Chung Do Truyện
Chung Do tự Nguyên Thường, người huyện Trưởng Xã quận Dĩnh Xuyên vậy. [1] Từng cùng cha họ là Du cùng đến Lạc Dương, trên đường được người giúp, nói: "Đứa trẻ này có tướng quý, nhưng bị khổ vì nước, phải gắng cận thận"! Đi chưa đến mười dặm, qua cầu, ngựa sợ, rơi xuống nước suýt chết. Du ngẫm lời người giúp lúc trước, càng quý Do, lại cung cấp tiền của, sai phải chăm học. Cử làm Hiếu liêm. [2] Bổ làm Thượng thư lang, Âm Lăng Lệnh, lấy cớ bệnh xin bỏ. Từ chối Tam phủ, làm Đình úy chính, Hoàng môn Thị lang. Bấy giờ, Hán Đế ở tại kinh sư miền tây, bọn Lí Thôi, Quách Dĩ làm loạn trong thành Trường An, cắt dứt với miền Quan Đông. Thái Tổ lĩnh chức Duyện Châu Mục, bắt đầu sai sứ dâng thư. [3] Bọn Thôi, Dĩ cho rằng người miền Quan Đông muốn tự lập Thiên tử, nay Tào Tháo dẫu có lệnh sai, không phải là thật vậy. Bàn giữ sứ giả của Thái Tổ lại, chống lại ý ấy. Do khuyên bọn Thôi, Dĩ nói: "Nay anh hùng đang cùng nổi dậy, đều ra lệnh chuyên chế, chỉ có Tào Duyện Châu là có lòng với nhà vua, mà làm trái ý tốt của người ta thì không phải là điều mà người muốn đến giúp trông mong vậy". Bọn Thôi, Dĩ theo lời Do, báo đáp nồng hậu, do đó lệnh sai của Thái Tổ mới được thông. Thái Tổ đã nhiều lần nghe Tuân Úc khen Do, lại nghe nói Do khuyên bọn Thôi, Dĩ như thế, càng thêm nghĩ đến. Sau đó Thôi hiếp Thiên tử, Do và Thượng thư Hàn Bân cùng mưu tính. Thiên tử ra khỏi Trường An, Do có công vậy. Bái làm Ngự sử Trung thừa, chuyển làm Thị trung Thượng thư Bộc xạ, lại xét công trước phong làm Đông Vũ Đình Hầu.
[1] Tiên hiền hành trạng viết: "Chung Hạo tự Quý Minh, hiền lành cẩn thận, học rộng luật thơ, dạy hơn nghìn học trò, làm quan Công tào trong quận. Bấy giờ Thái Khâu Trưởng là Trần Thực làm Tây Môn Đình trưởng, chỉ có Hạo rất kính trọng. Thực ít hơn Hạo mười bảy tuổi, thường dùng lễ đối đãi người cùng chức phận. Lúc từ quan ở phủ công, sắp đi, Thái thú hỏi nói: 'Ai thay được ông?' Hạo nói: 'Ông phủ muốn có được người mình chọn thì Tây Môn Đình trưởng là dùng được'. Thực nói: 'Ông Chung thường không có ý xét cử người khác, không biết sao chỉ biết ta'? Hạo làm Tư đồ duyện, có việc công đi ra, trên đường gặp bùn lầy, người dẫn đường ghét Hạo cầu cạnh, bỏ cách xa xe công, Hạo gắng tựa vào đòn xe nói: 'Ngày nay quan Tư đồ chỉ làm một mình mà thôi'! Trở về lên gác, rung chuông cũng không giúp, bèn lệnh họp các quan thuộc, Hạo dương tay cũng không ngoảnh theo. Bấy giờ các quan thuộc trong phủ đều hạch tội mình xin ra ngoài, Hạo làm Tây tào duyện, liền mở cửa phủ bố cáo cho bọn đã ra ngoài hiểu nói: 'Kẻ dưới không thể nói thẳng với vua thì như quan Tư lệ coi việc nảy mực mà làm mất lễ với quan Tể tướng, lại không được tin dùng, các ông cả đời còn dùng ở chỗ nào nữa'? Các quan thuộc do đó đều thôi. Đô quan đến phủ Tây tào duyện, hỏi qua việc bỏ phủ, Hạo mời Đô quan ra gặp các quan thuộc để cho họ hiểu, mới thôi. Trước sau chín lần từ chối ba phủ, gọi chuyền làm Nam Hương, Lâm Lư Trưởng, không đến nhận chức. Bầy giờ những kẻ quan trước đây trong quận được người trong nước theo về, có Thương Ngô Thái thú người Định Lăng là Trần Trĩ Thúc, Lê Dương Lệnh người Dĩnh Âm là Tuân Thục và Hạo. Thiếu phủ Lí Ưng thường trọng ba người này, nói: 'Ông Tuân trong sạch hiểu biết nhưng khó làm nên, chỉ có ông Trần, ông Chung đức cao là có thể làm thầy'. Cô của Ưng là vợ của em Hạo, sinh con là Cận, cùng tuổi với Ưng, đều có tiếng tăm. Cận lại ham học theo người xưa, có đức hạnh nhún nhường. Thuở còn nhỏ bé, cha Ưng là Thái úy Du nói: 'Cận giống tính con nhà ta, nước có đạo thì không bỏ, nước không có đạo thì bị hình pháp bãi bỏ vậy'. Lại đem em gái của Ưng gả cho Cận. Cận từ chối làm quan trong châu, chưa từng chịu đến nhận chức. Ưng bảo Cận nói: 'Mạnh Kha cho rằng người ta không ưa làm điều ác là không phải trong lòng người ta, đấy không phải người vậy. Vả lại người ta há thường không có trắng đen sao'! Cận từng đem lời Ưng nói với Hạo, Hạo nói: "Cha của Nguyên Lễ đang giữ chức, các quan lớn đang mạnh, cháu của Hàn Công do đó mà được nhờ vậy. Quốc Vũ Tử ưa mời người có lỗi, cho rẳng đấy là gốc của oán thù, ngày nay tựa như thời ấy! Giữ thân giữ nhà là đạo của ngươi vậy'. Cận chết sớm, Ưng dẫu lập được công lao, chức chỉ đến hàng Khanh tá, mà rút cuộc gặp họa tổn thân. Hạo lúc sáu mươi tuổi thì chết tại nhà. Hai con Hạo là Địch, Phu, đều giữ người nhà không làm quan. Do là cháu của Địch vậy".
[2] Hậu Hán thư của Tạ Thừa viết: "Người quận Nam Dương là Âm Tu làm Dĩnh Xuyên Thái thú, lấy người hiền chọn kẻ giỏi làm việc, chọn Ngũ quan duyện Trương Trọng là người thẳng thắn, xét Công tào Chung Do, Chủ bạ Tuân Úc, Chủ kí duyện Trương Lễ, Phú tào duyện Đỗ Hữu, Hiếu liêm Tuân Du, Kế lại Quách Đồ làm quan để làm rạng rõ triều đình".
[3] Thế ngữ viết: "Thái Tổ sai Tòng sự Vương Tất đến xin Thiên tử ban lệnh".
Bấy giờ các tướng miền Quan Trung là bọn Mã Đằng, Hàn Toại đem quân mạnh tranh với nhau. Thái Tổ đang theo việc ở miền Sơn Đông, cho rằng miền Quan Hữu đáng lo. Bèn dâng biểu cử Do làm Thị trung giữ chức Tư lệ Hiệu úy, cầm cờ tiết trông coi các quân miền Quan Trung, giao cho Do việc sau này, sai riêng không phải gò bó theo phép chế. Do đến Trường An, gửi thư cho bọn Đằng, Toại, kể rõ họa phúc, bọn Đằng, Toại đều sai con vào hầu. Thái Tổ ở tại Quan Độ chống nhau với Viên Thiệu, Do đem hơn hai nghìn con ngựa cấp cho quân. Thái Tổ gửi thư cho Do nói: "Lấy được ngựa mà ông gửi đến, rất hợp lúc nguy cấp. Miền Quan Hữu yên ổn, triều đình không phải ngoảnh về mối lo ở miền tây là công của túc hạ vậy. Xưa Tiêu Hà giữ vững miền Quan Trung, lương đủ cấp quân, cũng chỉ như ngươi". Sau đó Thiền vu của Hung Nô làm loạn ở Bình Dương, Do đem các quân vây hắn, chưa thắng; mà quan mà Viên Thượng đặt là Hà Đông Thái thú Quách Viện lại đến quận Hà Đông, quân rất đông. Các tướng bàn muốn bỏ chỗ này đi, Do nói: "Họ Viên đang mạnh, mà Viện đến thì người miền Quan Trung tất ngầm qua lại với hắn, nay họ chưa phản hết cũng vì uy danh của ta thôi. Nếu bỏ chỗ này đi thì tỏ rõ cái yếu trước họ, thì dân chỗ này ai chẳng cướp đoạt? Nếu ta muốn về, đến được nữa sao! Đấy là chưa đánh mà thua trước vậy. Vả lại Viện cứng rắn ham thắng, tất dễ cho quân ta, nếu vượt sông Phần làm trại, đến chỗ hắn chưa vượt sông mà đánh, có thể thắng lớn vậy". Trương Kí khuyên Mã Đằng hội đánh Viện, Đằng sai con là Siêu đem quân tinh nhuệ đón đánh. Viện đến, quả nhiên coi thường vượt sông Phần, quân can ngăn, không theo. Vượt sông chưa quá nửa, Siêu đánh, đại phá quân Viện, [4] chém Viện, bắt Thiền vu hàng. Lời tại truyện Trương Kí. Sau đó người quận Hà Đông là Vệ Cố làm loạn, cùng bọn Trương Thịnh, Trương Diễm và Cao Hàn đều cướp bóc, Do lại đem các tướng đánh phá chúng. [5] Từ lúc Thiên tử dời đến phương tây, người Lạc Dương ít ỏi, Do dời dân miền Quan Trung đến, lại thu nạp bọn trốn tránh phản loạn để đưa vào, trong mấy năm nhà dân dần dần đông đủ. Thái Tổ đánh miền Quan Trung, lấy được đồ dùng, cử Do làm Tiền quân sư.
[4] Chiến lược của Tư Mã Bưu viết: "Viên Thượng sai Cao Hàn, Quách Viện đem mấy vạn quân đến, cùng Thiền vu Hung Nô cướp quận Hà Đông, sai sứ đến mưu cùng bọn Mã Đằng, Hàn Toại liên hòa, bọn Đằng ngầm hứa theo, Phó Hàn khuyên Đằng nói: 'Người xưa có nói rằng: Người thuận đạo thì lành, trái đức thì chết. Tào Công theo lệnh Thiên tử đánh kẻ bạo loạn, hình pháp rõ ràng, nhà nước sửa trị, trên dưới nghe lệnh, có nghĩa tất thưởng, không có nghĩa tất phạt, có thể nói là người thuận đạo vậy. Họ Viên làm trái lệnh vua, xua rợ Hồ vào lấn Trung Quốc, dẫu rộng rãi nhưng lắm nghi ngờ, có lòng nhân mà không quyết đoán, quân dẫu mạnh mà làm mất lòng thiên hạ, có thể nói là kẻ trái đức vậy. Nay Tướng quân đã thờ người có đạo, nếu không đem hết sức mình, ngầm trông hai bên, muốn ngồi xem được thua, ta sợ rằng được thua đã định thì bị lời trách tội, Tướng quân là người bị trách tội trước vậy'. Do đó Đằng sợ. Hàn nói: 'Người có trí thì chuyển họa thành phúc. Nay Tào Công tranh với Viên Thiệu, mà Cao Hàn, Quách Viện chỉ giữ được quận Hà Đông, Tào Công dẫu có kế vạn toàn cũng không thể ngăn được quận Hà Đông không bị nguy cấp vậy. Tướng quân nên dẫn quân đánh Viện, trong ngoài đánh hắn, thế quân ta tất nổi. Tướng quân đánh một trận là cắt đứt cánh tay của họ Viên, giải nguy cho một vùng. Tào Công tất kính trọng Tướng quân, công lao của Tướng quân dẫu thẻ trúc dải lụa cũng không thể chép hết. Xin Tướng quân xét lời này'! Đằng nói: 'Xin theo lời dạy'. Do đó sai con là Siêu đem hơn vạn quân tinh nhuệ, lại đem quân của bọn Toại cùng Do hội đánh bọn Viện, đại phá quân Viện".
[5] Ngụy lược viết: "Chiếu gọi Hà Đông Thái thú Vương Ấp, Ấp vì thiên hạ chưa định, lòng không muốn được gọi đến, mà quan dân cũng vương vấn Ấp, bọn quan thuộc trong quận là Vệ Cố cùng Trung lang tướng Phạm Tiên đều đến chỗ Do cầu xin cho Ấp. Lại có chiếu đã bái Đỗ Kì làm Thái thú, Kì đã vào quận. Do không nghe lời bọn Tiên, dục Ấp trao ấn phù. Ấp đeo ấn thao, đi tắt từ miền Hà Bắc đến đất Hứa mà về. Bấy giờ Do ở tại Lạc Dương, tự cho rằng uy cấm bị mất phép trông coi, bèn dâng thư tự hạch tội mình nói: 'Thần lúc trước dâng thư nói là Trấn bắc Tướng quân lĩnh chức Hà Đông Thái thú tước An Dương Đình Hầu Vương Ấp ngày trước khéo bác bỏ việc thống trị, làm trái việc công, việc nên hạch tội, xét rõ đúng sai. Nhận chiếu thư đòi hỏi. Đã xét đúng tội rồi, lại được tha thứ. Thần lại nói rằng quan dân lớn nhỏ đều ngoảnh mặt trông mong, nói là Ấp nên về chống Thái thú Đỗ Kì, nay lại đều hối tiếc, cùng đón Kì nhận chức. Xét kĩ lời văn, thần cho là sáo rỗng, được mời cất nhắc vào hầu gần vua, xét thao phép tắc là nên kính nhận chức vụ, trông coi miền xa. Đã không có đức thẳng để ban ơn cho muôn dân, lại không có uy cao để xét kẻ không cung kính, sứ giả đến mà Ấp làm trái chiếu thư, quan thuộc trong quận là Vệ Cố bức ép quan dân, dùng lời kêu kiện, rải khắp đường trạm, làm mất lễ nghi, không theo lệnh vua. Nay dẫu đã hối tiếc nhưng tiếng xấu còn lưu, đấy đều là vì Do dùng hình pháp không nghiêm. Thần lại bệnh tật, qua năm trước sau, sức khỏe càng yếu, không làm hết sức mà hưởng lộc dày, ngày dài nhận chức, tội rõ đáng phạt. Xét kĩ Thị trung giữ chức Tư lệ Hiệu úy, tước Đông Vũ Đình Hầu thần là Chung Do, may nhờ ân lớn, dùng cái tài nhỏ lẻ mà vẫn được cất nhắc, theo làm người gần gũi, mang lệnh trông coi. Biết rõ chiếu thư lo lắng các trưởng lại làm việc yếu kém, vậy mà xét kẻ dưới không đúng tội, bệnh lâu ngày lắng đọng, chức phận hư hỏng, hình pháp không làm. Ấp dẫu trái việc, nên theo hình pháp đúng đắn, đã gửi văn thư hạch tội không hợp lí, dẫn đến làm cho Ấp phải đi xa đến cửa khuyết. Làm lỡ lệnh vua, làm hại đến nanh vuốt. Mà Cố bức ép quan dân, chống Kì hơn tháng. Nay đã hối tiếc, phạm pháp làm lỡ chính sự, trong cõi giận dữ, tội cũng vì Do dùng hình pháp tối tăm. Lại nữa Do bệnh lâu, không đáng giữ chức này nữa, không phải Do là đại thần nên làm chức này. Do khinh thường phép tắc, không sợ chiếu lệnh, không cùng lòng với nhà nước, làm bầy tôi không dốc lòng trung, không sợ hãi cái gì, thật là không cung kính. Lại không vâng theo chiếu thư, vâng chiếu lại không cẩn thận. Lại che lấp sự sáng suốt của các quan thuộc cấp dưới. Liền đem văn thư theo lời bàn của Công tào Tòng sự Mã Thích đến, xin bỏ mũ đi chân trần, nép mình chịu tội'. Hạ chiếu không nghe".
Nước Ngụy mới dựng, làm Đại lí, chuyển làm Tướng quốc. Văn Đế ở tại Đông Cung, ban chõ ngũ thục cho Do, khắc chữ lên đó là: "Lẫy lừng ở Ngụy, làm tôi giúp Hán, ấy Chung Tướng quốc, thực là tim bụng, ngày đêm cung kính, chẳng khi nào yên, làm thầy trăm quan, khuôn mẫu phép tắc". [6] Được mấy năm, vì liên lụy với việc Tây tào duyện Ngụy Phúng mưu phản, hạ chiếu bãi quan. [7] Văn Đế lên ngôi Vương, lại làm Đại lí. Đến lúc lên ngôi vị, đổi làm Đình úy, tiến phong Sùng Cao Hương Hầu. Chuyển làm Thái úy. Bấy giờ cùng Tư đồ Hoa Hâm, Tư không Vương Lãng đều là danh thần đời trước. Văn Đế bãi chầu, bảo tả hữu nói: "Ba ông này là người lớn của một thời, người đời sau khó mà theo kịp vậy"! [8] Minh Đế lên ngôi vị, tiến phong làm Định Lăng Hầu, tặng thêm ấp có năm trăm năm trăm hộ, cùng một nghìn tám trăm hộ trước kia, chuyển làm Thái phó. Do có bệnh đầu gối, đứng bái không tiện. Bấy giờ Hoa Hâm cũng tuổi cao bệnh tật, chầu gặp đều dùng xe kiệu chở, quân hổ bôn khiêng lên điện rồi ngồi. Từ đó Tam công có bệnh bèn theo việc cũ này.
[6] Ngụy lược viết: "Do làm Tướng quốc, đem khuôn đúc đỉnh chõ ngũ thục cho Thái tử đúc nên, chõ thành, Thái tử gửi thư cho Do nói: 'Xưa có ba cái vạc của Hoàng Đế, có chín vật bảo của nhà Chu, đều lấy một cái đựng món ăn, năm món ăn sao ngon bằng chõ này? Nấu chín món ăn trong cái vạc là để cúng tế Thượng Đế, để nuôi bậc thánh hiền, làm rõ đức xin phúc, không phải vì cái đẹp của nó. Cho nên không phải là người hiền thì không ai làm được; cho nên không có vật này thì chẳng ai có đức dày. Cái chõ đẹp thời nay, lại càng thêm đẹp. Thi Thần nhà Chu, Khảo Phụ của nước Tống, Khổng Khôi của nước Vệ, Ngụy Khỏa của nước Tấn, đấy là bốn bầy tôi đều có công đức được khắc trên chuông vạc. Nay giữ việc coi xét nước Đại Ngụy để truyền giáo hóa thánh hiền, đức hạnh lớn lớn, nước ấy đầy nhiều. Thực là điều mà quan Thái thường nên ghi lại, là cái chén đựng đồ tế nên khắc lên. Cho nên khắc chữ lên đấy, ghi lại ở miệng chõ để khen ngợi cái tốt đẹp, khiến cho không mục". Thần Tùng Chi xét Hán thư Giao tự chí viết: "Thời Hiếu Tuyên Đế, người huyện Mĩ Dương đào được cái vạc, Kinh Triệu Doãn Trương Xưởng dâng lời bàn nói: 'Xét vạc có khắc văn nói là: 'Vương lệnh cho Thi thần làm quan ở Tuần Ấp này. ban cờ chuông, qua ngọc, áo thêu cho ngươi. Thi thần chắp tay cúi đầu nói: 'Dám không theo Thiên tử để tỏ rõ lệnh tốt sao'. Đấy là cái mà nhà Chu khen tặng cho đại thần, con cháu của đại thần khắc ghi công lao của tổ tiên, cất nó ở miếu quan vậy'". Văn khắc Khảo Phụ thấy ở Tả thị truyện, văn khắc Khổng Khôi thấy ở Lễ kí, việc này rõ nên không chép. Quốc ngữ viết: "Trận đánh thắng nước Lộ ngày xưa, quân Tần đến mưu đánh bại nguời Tấn, Ngụy Khỏa đem thân mình đuổi quân Tần ở ấp Phụ Thị, tự thân ngăn được Đỗ Hồi; công lao được khắc ghi trên chuông của Cảnh Công, đến ngày nay không truyền cho dòng dõi, con cháu không thể không hưng vậy". Đấy là bốn người mà Thái tử nói đến. Ngụy lược viết: "Sau Thái Tổ đánh quận Hán Trung, Thái tử ở tại bến Mạnh Tân, nghe nói Do có ngọc quyết, muốn lấy để nói can ngăn Tào Công. Ngầm sai sai Lâm Truy Hầu sai người đến khuyên Do. Do liền đưa ngọc quyết đến. Thái tử gửi thư cho Do nói: 'Ngọc để sánh với đức của quân tử, cho người làm thơ thêm đẹp. Ngọc thùy cức của nước Tấn, ngọc hưng phan của nước Lỗ, ngọc kết lục của Tống, ngọc hòa phác của nước Sở, giá hơn nghìn vàng, quý trọng như đô thành, có tiếng từ xưa, còn tiếng đến mai sau. Cho nên ngọc thùy cức có ở nước Tấn thì bắt được vua hai nước Ngu, Quắc; ngọc hòa bích vào nước Tần thì Tương Như giữ khí tiết. Trộm thấy sách ngọc đúng là ngọc đẹp trắng như cắt mỡ, ngọc đen thì như sơn bóng, ngọc đỏ thì như mào gà, màu vàng thì như lúa chín. Lại nghe nói về ngọc, nhưng chưa thấy hình. Dẫu đức không phải quân tử, nghĩa không bằng người làm thơ, đức hạnh núi cao là chỗ ngưỡng mộ. Nhưng bốn vật bảo ở xa, từ thời Tần, Hán chưa nghe nói có cái tốt. Cho nên tìm nó nhiều năm, chưa gặp được cái thật, muốn có riêng nhưng không được, đói khát chẳng màng. Gần đây được người quận Nam Dương là Tông Huệ Thúc nói ông trước đây có ngọc quyết. Nghe nói mà mừng rỡ, cười cùng vỗ tay. Nay tự gửi thư đến nói, sợ lời nói chưa xét, cho nên lệnh em trong phủ là Tử Kiến nhờ Tuân Trọng Mậu đưa thư này đến cõi biên. Lại không nỡ lấy, được thấy thư đến, liền từ đất Nghiệp cưỡi ngựa đến. Ngọc quyết vừa đến, bưng đặt vào cái tráp, sáng rõ lóa mắt. Thẹn vì thân mình thô lậu mà được thấy vật bảo hiếm có trên đời, không phiền phải đi sứ một lần, không mất cái giá đi khắp các thành vậy, đã thấy được Chương Đài của Tần Chiêu Vương, lại không tiếc vì dùng lời nói dối mà lấy được, vật đẹp thêm nhiều, dám không nhận lấy'! Do đáp thư nói: 'Ngày trước kính nhận chức cùng được ban ngọc quyết, nay đã già cả, vẫn biết vật cũ. Tên nó là phù thái, tất về chỗ của nó. Cho rằng nắm việc có vật bảo này, cho nên bị coi thường, dùng chưa dâng nạp. May có ý muốn đeo, thực là vui mừng. Vào thời họ Hòa ngày xưa, ân cần trung hậu, cho nên Do đợi lệnh, vẫn mang lòng thẹn'".
[7] Ngụy lược viết: "Tôn Quyền xưng thần, chém đưa đầu Quan Vũ đến, Thái tử gửi thư cho Do, Do đáp thư nói: 'Người cùng quận với thần là Tư không Tuân Sảng ngày trước nói rằng người ta nên theo tình lí, người yêu ta thế mà yêu được! Người ghét ta thế mà ghét! Nghĩ về Tôn Quyền, lại đã tốt đẹp'. Thái tử lại gửi thư nói: 'Được thư, biết miền nam có việc vui. Đến như lời bàn hay của Tuân Công về cái tốt đẹp của Tôn Quyền, cầm thư mà cười vui, không thể rời tay. Nếu Quyền lại sáng suốt, nên dùng lời bàn nguyệt đán của Hứa Thiệu để bắt bí. Quyền dạo chơi hai nước, trông mong vào Tuân, Hứa cũng đã đủ rồi'".
[8] Dị lâm của họ Lục viết: "Do có lúc mấy tháng không hội chầu, ý nghĩ khác thường, có người hỏi nguyên nhân, nói: 'Thường có người đàn bà đến, xinh đẹp khác thường'. Người hỏi nói: 'Tất là vật quỷ, nên giết đi'. Sau người đàn bà lại đến, không như trước nữa, đứng ở ngoài cửa. Do hỏi vì sao, nói: 'Ông có ý giết ta'. Do nói: 'Không đâu'. Lại ân cần mời, mới vào. Ý Do tiếc, có lòng không nỡ giết, nhưng vẫn đánh người đàn bà ấy thương ở đùi. Người đàn bà liền đi ra, lấy bông mềm lau máu suốt đường. Ngày sau sai người đi tìm dấu vết, đến một ngôi mộ lớn, trong cây có một người đàn bà đẹp, hình dáng như người sống, mặc áo lụa trắng, áo cánh gấm đỏ, bị thương ở đùi trái, lấy bông trong áo cánh lau máu. Chú ta là Thanh Hà Thái thú nói như thế. Thanh Hà là họ Lục nói vậy".
Trước đây, Thái Tổ hạ lệnh sai bàn kẻ bị tội chết nên xử cắt xẻo không. Do cho rằng: "Xử tội xẻo thịt thời xưa, thánh nhân đã nói, nên dùng trở lại để thay cho tội chết". Người bàn cho rằng không phải là cái đạo làm cho dân vui, bèn thôi. Đến lúc Văn Đế ban thưởng bầy tôi, chiếu nói: "Đại lí muốn lập lại tội xẻo thịt, đấy thật là hình pháp của thánh nhân. Các công khanh nên cùng bàn xem". Bàn chưa xong, vừa lúc có việc quân, lại thôi. Giữa năm Thái Hòa, Do dâng sớ nói: "Đại Ngụy nhận lệnh, nối dõi Ngu, Hạ. Hiếu Văn Để thay hình pháp, không hợp đạo xưa. Tiên Đế đức cao cho nên được trời giúp, dựng nên điển chế, chỉ thông suốt một phần. Cho nên đời sau vẫn nên sửa mới, nghĩ lập phép xưa, thành phép thời nay. Nhiều năm dùng quân, vẫn chưa được dùng. Bệ hạ suy nghĩ ý của hai Tiên đế, chỉ chém chân để có thể cấm làm ác, ghét bắt người không có tội phải chết, khiến cho luật hình được làm rõ, cùng bầy tôi bàn bạc. Trước đây người đáng chặt chân phải là bị xét vào tội chết, nên lập lại tội này. Kinh Thư viết: 'Hoàng Đế xét hỏi dân chúng, người góa bụa xét tội người Miêu'. Đấy là nói vua Nghiêu nên đánh dẹp Xi Vưu, cái tội của người Miêu, trước đã được người bàn trong dân chúng xét hỏi vậy. Như việc bắt vào ngục thời nay, đến hỏi các quan Tam hòe, Cửu cức, bầy tôi, muôn dân, đều nói dùng hình pháp thời Hiếu Cảnh Đế, kẻ có tội phải nên vứt ở chợ, muốn chém chân phải thì ưng cho. Kẻ bị tội thích chữ, cắt mũi, chém chân trái, thiến, cũng như hình pháp của thời Hiếu Văn Đế, tội nhẹ thì cắt tóc, đánh đòn. Kẻ phạm pháp thường từ hai mươi tuổi đến bốn, năm mươi tuổi, dẫu chém chân của chúng thì vẫn được nuôi sống. Nay người phạm pháp trong thiên hạ ít hơn thời Hiếu Văn Đế, tính ra mỗi năm cả thảy có ba nghìn người. Trương Thương bỏ xử xẻo thịt cho nên mỗi năm phải giết đến vạn người. Thần muốn lập lại tội xẻo thịt để mỗi năm cứu sống ba nghìn người. Tử Cống hỏi rằng có thể giúp dân thế nào để được gọi là có lòng nhân? Khổng Tử nói: 'Sao phải chỉ ở lòng nhân, vậy cũng là thánh sao, như vua Nghiêu, vua Thuấn vẫn có chỗ kém đấy'! Lại nói: 'Lòng nhân xa sao? Ta muốn lòng nhân, lòng nhân đến vậy'. Nếu làm theo lòng nhân, dân sẽ yên mãi". Thư tấu xong, hạ chiếu nói: "Thái phó học rộng tài cao, dốc lòng coi việc, lại xét hình pháp sâu xa. Việc lớn này, nên cùng công khanh trăm quan bàn bạc". Tư đồ Vương Lãng bàn cho rằng: "Do muốn dễ giảm các tội chết để tăng thêm hình phạt chặt đứt chân, đấy là ngồi nằm mà dựng lên, hóa thay chết thành người sống vậy. Theo ý ngu của thần, vẫn chưa họp ý nhỏ khác. Năm cách xử tội đã ghi vào hình luật, tự nó có cách giảm một bậc tội chết rồi, không xử chết thì giảm. Dùng được đã lâu, không đợi phải mượn búa đục xa xôi ở hình pháp xẻo thịt, sau đó có các bậc tội vậy. Người có lòng nhân thời trước không nỡ dùng cách xử xẻo thịt đau đớn, cho nên bỏ mà không dùng. Từng dùng đến nay, đã qua mấy trăm năm. Nay lại dùng nó, sợ rằng giảm hình pháp chưa thành văn trong mắt muôn dân thì lời xét hỏi về tội xẻo thịt đã lan ra trước rồi, đấy không phải là cách kêu gọi người xa đến vậy. Nay xét cái mà Do muốn giảm bớt tội chết, khiến cho giảm tội chết bằng các tội cắt tóc, chặt chân, e rằng là dễ dãi, quay lại với nhiều năm soạn lập. Trong dẫu có ân cho sống thay chết không kể hết, nhưng ngoài không có tiếng chặt chân thay cho tiếng gào sợ thôi". Hơn trăm người bàn, phần nhiều giống với Lãng. Đế cho là Ngô, Thục chưa bình, lại thôi. [9]
[9] Viên Hoành nói: "Lòng dân vui cả thì không thể vẹn cả, đấy là vật dùng có lợi thì treo ở ngoài mà lòng ham muốn động ở trong vậy. Cho nên có hành động tranh giành đến lấy, mong tìm việc dễ dãi. Đến lấy không thôi, không đủ được lòng ham muốn, là cái lòng tìm cầu may mắn sinh ra thế. Mong tìm cái không may, không phải là cái mà người ta muốn, là cái tính gian trá giận dữ gây nên vậy. Các bậc Đế Vương ngày trước biết như thế, nếu muốn dẹp cái xấu, có người phải dùng đức hóa trước để dạy bảo lòng chúng; nếu lòng chúng không đổi thì mới dùng hình phạt. Kinh Thư viết: 'Trăm họ không thân, năm đức không được kính, ngươi phải giữ chức Tư đồ để sửa sang năm lễ nghi. Người Man Di phạm người Hạ, làm ác gây oán, ngươi phải làm kẻ sĩ, dùng năm loại hình phạt'. Vậy thì có đức, đặt hình phạt, xem xét mà dùng được. Thời Tam đại thay nhau, nghĩa đã rõ rồi. Chu lễ viết: 'Kẻ bị thích chữ thì sai giữ cửa, kẻ bị cắt mũi thì giữ ải, kẻ bị thiến thì giữ trong cung, kẻ bị chặt chân thì giữ vườn'. Phép dùng xử xẻo thịt có thể bàn vậy. Tuân Khanh cũng nói rằng kẻ giết người thì xử chết, kẻ làm thương người thì xử phạt. Là phép giống nhau Đế Vương xưa nay, chưa biết nó có thời nào. Kẻ giết người thì xử chết, mà kẻ giết nhau thì không, tội chết có thể phạt không giết, không thể khiến cho thiên hạ không giết vậy. Kẻ làm thương người thì phạt, kẻ làm hại muôn vật không ngừng, là đáng tội thích chữ, cắt mũi, nếu sợ thì không phạt, nếu thả ra mà không đổi thì bắt xử chết. Cho nên làm ra hình pháp ở tại vùng thay đổi được. Lễ giáo thì không phải, làm rõ thiện ác, cho nên có ý ngầm khuyến khích, cốt ở việc chưa giết vậy; làm rõ cái nhục nhã là để khiến cho lòng chúng thấy thẹn, trị tội cốt ở việc chưa làm bị thương vậy. Cho nên lỗi nhỏ thì không cần ghi vào, tội nhẹ thì không cần xử phạt. Kẻ bị xét tội chết là không thể dùng giáo hóa được nữa, cho nên dẫu giết một người sống, xử phạt một người nhưng là trừ cái hại của thiên hạ, há có tổn hại sao! Nếu theo cái đạo này thì phong hóa mới dần dần tốt được, hình phạt mới dần dần ít, lí lẽ đúng thế. Nếu không thay được ý của chúng lại dùng hình phạt, dân làm mất tiết nghĩa, rơi vào võng hình lưới phạt, làm cho đời yên ổn, há làm được sao? Vua Thành, Khang của nhà Chu há dựa vào hình pháp ba nghìn chữ mà làm đẹp cái hình pháp lầm lẫn sao? Cho nên đức hóa dần dần đổ vỡ, dẫn đến như thế cũng có nguyên nhân vậy. Đầu thời Hán bỏ cái xấu của hình phạt tàn khốc, dùng hình pháp nới lỏng, các công khanh đại phu được cùng nhau nói chửi cái lỗi của người khác. Văn Đế lên ngôi, lại thêm hình phạt thích mực đen. Trương Vũ nhận hối lộ, ban vàng để làm hắn biết thẹn; Ngô Vương không thần phục, dùng lễ để răn bảo cái lỗi của hắn. Cho nên quan dân vui vẻ theo nghiệp của mình, phong hóa chất phác, dứt hình ngục bốn trăm năm. Những kẻ sau khi được tha chết, không quá năm năm, đã cởi gông cùm, lại được người đời bàn khen. Cho nên dân không cho làm ác là thẹn thì nhiều dối cướp, do đó bọn phạm cấm càng nhiều mà loạn lại không dẹp được vậy. Nếu kẻ nào bỏ lễ giáo, phạt đúng tội đó, làm sai một điều cũng bị đao chém, bị diệt thân không được sống đến già, người xunh quanh vẫn chửi rủa kẻ đó, huống chi là người cùng làng ấp? Huống chi là triều đình? Nếu thế thì bọn Túc Sa, Triệu Cao không làm được điều ác của chúng vậy. Người xưa xét lời nói, xem việc làm mà kể rõ thiện ác. Vậy thì phép tắc của quân tử là dùng hình phạt xử chết đã có từ lâu rồi. Nếu chẳng may lỗi lầm thì tám lần bàn mới tha thứ vậy. Như nỗi oan của Biện Hòa, Thái sử Tư Mã Thiên là do hình pháp lỗi lầm dẫn đến vậy. Nếu bỏ đạo ấy thì không bỏ được hình phạt nặng nề, huống chi là hình phạt xẻo thịt? Hán thư viết: 'Phạt chém chân trái và giết chết phải tự báo trước, quan lại phạm tội nhận hối lộ, giữ của công mà trộm lấy nó thì đều vứt ở chợ'. Đấy là Ban Cố nói về kẻ đáng sống mà chuố lấy cái chết vậy. Nay không nỡ làm cái thảm khốc của việc khắc chém, lại làm yên dịu cái đau đớn của việc giết chóc, đấy là việc sửa trị trước tiên nên làm, cũng là cái mà nhà nước nên thay đổi vậy".
Năm Thái Hòa thứ tư, Do hoăng. Đế mặc áo trắng đến điếu, đặt thụy là Thành Hầu. [10] Con là Dục thay. Trước đây, Văn Đế phân ấp hộ cho Dục, phong em Dục là Diễn và con là Thiệu, cháu là Dự làm Liệt hầu.
[10] Ngụy thư viết: "Quan Hữu ti bàn đặt thụy, cho rằng Do trước kia làm Đình úy, giảng giải hình pháp, làm rõ nghi ngờ, dân không than oán, như Vu, Trương ở thời Hán vậy. Chiếu nói: 'Thái phó công cao đức dày, làm đến Sư, Bảo, bàn nên tặng thụy, thường dựa vào đấy trước, đức sánh với Đình úy Vu, Trương'. Bèn tặng thụy là Thành Hầu".
Dục tự Trĩ Thúc. Mười bốn tuổi làm Tán kị Thị lang, nói cười nhanh nhẹn, có phong độ của cha. Đầu năm Thái Hòa, Thừa tướng của Thục là Gia Cát Lượng vây huyện Kì Sơn. Minh Đế muốn đánh phương tây, Dục dâng sớ nói: "Bày kế cốt ở chỗ triều đình, đánh trận cốt ở chỗ màn trướng, không nên hạ thấp cái oai trên của cung điện mà cố ham thắng ở ngoài chỗ nghìn dặm, xe vua nên giữ gìn ở Trung Quốc để làm thế oai cứu giúp bốn phương. Nay đại quân đánh phương tây, dẫu có cái oai gấp đôi, nhưng cái tốn phí của miền Quan Trung không phải chỉ có một phần. Vả lại đang buổi nắng to mà đem quân đi, người đi thêm mệt, thực không phải là lúc bậc tôn quý ngồi xe đi vậy". Chuyển làm Hoàng môn Thị lang. Bấy giờ dựng cung thất lớn ở Lạc Dương, xe vua lại đến ở thành Hứa Xương, thiên hạ phải về chầu ở thành Hứa Xương. Mà thành Hứa Xương chật hẹp, bèn dựng điện da len ở phía nam thành, sắp đặt đủ cá rồng liên tiếp, dân mệt vì lao dịch. Do can, cho rằng: "Nước cạn cũng có lúc, kho tàng trống rỗng, nếu đều như thế, phải chờ năm đầy đủ". Lại dâng sớ nói: "Nên lập lại việc mở mang đất hoang miền Quan Nội, khiến cho dân được gắng sức làm nông". Việc bèn được làm. Giữa năm Chính Thủy, làm Tán kị Thị lang Thường thị. Đại Tướng quân Tào Sảng lúc giữa mùa hạ đem quân đánh Thục, quân Thục chống giữ, quân không đi được. Sảng đang muốn thêm quân, Do gửi thư nói: "Trộm nghĩ rằng, bày kế ở triều đình thì không cần đến tên đạn; quân của Đế vương đi mà không cần đánh. Cho nên dùng can qua để chinh phục người Miêu, lui chân về để gthu nạp tướng giặc, không nên phải như Ngô Hán đến ở cửa Giang Quan, đuổi Hàn Tín ở đấy Tỉnh Hình vậy. Thấy được thì đi, biết khó thì lui là phép tắc thời xưa. Mong ông hiểu rõ"! Sảng không có công mà về. Sau vì trái ý Sảng, chuyển chức Thị trung, ra làm Ngụy Quận Thái thú. Sảng đã bị giết, vào làm Ngự sử Trung thừa, Thị trung Đình úy. Mặc cho cha, vua đã chết thì con, tôi vẫn được nói lời chê bai, được nối làm tước Hầu thì vợ của mình không được lấy chồng nữa, đấy là việc mà Do làm trước vậy.
Giữa năm Chính Nguyên, Vô Khâu Kiệm, Văn Khâm phản, Dục cầm cờ tiết đến miền Dương Châu, Dự Châu ban bố chiếu lệnh, khuyên dụ quân dân, trở về làm Thượng thư. Gia Cát Đản phản, Đại Tướng quân Tư Mã Văn Vương bàn tự đến huyện Thọ Xuân đánh Đản. Gặp lúc Đại tướng của Ngô là Tôn Nhất đem quân đến hàng, có kẻ cho rằng: "Nước Ngô mới có người phản, tất không thể đem quân đi. Quân miền đông đã nhiều, nên xét hỏi kĩ". Dục cho rằng: "Bàn việc đánh địch, nên lấy ta mà xét người. Nay Đản đem đất Hoài Nam dâng cho nước Ngô, mà quân mà Tôn Nhất dẫn đi không đến nghìn người, nay không quá ba trăm người. Quân mà nước Ngô làm mấ không có bao nhiêu. Nếu chưa giải vây cho huyện Thọ Xuân thì trong nước Ngô chuyển thành yên, không nên không đi vậy". Đại Tướng quân nói: "Hay". Bèn đem Dục đi. [11] Đất Hoài Nam đã bình, làm Thanh Châu Thứ sử, thêm chức Hậu Tướng quân, chuyển làm Đô đốc Từ Châu chư quân sự, Giả tiết, lại chuyển làm Đô đốc Kinh Châu. Năm Cảnh Nguyên thứ tư, hoăng, truy tặng chức Xa kị Tướng quân, thụy là Huệ Hầu. Con là Tuấn thay. Em Dục là Hội, tự có truyện viết.
[11] Thần Tùng Chi cho rằng Gia Cát Đản đem đất Hoài Nam dâng cho Ngô, Tôn Nhất đem ba trăm người đến hàng Ngụy, nói là Ngô có phản, lời này không có lí. Lời bàn của Dục, há đủ hay sao!
Post a Comment