Header Ads

Trương Liêu Truyện


Trương Liêu tự Văn Viễn, người huyện Mã Ấp quận Nhạn Môn. Nguyên gốc họ Niếp, vì trốn tránh kẻ thù mới phải đổi họ. Thời trẻ Liêu làm quận lại(1). Thời Hán mạt, Tinh châu Thứ sử là Đinh Nguyên nhân thấy Liêu có võ công hơn người, bèn cho vời đến làm Tòng sự, lại sai cầm quân tới kinh đô. Hà Tiến phái Liêu đến Hà Bắc mộ binh, được hơn một ngàn người. Lúc quay về, Tiến đã bại trận, Liêu đem số binh ấy theo về Đổng Trác. Trác thua trận, Liêu lại đem quân theo Lã Bố, được thăng lên làm Kỵ Đô uý(2). Bố vì bị Lý Thôi đánh bại(3), Liêu theo Bố nhằm hướng Đông chạy đến Từ châu, được lĩnh chức Lỗ tướng(4), năm ấy Liêu 28 tuổi.

Thái tổ phá Lã Bố ở Hạ Phì, Liêu dẫn mọi người ra hàng, được bái làm Trung lang tướng(5), ban cho tước Quan nội hầu. Liêu mấy lần lập chiến công, được thăng lên làm Bì tướng quân(6). Viên Thiệu bị phá, Liêu được biệt phái tới yên định các huyện ở đất Lỗ. Lại cùng với Hạ Hầu Uyên vây Xương Hy ở Đông Hải, vây mấy tháng thì hết lương, đã bàn việc dẫn quân về, Liêu bảo Uyên rằng: "Mấy hôm nay, mỗi lần đi xét vòng vây, thường thấy Hi chăm chú nhìn theo tôi. Lại thấy tên bắn ra ít đi, như thế hẳn Hi có ý do dự, nên chẳng cố sức đánh nhau. Liêu này muốn đến nói chuyện riêng với y, hoặc giả có thể dụ được chăng?" Bèn sai người đến bảo Hi rằng: "Chúa công có mệnh, sai Liêu đến truyền bảo." Hy quả nhiên xuống cùng với Liêu nói chuyện, Liêu bèn thuyết: "Thái tổ là bậc thần vũ, người ở bốn phương đều mến đức, sớm biết quy phục sẽ được hậu thưởng." Hi mới đồng ý ra hàng. Liêu lại một mình trèo lên núi Tam Công, vào nhà Xương Hi, lạy vợ con Hi. Hi rất mừng, theo đến chỗ Thái Tổ. Thái Tổ sai Hi trở về, lại trách Liêu rằng: "Thế chẳng phải là khuôn phép của bậc đại tướng vậy." Liêu tạ rằng: "Uy tín của Minh công sáng rõ bốn bể, Liêu đã vâng theo thánh chỉ, Hi tất chẳng dám làm hại Liêu vậy."


Liêu theo Thái Tổ đánh Viên Đàm-Viên Thượng ở Lê Dương, có công, được làm Hành Trung kiên Tướng quân. Rồi theo đi đánh Thượng ở huyện Nghiệp, Thượng hết sức cố thủ không sao hạ được, Thái tổ về Hứa huyện, sai Liêu cùng với Nhạc Tiến đánh lấy thành Âm An, dời dân ở đó tới phía nam Hoàng Hà.

Thái tổ lại vây đánh huyện Nghiệp, huyện Nghiệp bị phá, Liêu được biệt phái đến Triệu Quốc-Thường Sơn, chiêu hàng bọn sơn tặc ở ven núi cùng Tôn Khinh ở Hắc Sơn. Rồi tới đánh Viên Đàm, phá được Đàm, lại được phái đi Hải Tân, phá được giặc ở Liêu Đông là bọn Liễu Nghị. Khi về huyện Nghiệp, Thái Tổ thân ra đón Liêu, dắt lên ngồi cùng xe, rồi lấy Liêu làm Đãng khấu Tướng quân.

Liêu được biệt phái đi đánh Kinh Châu, bình định các huyện ở Giang Hạ, rồi về đóng quân ở Lâm Dĩnh, được phong làm Đô Đình hầu. Lại theo đánh Viên Thượng ở Liễu Thành, thốt nhiên gặp quân Hồ Lỗ, Liêu khuyên Thái Tổ đánh gấp, chí khí rất phấn khích, Thái Tổ thấy Liêu hăng hái, vì thế trao cờ chỉ huy cho Liêu. Liêu liền tiến đánh, đại phá địch, chém chết vua Hung Nô là Đạp Đốn.

Phó Tử chép: Thái Tổ dẫn quân đánh Liễu Thành, Liêu can rằng: "Hứa Xương, là nơi đô hội của Thiên tử. Nay Thiên tử ở Hứa Đô, chúa công Bắc chinh nơi xa, ví như Lưu Biểu phái Lưu Bị tập kích Hứa Đô, nắm lấy Thiên tử hiệu lệnh bốn phương, vị thế của chúa công sẽ mất." Thái Tổ bàn rằng Biểu ắt không dùng được Bị, rồi cứ đi.

 Bấy giờ chưa định được Kinh Châu, Thái Tổ sai Liêu đóng binh ở Trường Xã. Lúc sắp đi, trong quân có người mưu phản, trong đêm lửa bốc cháy tứ tung, toàn quân rối loạn. Liêu bảo tả hữu rằng: "Chớ nên kinh động. Đây không phải là toàn doanh trại đều làm phản, tất có kẻ gây loạn đó thôi, ắt muốn làm rối loạn nhân tâm vậy." Bèn lệnh cho trong quân, kẻ nào không làm phản phải ngồi yên. Liêu thân dẫn mấy chục quân lính, đứng giữa hàng quân. Chốc lát đã ổn định được, lập tức bắt được kẻ thủ mưu đem giết đi.

Trần Lan-Mai Thành kích động rợ Đê ở sáu huyện làm phản, Thái Tổ phái bọn Vu Cấm-Tang Bá đến đánh Thành, Liêu thúc Trương Cáp-Ngưu Cái tới đánh Lan. Thành vờ hàng Cấm, Cấm trở về. Thành bèn dẫn binh đến chỗ Lan, quay vào Tiềm Sơn. Trong vùng Tiềm Sơn có núi Thiên Trụ, dốc cao hơn hai mươi dặm, đường hẹp lại hiểm trở, chỉ có mỗi cách đi bộ lên, bọn Lan giữ ở trên sườn núi. Liêu muốn tiến binh, chư tướng nói: "Binh ta ít mà đường núi lại hiểm trở, khó mà thâm nhập được." Liêu nói: "Đây là lúc một sống một chết, phải người dũng mãnh mới tiến lên được." Rồi tiến đến chân núi hạ đóng doanh trại, vây đánh, chém được thủ cấp Lan-Thành, bắt sống được hết bộ hạ. Thái Tổ luận công của chư tướng, nói: "Trèo lên thiên sơn, xông pha vào nơi hiểm trở, dẹp được Lan và Thành, là công lao của Đãng khấu vậy." Rồi tăng thực ấp cho Liêu, ban cho Giả tiết.

Thái Tổ đi chinh phạt Tôn Quyền trở về, sai Liêu cùng với bọn Nhạc Tiến-Lý Điển cầm bảy ngàn binh đóng ở Hợp Phì. Thái Tổ đi đánh Trương Lỗ, giao cho Hộ quân Tiết Đễ mang đến cho Liêu đến một phong thư dán kín viết: "Giặc đến hãy mở." Được ít lâu, Quyền đốc xuất mười vạn quân đến vây Hợp Phì, chúng bèn cùng mở thư ra xem, thấy dạy rằng: "Nếu như Tôn Quyền đến, Hai tướng quân Trương-Lý ra đánh; Nhạc tướng quân giữ thành, chớ có tham chiến." Chư tướng đều nghi ngại. Liêu nói: "Chúa công viễn chinh ở bên ngoài, đợi cứu binh đến, bên kia hẳn đã đánh tan chúng ta, cứ theo như ý chỉ ở thư này thì bên kia chưa kịp hợp binh để đánh ta, ta hãy bẻ gẫy thế mạnh của họ, để an lòng quân, rồi sau mới có thể giữ được. Cái cơ thành bại, chính ở một trận này đây, chư quân sao còn phải hồ nghi nữa?" Lý Điển cũng đồng ý với Liêu. Vì thế Liêu trong đêm tuyển mộ quân cảm tử đem theo, được tám trăm người, cho giết trâu thết đãi tướng sĩ, chờ hôm sau đại chiến. Mới sáng ra, Liêu mặc giáp cầm kích, xông lên phía trước hãm trận, giết chết mấy chục mạng, chém được hai tướng, miệng hô lớn danh tự, vọt vào trong luỹ, đến dưới cờ chỉ huy của Quyền. Quyền kinh hoảng, quân lính chẳng hiểu thế nào, bỏ chạy lên gò đất cao, dùng trường kích tự thủ. Liêu quát gọi Quyền xuống đánh nhau, Quyền không dám xuống, nhưng trông xa thấy binh tướng của Liêu ít, bèn xúm lại vây quanh Liêu đến mấy tầng. Liêu chỉ huy quân tả xung hữu đột giữa trùng vây, đánh thẳng về phía trước, vòng vây mở ra, Liêu dẫn mấy chục thủ hạ thoát ra được, một số binh sĩ còn ở trong kêu to lên rằng: "Tướng quân bỏ chúng tôi ư!" Liêu quay lại đột phá vòng vây, đến cứu bọn chúng. Quân mã của Quyền đều dạt cả ra, không ai dám đương. Đánh nhau từ sớm đến tận giữa trưa, người Ngô mất vía, Liêu quay về thủ thành, bụng chúng bấy giờ mới an, chư tướng đều khâm phục. Quyền giữ ở Hợp Phì hơn chục ngày, không lấy được thành, bèn dẫn quân lui về. Liêu đốc xuất ba quân truy kích, suýt nữa bắt được Quyền. Thái Tổ rất ca ngợi Liêu, phong cho Làm Chinh đông tướng quân.

Tôn Thịnh chép: Dối trá cố nhiên là cái đạo của kẻ dùng binh, chính kỳ đắp đổi, nếu như đã sai tướng xuất chinh, phải trao thực quyền, hoặc nhờ vào cái thế đầu đuôi tương ứng, hay dựa vào cái thế ỷ giốc, nếu tướng soái bất hòa, tức là đánh mất tác dụng của tướng soái vậy. Đến như việc thủ giữ Hợp Phì, binh yếu lại không tiếp viện, nếu dùng người dũng mãnh làm tướng tất hiếu chiến gây hoạ, dùng người nhút nhát tất trong lòng sợ hãi khó giữ thành. Thế mà bên kia đông bên ta ít, tất kẻ địch mang lòng coi thường, trễ nải; lấy quân quyết tử bất ngờ đánh cái quân bê trễ, là thế tất thắng vậy; thắng rồi mới thủ, thế tất vững bền. Cho nên Ngụy Vũ(6) đã chọn tướng lĩnh tính tình tâm chí khác nhau, giao cho mật thư, dậy họ sử dụng cẩn trọng và đúng lúc, việc đến đem ra ứng phó, đúng hợp với phù ước(7). Khéo lắm thay!

Năm Kiến An thứ hai mươi mốt, Thái Tổ lại đi đánh Tôn Quyền, đến Hợp Phì, tuần hành đến nơi chiến trường xưa của Liêu, than thở hồi lâu. Rồi thêm binh cho Liêu, lưu nhiều quân ở lại, dời đến đóng ở Cư Sào.

Quan Vũ vây Tào Nhân ở Phàn Thành, lúc ấy Tôn Quyền thần phục, Thái tổ cho vời Liêu cùng ba quân đều quay về cứu Tào Nhân. Liêu chưa đến, Từ Hoảng đã phá được Quan Vũ, Nhân được giải vây. Liêu cùng Thái Tổ hẹn hợp quân ở Ma Pha. Quân của Liêu đến, Thái Tổ cưỡi xe ra uý lạo, Liêu về đóng quân ở Trần Quận. Văn Đế lên tức vương vị, chuyển Liêu làm Tiền tướng quân. Phong cho anh Liêu là Phiếm cùng một người con của Liêu làm Liệt hầu.

Nguỵ thư chép: Vương ban cho Liêu bảy ngàn tấm lụa, bảy vạn hộc lúa. 

Tôn Quyền lại làm phản, Vương sai Liêu quay về đóng binh ở Hợp Phì, lại thăng cho Liêu tước Đô hương hầu. Rồi cấp cho mẹ Liêu một chiếc xe, đến lúc binh mã đưa gia quyến Liêu đến họp mặt, Vương ra sắc mệnh đưa mẹ Liêu tới, lại cho người ra nghênh đón. Chư quân tướng lại ở đó đều xúm vào lạy ở bên đường, xem chừng vinh dự lắm.

Văn Đế lên ngôi, phong Liêu làm Tấn Dương hầu, tăng cho thực ấp một ngàn hộ, cộng cả lúc trước là hai ngàn hộ.

Năm Hoàng Sư thứ hai, Liêu về chầu ở cung Lạc Dương, Văn Đế cho người đưa Liêu đến hội kiến ở trước điện, đích thân hỏi han việc phá Ngô. Sau Đế than thở với người ở xung quanh rằng: "Người ấy cũng như Triệu Hổ(8) ngày xưa vậy." Rồi dựng nhà cho Liêu, lại đặc cách xây lầu cho mẹ Liêu ở, những binh sĩ được Liêu ứng mộ đi đánh Ngô, đều được phong là quân hổ bôn.

Tôn Quyền xưng thần. Liêu quay về đóng binh ở Ung Khâu, bị ốm. Đế sai Thị trung Lưu Diệp cùng qua thái y đến xem bệnh, quân hổ bôn hỏi thăm tin tức, chen chúc ở trên đường. Bệnh chưa khỏi, Đế cho người đón Liêu tới hành cung, xa giá tới thăm, Đế cầm tay Liêu, cho ngự y tới săn sóc, hàng ngày trưởng quan đưa đồ ăn của vua tới. Bệnh bớt được một chút, Liêu lại về nơi đóng quân.

Tôn Quyền lại làm phản, Đế sai Liêu ngồi thuyền, cùng với Tào Hưu đến Hải Lăng, tới Đại Giang. Quyền rất sợ hãi, sắc mệnh cho các tướng rằng: "Trương Liêu dù có bệnh, cũng chẳng thể đối đầu vậy, nên cẩn thận!" Năm ấy, Liêu cùng chư tướng đánh bại tướng của Quyền là Lã Phạm. Liêu bị bệnh nặng, rồi chết ở Giang Đô. Đế sa nước mắt, ban cho thuỵ hiệu là Cương hầu. Con Liêu là Hổ nối tự.

Năm thứ sáu, Đế nhớ đến công lao của Liêu-Điển ở Hợp Phì, hạ chiếu rằng: "Chiến dịch Hợp Phì, Liêu-Điển dùng tám trăm bộ tốt, đánh tan mười vạn quân địch, tự cổ dùng binh, chưa ai được như vậy. Kẻ địch đến nay vẫn còn mất vía, nên nói rằng họ là nanh vuốt của quốc gia vậy." Vì thế cho Liêu-Điển đều được ăn thực ấp tám trăm hộ, ban cho một con trai tước Quan nội hầu."

Hổ được làm Thiên tướng quân, chết. Con là Thống nối tự.

Chú thích:
(1) Quận lại là chức quan nhỏ giúp việc ở trong quận, kiểu như thư lại (văn thư), đề lại (chỉ huy mấy anh dân phòng, cờ đỏ)… đại loại như vậy.
(2) Đô uý là một chức quan võ nói chung, Kỵ đô uý là riêng chỉ huy đám quân kỵ (mã).
(3) Việc này xảy ra ngay sau khi Lã Bố giết Đổng Trác, rồi Bố bị quân Lương châu do Lý Thôi, Quách Tỵ cầm đầu đánh cho đại bại phải bỏ chạy.
(4) Chức này có lẽ chỉ là một chức võ tướng trong quân, không biết rõ là quyền hạn thế nào.
(5) Chức Trung lang tướng này về quan hàm thì cao hơn chức Hiệu uý, Đô uý một chút, thấp hơn chức tướng quân.
(6) Tức Tào Tháo.
(7) Đúng như lệnh ở trong thư thì thắng trận.
(8) Có sách nói là Triệu Mục Công.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.