Header Ads

Tuân Úc Truyện


Tuân Úc tự Văn Nhược, người quận Dĩnh Xuyên huyện Dĩnh Âm. Tổ phụ là Thục, tự Quý Hoà, làm Lãng Lăng lệnh. Thời nhà Hán khoảng những năm đời Thuận-Hoàn(1), nổi danh đương thời. Có tám người con, hiệu là Bát Long. Cha Úc là Cổn, làm tướng ở Tế  Nam . Chú là Sảng, làm Tư không.

Tục Hán thư chép: Thục có tài cao, Vương Sướng-Lý Ưng(2) đều coi là thầy, là hầu tướng ở Lãng Lăng, có danh hiệu là Thần Quân. 

Hán kỷ của Trương Phan chép: Thục học rộng cao siêu khôn lường, cùng với Lý Cố-Lý Ưng có cùng chí hướng kết giao thân thiết, đề bạt Lý Chiêu làm tiểu lại, là bạn người chú của Vua là Độ từ thuở ấu thơ, được Hiền lương phương chính cho vời đến, xét hỏi đến các việc cấp thiết về Lương thị, rồi bổ nhiệm ra ngoài làm hầu tướng ở Lãng Lăng, chết khi làm quan. Có tám người con là: Kiệm, Cổn, Tĩnh, Đảo, Sân, Sảng, Túc, Phu. Sảng tự Từ Minh, lúc nhỏ đã hiếu học, năm mười hai tuổi, lầu thông kinh Xuân Thu-Luận Ngữ, rất thích nghiền ngẫm kinh sách điển cố, chẳng chịu vâng mệnh làm quan, đến tận năm ba mươi tuổi. Đổng Trác nắm chính sự, lại cho vời Sảng, Sảng định bỏ trốn, quan địa phương liền giữ lại. Chiếu xuống đến quận, lập tức bái làm Bình Nguyên tướng. Khi đi đến Uyển Lăng, lại cho người đuổi theo bái làm Quang Lộc huân. Coi xét việc được ba ngày, có sách mệnh bái làm Tư Không. Sảng phát lên từ kẻ áo vải, sau chín mươi lăm ngày mà ngôi vị đến chức Tam công. Trước đây Thục ở phía tây làng Hào, huyện lệnh Uyển Khang nói rằng ngày xưa họ Cao Dương có tám người con tài giỏi, nên gọi làng ấy là làng Cao Dương. Tĩnh tự Thúc Từ, cũng là người rất có đức, danh vọng gần như Sảng, chung thân đi ở ẩn. 

Dật sĩ truyện của Hoàng Phủ Mật kể: Có người hỏi Hứa Tử Tương(3), rằng Tĩnh với Sảng ai hiền hơn? Tử Tương nói: "Hai người đều là ngọc báu vậy, Từ Minh sáng rọi ở ngoài, Thúc Từ thấm nhuận ở bên trong."

Thời Úc còn niên thiếu, Hà Ngung ở Nam Dương cho là người khác thường, nói rằng: "Đây là người có tài vương tá vậy."

Điển lược chép: Trung thường thị Đường Hành muốn đem con gái người vợ cả phó thác cho người ở Nhữ  Nam  là Công Minh, Công Minh không lấy, mới chuyển qua cho Úc. Cha Úc là Cổn hâm mộ gia thế Hành, cho Úc lấy người ấy làm vợ. Úc bàn luận và chê việc ấy. Thần Tùng Chi xét: Hán kỷ nói rằng Đường Hành chết năm Diên Hi thứ bảy thời Hoàn Đế, tính ra Úc lúc đó mới có hai tuổi, tất cái ngày hôn sự của Úc, Hành chết đã lâu rồi. Nói rằng Cổn hâm mộ gia thế Hành là chẳng đúng vậy.

Thần Tùng Chi lại cho rằng Cổn là một người trong Bát Long, tất chẳng thể cẩu thả được, mà có gì bức bách nhau đâu, sao nói rằng Úc hâm mộ gia thế Đằng vậy? Xưa kia Trịnh Hốt khước từ Tề hầu bị khuyên trách, Tuấn Sinh cự tuyệt Hoắc hầu được ngợi khen(4), trách ở chỗ đánh mất nước viện trợ, khen ở chỗ biết lo xa, đã không có cái hại từ việc đoạn tuyệt thâm giao, cho nên mỗi bên cứ theo chí mình mà làm. Đến chuyện yêm thụ lộng hành, bốn bể nín thở; Tả Quán-Đường Hành, cái sống cái chết ở miệng. Thế nên bấy giờ ngạn ngữ có câu rằng "Tả hồi thiên, Đường độc toạ(5)", là nói đến cái uy quyền tuyệt đối có một không hai vậy. Thuận theo thì lục thân(6) an lành, ngỗ ngược tất đại hoạ đến ngay; thật là lấy sinh tồn đổi diệt vong, đội sỉ nhục để mong một ngày an toàn. Xưa Tưởng Hủ(7) gả con gái cho họ Vương(8), không hề tổn hại đến tiết tháo thanh cao, Cổn chấp thuận cuộc hôn nhân ấy, có hại gì đâu!

Năm Vĩnh Hán nguyên niên, Úc được tiến cử làm Hiếu Liêm, bái làm Thủ cung lệnh(9). Đổng Trác làm loạn, tìm người ra ngoài bổ nhiệm làm lại. Phong cho Úc làm Kháng Phụ lệnh, Úc liền bỏ quan về quê, bảo với các vị phụ lão rằng: "Dĩnh Xuyên, là đất tứ bề thụ địch, khi thiên hạ có biến, thường là chỗ binh đao tranh giành, nên kíp bỏ mà đi, không ở lại lâu được." Người trong làng đa phần nhớ đất cũ còn do dự, gặp lúc người đồng quận là Ký châu mục Hàn Phức sai quân kỵ đến đón Úc, tuyệt chẳng có ai đi theo, một mình Úc dẫn người trong họ đến Ký Châu. Nhưng Viên Thiệu đã cướp được ngôi vị của Phức, lấy lễ thượng tân đối đãi Úc. Em trai Úc là Kham cùng người đồng quận là Tân Bình-Quách Đồ, đều nhậm chức ở chỗ Thiệu. Úc liệu rằng Thiệu sau này chẳng thể thành đại sự, thời ấy Thái Tổ làm Phấn vũ Tướng quân, ở Đông Quận, năm Sơ Bình thứ hai, Úc bỏ Thiệu theo Thái Tổ. Thái Tổ rất hài lòng nói: "Ngươi là Tử Phòng(10) của ta vậy." Liền lấy làm Tư mã, năm ấy Úc hai mươi chín tuổi. Bấy giờ, Đổng Trác oai lấn thiên hạ, Thái Tổ đem việc ấy hỏi Úc, Úc nói: "Trác bạo ngược quá lắm, ắt hẳn sau sẽ loạn, không thể giúp y được." Trác sai bọn Lý Thôi ra khỏi cửa Đông, cướp giết suốt dọc đường, đến tận Dĩnh Xuyên-Trần Lưu mới quay về. Những người làng của Úc ở lại khi trước đa phần bị cướp bóc giết hại.

Năm sau, Thái Tổ lĩnh chức Duyện châu mục, sau làm Trấn đông Tướng quân, Úc thường làm Tư mã đi theo. Năm Hưng Bình nguyên niên, Thái Tổ đi đánh Đào Khiêm, Úc ở lại gánh vác công việc. Lúc Trương Mạc-Trần Cung cướp lấy Duyện châu tạo phản, ngầm nghênh đón Lã Bố. Bố đến nơi, Mạc bèn sai Lưu Dực đến bảo Úc rằng: "Lã tướng quân lại giúp Tào sứ quân(11) đánh Đào Khiêm, nên mau chóng cung cấp lương thực cho quân lính." Chúng đều nghi hoặc. Úc đoán Mạc làm loạn, lập tức chỉnh đốn quân binh cắt đặt sẵn sàng, rồi cho người đi gấp đến triệu Thái thú Đông quận là Hạ Hầu Đôn, mà các thành ở Duyện châu đều hưởng ứng Lã Bố. Thời ấy tất cả quân của Thái Tổ đang đánh Đào Khiêm, binh giữ nhà ít ỏi, mà tướng lĩnh quan lại đa phần cùng với Mạc-Cung thông mưu. Đôn đến, ngay đêm ấy giết những kẻ mưu phản liền mấy chục người, bụng chúng mới yên. Thứ sử Dự Châu là Quách Cống dẫn binh chúng mấy vạn người đến dưới thành, có người nói Cống cùng với Lã Bố đồng mưu, chúng đều sợ. Cống xin gặp Úc, Úc muốn đi. Bọn Đôn nói: "Tướng quân, cả châu chì còn chỗ này yên ổn, đi tất nguy, không nên." Úc nói: "Cống cùng với bọn Mạc, chẳng phải có kết giao từ trước vậy, nay họ thốt nhiên đến, mưu kế hẳn chưa định; nhân lúc họ chưa định kế ta đến thuyết họ, dù họ chẳng để ta sử dụng, cũng có thể khiến họ ở trung lập, nếu ta nghi ngờ họ trước, họ sẽ tức giận mà định kế vậy." Cống thấy Úc không có ý sợ hãi, mới bảo rằng Quyên thành chưa bị vây đánh, rồi dẫn binh quay về. Úc lại cùng Trình Dục bày kế, sai người đi thuyết Phạm huyện và Đông A, sau giữ toàn vẹn được ba thành, để đợi Thái Tổ. Thái Tổ từ Từ Châu quay về đánh Lã Bố ở Bộc Dương, Bố chạy về phía đông. Năm thứ hai mùa hạ, Thái Tổ đóng quân ở Thừa Thị, năm ấy đói lớn, người phải ăn thịt lẫn nhau.

Đào Khiêm chết, Thái Tổ muốn đoạt lấy Từ Châu, toan quay về dẹp Bố. Úc nói: "Xưa Cao Tổ(12) giữ Quan Trung, Quang Vũ(13) chiếm cứ Hà Nội, đều là rễ sâu bền gốc để khắc chế thiên hạ, tiến đủ để thắng địch, lui đủ để giữ vững, cho nên dẫu có nguy khốn bại trận mà về sau nên đại nghiệp. Tướng quân vốn lấy Duyện châu để khởi sự, khó nhọc bình định đất Sơn Đông, trăm họ chẳng ai không quy tâm bội phục. Vả lại vùng Hà-Tế(14), là yếu địa trong thiên hạ, nay tuy hoang tàn tan lở, cũng đủ yên ổn để tự giữ mình, nơi ấy cũng là Quan Trung-Hà Nội của tướng quân vậy, chẳng thể bỏ mà không bình định trước vậy. Nay hãy phá Lý Phong-Tiết Lan, nếu chia binh về đông đánh Trần Cung, Cung tất chẳng dám ngoảnh về tây, ta nhân lúc địch sơ hở đưa binh đến thu lấy lúa mạch đã chín, tiết kiệm lương ăn tích trữ thóc gạo, một lần cử sự mà Bố có thể phá được vậy. Bố đã bị phá, về sau liên kết với Dương châu ở phía Nam(15),cùng đánh Viên Thuật, chiếm lấy vùng Hoài-Tứ(16). Nếu bỏ Bố mà sang đông, lưu nhiều binh ở lại thì chẳng đủ binh để dùng, lưu ít binh ở lại tất toàn dân phải giữ thành, chẳng có người kiếm củi cắt cỏ. Bố thừa hư đến cướp, dân tâm nguy khốn, chỉ có Quyên thành, Phạm huyện, Vệ huyện có thể an toàn, ngoài ra chẳng thể tự giữ được, thế là không có Duyện châu nữa vậy. Nếu Từ châu không bình định được, tướng quân sẽ về đâu? Vả lại Đào Khiêm dẫu đã chết, Từ châu cũng không dễ gì mất được. Bên kia thua trận năm trước bị trừng trị, vì sợ hãi mà câu kết với nhau, trong ngoài kết hợp. Nay phương đông đã vào mua thu lúa mạch, ắt hẳn họ sẽ chắc thành bền luỹ để đợi tướng quân, tướng quân đánh chẳng hạ được thành, đánh cướp mà không có lương thảo, bất quá chừng mươi ngày, tất mười vạn quân chưa bị đánh mà tự nguy khốn vậy. Trước kia đánh Từ châu, quân uy hình phạt rất nặng, con em họ nhớ đến cái nhục của cha anh, tất người ta sẽ cố tự thủ, không có ý hàng, nên có thể phá được họ, nhưng chẳng thể lấy được cả Từ châu vậy. Làm cái việc ấy là bỏ chỗ này đi lấy chỗ kia, đem cái lớn đổi lấy cái nhỏ, đem yên đổi lấy nguy vậy, cái thế quyền biến nhất thời, không lo đến gốc chẳng thể bền chắc được. Nay ba phương chẳng ai là không tư lợi, xin tướng quân nghĩ kỹ cho." Thái tổ mới thôi. Thu lúa mạch xong, lại cùng với Bố giao chiến, lại chia binh đi bình định các huyện. Bố thua trận bỏ chạy, Duyện châu mới bình được.

Thần Tùng Chi cho rằng vào thời ấy Từ châu chưa bình định, người Duyện châu lại làm phản, mà nói rằng binh chúng đông mười vạn, dẫu chỉ là lời bàn ước phỏng, song ở chiến dịch Quan Độ, chẳng đã kể rằng binh không đủ một vạn đấy thôi. 

Tào Man truyện kể rằng: Bởi kinh sư gặp loạn Đổng Trác, nhân dân phiêu dạt về đông, đa phần nương náu ở quanh vùng Bành Thành. Gặp lúc Thái tổ đến, chôn sống giết chóc mấy vạn nam nữ ở cửa sông Tứ, khiến nước chẳng chảy được. Đào Khiêm thống suất mọi người ở đấy đóng giữ Vũ Nguyên, Thái tổ không tiến được. Bèn dẫn quân theo phía nam sông Tứ tấn công các huyện Thủ Lự-Tuy Lăng-Hạ Khâu, đều đánh giết sạch cả; đến con gà con chó cũng diệt hết, nơi thôn ấp không còn bóng người qua lại.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.