ bình Quan Trung, quận Hán Hưng thiếu quan, Thái Tổ đem việc này hỏi Kí, Kí khen Sở có tài cả văn võ, bèn dùng làm Hán Hưng Thái thú. Sau chuyển làm Lũng Tây Thái thú. Ngụy lược viết: Sở là người khảng khái, làm qua các chức mục thú, chỗ làm quan đều dùng ân đức để trị, không ưa hình phạt. Giữa năm Thái Hòa, Gia Cát Lượng ra miền Lũng Hữu, quan dân rối loạn. Các quan Thiên Thủy, Nam An Thái thú đều bỏ quận về phía đông, chỉ riêng Sở giữ quận Lũng Tây, kêu gọi quan dân, bảo họ nói: "Thái thú ta không có ân đức, nay quân Thục đến, quan dân các quận đều đã ứng theo chúng, đây là buổi các ông được lập công mà được tặng giàu có vậy. Thái thú là người giữ quận cho nhà nước, về nghĩa đáng nên chết cùng quận, các ông hãy lấy đầu Thái thú ta mà chống giữ". Quan dân đều khóc lóc, nói: "Xin cùng sống chết với ngài phủ quân, không có hai lòng". Sở lại nói: "Nếu các ông khônng muốn, ta bày một kế cho các ông. Nay người hai quận phía đông đã bỏ đi, tất sẽ có giặc đến, nhưng nên cùng giữ vững. Nếu nhà nước phát binh đến cứu, giặc tất bỏ đi, đấy là giữ nghĩa một quận mà người được được khen tặng vậy. Nếu quan quân không đến cứu, quân Thục đánh càng gấp, lúc đó các người hãy bắt Thái thú ta đến hàng cũng chưa muộn vậy". Quan dân bèn giữ thành. Nhưng người quận Nam An giúp quân Thục đến quận Lũng Tây. Sở nghe tin giặc đến, liền sai Trưởng sử Mã Ngung ra cửa thành bày trận, rồi tự treo lên lầu thành dụ tướng Thục nói: "Các ông có thể chặn đường Lũng Hữu, khiến cho quân miền đông không qua được, trong vòng một tháng thì quan dân Lũng Tây không đánh mà tự chịu phục; nếu các ông không chặn được thì tự mệt mỏi mà thôi". Sai Ngung gõ trống xua quân đánh, quân Thục bèn rút. Hơn mười ngày sau, quan quân đến Lũng Tây, Gia Cát Lượng thua chạy. Người quận Nam An, Thiên Thủy đều vì theo Lượng mà bị phá vỡ, hai Thái thú đều bị xử tội nặng, mà Sở có công được phong làm Liệt hầu, các quan thuộc Trưởng sử đều được tặng thưởng. Đế khen chính trị của Sở, hạ chiếu gọi vào chầu, dẫn lên điện. Sở là người thấp bé mà tiếng nói vang, từ lúc làm quan đến nay, mới đầu không lễ nghi của triều đình, lúc vâng lệnh lên thềm, không biết nghi lễ thế nào, Đế liền sai Thị trung dẫn lên, gọi rằng: "Lũng Tây Thái thú lên điện"! Sở đáng đáp là: "Dạ", nhưng lại nói to là: "Ừ". Đế ngoảnh nhìn mà cười, rồi an ủi Sở. Bãi hội, tự xin ở lại làm Túc vệ, liền bái làm Phụ mã Đô úy. Sở không có học thức nhưng tính ưa âm nhạc, thích rong chơi. Lại nuôi những thầy hát, thầy đánh đàn cầm, đàn tranh, thầy thổi sáo, hễ đi đâu lại đem họ đi theo. Tại sở quan thường đổ xúc xắc, ném quả bầu, đùa giỡn làm vui. Mấy năm sau lại ra làm Bắc Địa Thái thú, hơn bảy mươi tuổi thì chết.
Bấy giờ, người quận Vũ Uy là Nhan Tuấn, người quận Trương Dịch là Hòa Loan, người quận Tửu Tuyền là Hoàng Hoa, người quận Tây Bình là Cúc Diễn cùng đem quân trong quận làm phản, tự gọi là Tướng quân, lại đánh chống lẫn nhau. Tuấn sai sứ giả đem mẹ và con đến chỗ Thái Tổ làm tin, xin giúp. Thái Tổ hỏi Kí, Kí nói: "Bọn Tuấn ngoài mượn oai của nhà nước, trong mang ý gây loạn, đợi thế lực vững vàng rồi tất làm phản thôi. Nay đang hướng việc vào đất Thục, nên để cho hai bên còn mà đánh nhau, như Biện Trang Tử đi bắt hổ(2), đứng xem mà thu lợi vậy". Thái Tổ nói: "Hay". Hơn một năm, Loan bèn giết Tuấn. Người quận Vũ Uy là Vương Bí lại giết Loan. Bấy giờ không đặt Lương Châu, từ các huyện Tam phụ đến miền tây đều thuộc Ung Châu.
Văn Đế lên ngôi, vừa lập Lương Châu, lấy An Định Thái thú Trâu Kì làm Thứ sử. Người quận Trương Dịch là Trương Tiến bắt giữ Quận thú đem quân chống Kì, bọn Hoàng Hoa, Cúc Diễn đều đuổi Thái thú cũ, đem quân ứng theo hắn. Kí đem quân giúp oai thế cho Hộ Khương Hiệu úy Tô Tắc, cho nên Tắc vì thế mà lập công. Tiến phong Kí làm Đô Hương Hầu. Người Hồ huyện Lô Thủy thuộc Lương Châu là bọn Y Kiện Kĩ Thiếp, Trị Nguyên Đa làm phản, miền Hà Tây lo lắng. Đế cũng lo, nói: "Không phải Kí thì chẳng bình được Lương Châu". Liền gọi Trâu Kì về, lấy Kí đến thay. Hạ chiếu nói: "Ngày xưa Giả Phục(3) xin đánh giặc Yển(4), vua Quang Vũ cười rằng: 'Chấp kim ngô đánh giặc Yển, Ta còn lo gì'? Khanh có mưu lược hơn người, nay là lúc như thế. Cho khanh được tùy việc mà làm, không cần xin lệnh trước". Sai bọn Hộ quân Hạ Hầu Nho, Tướng quân Phí Diệu đi theo sau. Kí đến Kim Thành, muốn vượt sông, các tướng giữ ý cho rằng: "Quân ít đường hiểm, không nên vào sâu". Kí nói: "Đường dẫu hiểm nhưng không có cái ngăn trở của núi cao, vả lại người Di Địch rời rạc, không có kế dùng xe để đi, nay Vũ Uy nguy cấp, phải đến nhanh mới được". Bèn vượt sông. Hơn bảy nghìn quân kị của giặc chống giữ ở cửa Chiêm Ân, Kí phao tin là đem quân theo lối Chiêm Ân, lại ngầm từ bến Thư Thứ ra đến Vũ Uy. Người Hồ cho là thần, dẫn quân về Hiển Mĩ. Kí đã chiếm Vũ Uy, Diệu cũng đến, nhưng bọn Nho vẫn chưa đến. Kí vỗ về tướng sĩ, muốn tiến quân đánh người Hồ, các tướng đều nói: "Quân sĩ mỏi mệt, quân giặc cứng nhọn, khó cùng giao tranh". Kí nói: "Nay quân ta không thấy lương thực đến, phải trông dựa vào lương ăn của địch. Nếu giặc thấy quân ta hợp binh, tất lui vào giữ núi thẳm, đuổi theo thì đường hiểm khốn cùng, rút quân về thì giặc đi ra cướp phá. Như thế quân không được lợi, đấy gọi là: 'Một ngày tha địch, lo đến mấy đời' vậy". Rồi đem quân đến Hiển Mĩ, mấy nghìn quân kị người Hồ nhân gió lớn muốn phóng lửa đốt trại, tướng sĩ đều sợ. Kí buổi đêm đặt ba nghìn quân tinh nhuệ ẩn nấp, sai Tham quân Thành Công Anh đem hơn nghìn quân kị ra dụ đánh, sai phải rút về phía nam, quả nhiên người Hồ tranh nhau đuổi theo, liền phát quân chặn ở sau, đầu đuôi đến đánh, đại phá giặc, chém đầu bắt sống đến mấy vạn người.
Ngụy lược viết: Thành Công Anh là người quận Kim Thành. Cuối năm Trung Bình theo làm người tim bụng của Hàn Ước. Giữa năm Kiến An, Ước thua chạy theo đường Hoa Âm, về Hoàng Trung, bộ khúc tan rã, chỉ còn Anh đi theo. Điển lược viết: Hàn Toại ở tại Hoàng Trung, con rể là Diêm Hành muốn giết Toại để hàng, nhân buổi đêm đánh Toại, không thắng. Toại than thở rằng: "Bậc trượng phu nguy khốn, họa từ con rể chăng"? Bảo Anh nói: "Nay người thân làm phản, quân sĩ càng ít, nên đi từ Khương Trung về phía tây nam đến đất Thục thôi". Anh nói: "Dấy binh mấy chục năm, nay dẫu thua vỡ, sao lại bỏ nhà mình mà đến nương dựa vào người khác được"! Toại nói: "Ta tuổi già rồi, ông muốn làm gì"? Anh nói: "Tào Công không thể đi xa đến, chỉ có họ Hạ Hầu thôi. Nhưng quân của họ Hạ Hầu cũng không đủ để đuổi được ta, lại không thể ở lâu; nên nghỉ ngơi ở Khương Trung để đợi họ rút đi. Kêu gọi người Địch, vỗ về người Khương, Hồ, cũng có thể làm nên được việc vậy". Toại theo kế ấy. Bấy giờ trai gái đi theo còn mấy nghìn người. Toại vốn có ân với người Khương, người Khương bèn giúp đỡ Toại. Lúc Hạ Hầu Uyên về, sai Diêm Hành ở lại phía sau. Bèn tụ mấy vạn quân người Khương, Hồ đến đánh Hành. Hành sắp chạy, vừa lúc đó thì Toại chết, Anh đến hàng Thái Tổ. Thái Tổ gặp Anh rất mừng, cho làm Quân sư, phong Liệt hầu. Đi theo săn bắn, có ba con hươu chạy phía trước, Tào Công sai Anh bắn chúng, ba phát trúng cả ba, đều sau tiếng cung liền ngã xuống. Tào Công vỗ tay khen rằng: "Chỉ vì Hàn Văn Ước mà dốc hết lòng, nhưng không thể dốc hết lòng vì ta chăng"? Anh bèn xuống ngựa quỳ nói: "Không dám lừa minh công, nếu chủ cũ của Anh vẫn còn thì thần không đến đây vậy". Lại khóc lóc nức nở. Tào Công khen lòng thành với người cũ của Anh, bèn lại kính trọng. Vào năm Diên Khanh, Hoàng Sơ, người quận Hà Tây có kẻ mưu phản, hạ chiếu sai Anh giúp quan quân Lương Châu bình miền Lũng Hữu, lúc ấy bệnh chết.
Điển lược viết: Diêm Hành là người quận Kim Thành, sau lấy tên là Diễm, tự Ngạn Minh, thủa trẻ có tiếng tăm, lúc đầu làm một viên tướng nhỏ, đi theo Hàn Ước. Đầu năm Kiến An, Ước đánh chống nhau với Mã Đằng. Con Đằng là Siêu cũng có tiếng tăm. Hành từng đi giết Siêu nhưng mâu gãy, nhân đó lấy mâu gãy đâm cổ Siêu, suýt giết được Siêu. Đến năm thứ mười bốn, được Ước sai đến chỗ Thái Tổ. Thái Tổ đối đãi hậu, cho làm Kiền Vi Thái thú. Hành nhân đó xin cho cha mình vào làm Túc vệ, rồi đi về phía tây gặp Ước, truyền lệnh của Thái Tổ rằng: "Kính tạ Văn Ước: Lúc khanh mới dấy binh, là vì bị bức ép, ta cũng biết rõ vậy. Nên đến sớm, cùng giúp đỡ nhà nước". Hành nhân đó khuyên Ước nói: "Hành cũng làm Tướng quân, dấy binh đã hơn ba mươi năm rồi, quân dân mệt mỏi, chỗ này lại hẹp, nên sớm đến nương dựa. Cho nên lúc trước tại đất Nghiệp tự xin đem cha già đến ở kinh sư, xin khuyên Tướng quân cũng nên sai một người con đến để tỏ rõ lòng son". Ước nói: "Nên đứng xem xét mấy trong mấy năm nữa"! Sau bèn sai con đi, cùng cha Hành về phía đông. Vừa lúc Ước đến phía tây đánh Trương Mãnh, để Hành ở lại giữ trại cũ, nhưng bọn Mã Siêu hợp mưu làm phản, cử Ước làm Đô đốc. Lúc Ước về, Siêu bảo Ước nói: "Lúc trước Chung Tư lệ dùng Siêu để bắt Tướng quân, người miền Quan Đông không tin là đúng như vậy. Nay Siêu mất cha, xem Tướng quân như cha. Tướng quân cũng đã mất con, xem Siêu như con". Hành can Ước, không nêm hợp mưu với Siêu. Ước bảo Hành nói: "Nay các tướng không mưu mà giống ý, đấy là số trời". Bèn về phía đông đến Hoa Âm. Lúc Thái Tổ ngồi trên ngựa nói chuyện với Ước, Hành đi ở sau, Thái Tổ nhìn bảo Hành rằng: "Đang nghĩ làm người con có hiếu sao"? Lúc bọn Siêu thua chạy, Hành theo Ước về Kim Thành. Thái Tổ nghe tin Hành có ý trước, nên chỉ giết con cháu của Ước tại kinh sư. Lại tự tay viết thư gửi Hành rằng: "Xem việc mà Văn Ước làm khiến người ta chê cười. Ta trước sau gửi thư, không không gì không khuyên răn. Như thế mà con nỡ làm sao! Cha khanh can ngăn, tự được yên ổn vậy. Dẫu vậy trong chốn ngục tù, không phải là chỗ nuôi người thân, vả lại quan lại cũng không thể nuôi người già được lâu vậy". Ước nghe tin cha Hành ở lại, lại sắp cùng bị hại, để lấy lòng Hành, bèn gắng đem con gái út gả cho Hành, Hành bất đắc dĩ phải lấy. Thái Tổ quả nhiên ngờ Hành. Lúc Ước sai riêng Hành coi quận Tây Bình, bèn đem bộ khúc của mình đánh chống với Ước. Hành không thắng, liền đem người nhà về phía đông đến chỗ Thái Tổ. Thái Tổ bái làm Liệt hầu.
Đế rất mừng, hạ chiếu nói: "Khanh qua sông lội hiểm, lấy quân mỏi đánh giặc nhàn, lấy quân ít thắng quân nhiều, công lao hơn Nam Trọng(5), chăm chỉ hơn Cát Phủ(6). Công lao này không chỉ phá quân Hồ, mà còn khiến cho miền Hà Hữu mãi yên, ta không còn lo lắng ngoảnh về phía tây nữa". Chuyển phong làm Tây Hương Hầu, tăng ấp hai trăm hộ, cùng bốn trăm hộ trước đấy.
Người huyện Tửu Tuyền là Tô Hành làm phản, cùng tù trưởng người Khương là Lân Đái và hơn vạn quân kị người Hồ ở Đinh Linh đánh các huyện biên giới. Kí cùng Hạ Hầu Nho đánh phá chúng, Hành và bọn Lân Đái đều hàng. Bèn dâng sớ xin cùng Nho sửa chữa thành, đắp lũy ngăn, đặt đài lửa, gác canh để phòng bị người Hồ.
Ngụy lược viết: Nho tự Tuấn Lâm, là em họ của Hạ Hầu Thượng. Lúc đầu làm Kiêu kị Tư mã của Yên Lăng Hầu Chương. Tuyên Vương làm Chinh nam Tướng quân, đô đốc việc quân Kinh Châu, Dự Châu. Năm Chính Thủy thứ hai, Chu Nhiên vây thành Phàn, tướng giữ thành là bọn Ất Tu xin cứu rất gấp, Nho đến đóng đồn ở Đặng Tái, vì quân ít nên không dám tiến, chỉ gõ trống thổi kèn, đặt quân dẫn đường đi trước, cách Nhiên sáu, bảy dặm, chỉ diễu oai rồi về, bọn Tu đứng thấy từ xa, nhiều lần cũng như thế. Hơn một tháng, vừa lúc Thái phó đến, bèn cùng tiến, bọn Nhiên chạy. Người thời ấy nói Nhu khiếp sợ, có người cho là lấy quân ít tỏ vẻ là quân nhiều, được tiếng là đến cứu. Nho như thế vẫn được gọi về, cho làm Thái bộc.
Người Khương miền tây sợ, đem hơn hai vạn người đến hàng. Sau đó người quận Tây Bình là Cúc Quang giết Quận thú của mình, các tướng muốn đánh chúng, Kí nói: "Chỉ có bọn Quang làm phản, người trong quận không hẳn là cùng phản hết. Nếu tự ý đem quân đến đánh, quan dân và người Khương, Hồ tất cho là nhà nước không phân biệt đúng sai, tất sẽ cùng chống giữ nhau, đấy là hổ mọc thêm cánh vậy. Bọn Quang muốn lấy người Khương, Hồ làm quân giúp, nay nên sai người Khương, Hồ đánh phá chúng trước, lại thưởng nhiều cho họ, người nào bắt được giặc đều ban thưởng. Ngoài ngăn chặn thế của chúng, trong chia rẽ người của chúng, tất không cần đánh mà định được". Rồi phát hịnh khuyên dụ người Khương, người bị bọn Quang lừa dối thì tha cho; ai chém đem đầu tướng giặc đến thì được phong thưởng. Do đó bộ khúc của Quang chém đem đầu Quang đến, bọn còn lại đều được ở yên như cũ.
Kí trông coi hai châu hơn mười năm, ân đức nổi rõ, những người được Kí tiến cử như người quận Phù Phong là Bàng Diên, người quận Thiên Thủy là Dương Phụ, người huyện An Định là Hồ Tôn, người quận Tửu Tuyền là Bàng Dục, người quận Đôn Hoàng là Trương Cung, Chu Sinh Liệt, rút cuộc đều có danh tiếng.
Ngụy lược viết: Lúc trước, Kí làm chức quan nhỏ trong quận, viên Công tào Từ Anh từng tự đánh Kí ba mươi roi. Anh tự Bá Tế, là người thuộc họ lớn ở quận Phùng Dực, đầu năm Kiến An làm Bồ Bản Lệnh. Tính Anh kiêu ngạo, tự thấy dòng họ mình hơn Kí, có tiếng tăm đứng đầu ở thôn ấp, do đó làm nhục Kí, dẫu biết Kí quý hiển, nhưng rút cuộc không chịu cầu cạnh với Kí. Kí dẫu đạt chí, cũng không vướng bận việc cũ, vẫn muốn thân với Anh. Từng nhân lúc say mà gần gũi Anh, Anh cố ý chống không chịu. Anh do đó bèn không được chọn dùng nữa. Cho nên người thời ấy khen Kí không chấp oán cũ, cũng khen Anh thẳng thắn không chịu cúi mình.
Năm Hoàng Sơ thứ tư thì hoăng. Hạ chiếu nói: "Ngày xưa Tuân Hoàn Tử(7) lập công ở đất Địch, Tấn Hầu đem ấp nghìn nhà phong cho; Phùng Dị(8) dốc sức giúp nhà Hán, vua Quang Vũ phong tước cho hai con của Dị. Cho nên Lương Châu Thứ sử Trương Kí giỏi trị dân nuôi quân, khiến cho người Khương theo về, có thể nói là quan giỏi của nhà nước. Không may mất đi, trẫm rất thương tiếc. Nay ban tước Quan nội hầu cũ cho con nhỏ là Ông". Minh Đế lên ngôi, tặng thụy là Túc Hầu, con là Tập nối tự.
Tập làm Trung thư lang, dần chuyển làm Đông Hoàn Thái thú. Giữa năm Gia Bình, con gái làm Hoàng hậu, gọi về bái làm Quang lộc Đại phu, vị Đặc tiến, phong vợ là Hướng làm An Thành Hương Quân. Tập cùng mưu với Trung thư lệnh Lí Phong, bị giết. Lời nói tại Hạ Hầu Huyền truyện.
Điển lược viết: Tập tự Kính Trọng, giữa năm Thái Hòa làm Ôn Lệnh, có tiếng là tài năng. Gặp lúc Gia Cát Lượng ra đánh, Tập dâng kế hay, hạ chiếu đến hỏi Trung thư lệnh Tôn Tư, Tư cho là có mưu lược, bèn gọi đến bái làm Kị Đô úy, sai đi đánh quân Thục. Quân rút, vào làm Thượng thư lang, vì làm quan giỏi mà được Minh Đế biết đến. Đế cho rằng tài năng của Tập gánh vác được nhiều việc, thử gọi thầy xem tướng đến xem tướng Tập. Thầy xem tướng nói: "Làm không quá chức hai nghìn thạch". Đế nói: "Sao lại tài như thế mà chỉ làm đến chức hai nghìn thạch"? Lúc tại quận Đông Hoàn, lĩnh mấy nghìn quân sĩ. Tính Tập tham tiền của lại tiếc quyền thế, một ngày vì con gái bị gọi đi rời khỏi quận, về ngồi trong phủ xá, lo lắng cuống cuồng. Nhiều lần giúp nhà nước bày mưu kế đánh Ngô, Thục, lại từng đáp Tư Mã Đại Tướng quân(9) cho rằng Gia Cát Khác dẫu thắng được ở biên giới, nhưng bị giết không lâu nữa. Đại Tướng quân hỏi vì sao, Tập nói: "Oai lấn cả chủ, công trùm một nước, muốn không chết mà được chăng"? Đến lúc Khác từ Hợp Phì về, người Ngô quả nhiên giết Khác. Đại Tướng quân nghe tin Khác chết, bảo mọi người rằng: "Gia Cát Khác có nhiều kẻ phản thay! Gần đây Trương Kính Trọng bàn luận về Khác, cho rằng tất bị giết. Nay quả nhiên đúng thế. Cái trí của Kính Trọng là hơn Khác vậy". Tập thông gia với Lí Phong, lại ở gần bên với nhau. Bấy giờ Phong có ý phản, con Tập là Mạc đến gặp Phong, có chỗ bàn mưu. Lúc Phong bị bắt, việc liên lụy với Tập, bèn bắt đem đến chỗ quan Đình úy, ban chết trong ngục, các con Tập đều bị giết. Cháu Tập là Ân, giữa năm Vĩnh Ninh thời Tấn làm Lương Châu Thứ sử, xem ở Tấn thư.
Chú thích:
(1) Lúa mạch: một loài cây lương thực, con gọi là lúa mì, hợp với đất khô, vùng ôn đới.
(2) Biện Trang Tử đi bắt hổ: Biện Trang Tử là quan Đại phu của nước Lỗ, có sức khỏe. Có hai con hổ đang sắp ăn thịt một con trâu, tranh cắn lẫn nhau, con nhỏ bị chết, con lớn bị thương. Biện Trang Tử đi theo con lớn bị thương mà bắt, cuối cùng bắt được cả hai con hổ.
(3) Giả Phục: tự Quân Văn, người quận Nam Dương. Thời vua Quang Vũ được bái làm Chấp kim ngô, đi đánh Yển Vương là Doãn Tôn và các tướng ở miền nam chưa thần phục.
(4) Giặc Yển: tức Doãn Tôn, thời vua Cánh Thủy được phong làm Yển Vương, trông coi huyện Yển thuộc quận Dĩnh Xuyên.
(5) Nam Trọng: là tướng súy thời Văn Vương của nhà Chu, đem quân lên miền bắc đắp thành đánh dẹp người Nhung.
(6) Cát Phủ: là quan giỏi thời Tuyên Vương của nhà Chu, từng đem quân đánh người rợ Hiểm Duẫn ở phía bắc.
(7) Tuân Hoàn Tử: là tướng giỏi của nước Tấn thời Xuân thu.
(8) Phùng Dị: là tướng giỏi của vua Quang Vũ nhà Hán.
(9) Tư Mã Đại Tướng quân: tức Tư Mã Chiêu, bấy giờ làm Đại Tướng quân của nước Ngụy.
Post a Comment