Văn Sính Truyện
Văn Sính tự Trọng Nghiệp, người quận Nam Dương huyện Uyển, là đại tướng của Lưu Biểu, được sai chống giữ phương Bắc. Biểu chết, con là Tông kế nghiệp. Thái tổ đi đánh Kinh châu, Tông dâng cả châu ra hàng, gọi Sính đến với mình, Sính nói: "Sính này chẳng có tài giữ vẹn toàn châu quận, chỉ là kẻ đang chờ bắt tội mà thôi." Thái tổ qua sông Hán, Sính bèn đến thẳng chỗ Thái tổ, Thái tổ hỏi rằng: "Sao ngươi đến chậm thế?" Sính nói: "Ngày trước Sính chẳng thể giúp được Lưu Kinh châu phụng sự quốc gia, Lưu Kinh châu tuy đã mất, Sính vẫn còn giữ đất Hán Xuyên, là để bảo toàn địa giới, sống chẳng phụ lại con côi thơ dại, chết không thẹn với người ở dưới đất, nhưng mưu tính bất thành, để đến nỗi như thế này. Thật đau lòng hổ thẹn, không mặt mũi nào mà đến sớm được." Rồi sụt sùi chảy nước mắt. Thái tổ lấy làm thương cảm bèn nói: "Trọng Nghiệp, ngươi thật là trung thần vậy." Sau lấy lễ mà đối đãi. Lại trao trả Sính binh Quyền, sai cùng với Tào Thuần đuổi đánh Lưu Bị ở Trường Bản. Thái tổ muốn yên định Kinh châu, song quận Giang Hạ tiếp giáp với đất Ngô, lòng dân chưa yên định, bèn cho Sính làm Thái thú Giang Hạ, sai coi giữ quân phương Bắc, uỷ thác các việc nơi biên cảnh, ban cho tước Quan nội hầu.
Tôn Thịnh nói: Phụng dưỡng cha mẹ hay thờ vua, cái đạo trung hiếu chỉ có một mà thôi. Tang Bá thuở nhỏ được khen là hiếu thuận cứng cỏi, Văn Sính trung thành mà rơi lệ, thế nên Ngụy Vũ chỉ một lần gặp mặt, đã uỷ thác việc quân chính cho hai người, chẳng phải là trong nháy mắt đã thấy được cái hùng tráng vũ dũng của họ hay sao?
Sính cùng với Nhạc Tiến đánh Quan Vũ ở Tầm Khẩu, có công, được tấn phong tước Diên Thọ Đình hầu, thêm chức Thảo nghịch tướng quân. Lại đánh quân truy trọng của Vũ ở Hán Tân, thiêu đốt thuyền lương ở Kinh châu. Văn Đế lên ngôi, thăng cho Sính tước Trường An Hương hầu, ban cho Giả tiết. Lại giúp Hạ Hầu Thượng vây Giang Lăng, Thượng sai Sính cầm riêng một cánh quân đóng ở Miện Khẩu, chống giữ Thạch Phạm, Sính tự gánh vác một đội quân, ngăn giặc lập công, được thăng làm Hậu tướng quân, tước Tân Dã hầu. Tôn Quyền thân chinh đem năm vạn quân đến vây Sính ở Thạch Dương rất gấp, Sính giữ vững không manh động, Quyền đóng giữ hơn hai mươi ngày phải lui về. Sính truy kích đánh tan quân địch. Vì thế được tăng thêm thực ấp năm trăm hộ, gồm cả trước đây là một nghìn chín trăm hộ.
Nguỵ lược chép: Tôn Quyền từng thân chinh dẫn năm vạn sĩ tốt kéo đến. Thời ấy đang có mưa lớn, tường rào trong thành sụt lở, dân chúng còn tản mát ở ngoài đồng, không kịp tu sửa. Sính nghe tin Quyền đến, không biết tính sao, bèn nghĩ chẳng bằng cứ ngầm lặng im để quân địch ngờ sợ. Rồi lệnh cho người ở trong thành không ai được đến gặp, lại tự nằm ở trong nhà không dậy. Quyền quả nhiên nghi ngờ, nói nhỏ với đám thuộc hạ rằng: "Phương bắc có kẻ trung thần như thế, cho nên mới uỷ thác cho giữ quận này, nay thấy ta đến mà chẳng hành động, nếu chẳng có mưu đồ gì, hẳn là họ đã có quân ngoại viện." Bèn không dám đánh mà bỏ đi. Nguỵ lược nói như thế, là trái với bổn truyện(1) vậy.
Sính ở Giang Hạ mấy chục năm, rất có ân uy, danh chấn địch quốc, quân giặc không dám xâm phạm. Triều đình chia thực ấp của Sính và phong cho con của Sính là Đại làm Liệt hầu(2), lại ban cho cháu họ của Sính là Hậu tước Quan nội hầu. Sính chết, được ban thuỵ là Tráng hầu. Đại chết trước Sính, con nuôi của Sính là Hưu nối tự. Hưu chết, con là Vũ nối tự.
Năm Gia Bình trung, người ở Tiêu Quận là Hoàn Ngu làm Thái thú Giang Hạ, thanh bạch cần kiệm rất có ân uy, danh tiếng cũng gần được như Sính.
Chú thích:
(1) Là Văn Sính truyện do Trần Thọ chép.
(2) Chức hầu không gắn liền với địa danh.
Post a Comment