Header Ads

Mao Giới Truyện


Mao Giới tự Hiếu Tiên, người quận Trần Lưu huyện Bình Khâu. Thời trẻ làm huyện lại, vì thanh liêm công chính nên được ngợi khen. Lúc đi tránh loạn ở Kinh Châu, chưa đến nơi, nghe nói Lưu Biểu chính lệnh không nghiêm, bèn qua huyện Lỗ Dương. Thái tổ đến Duyện châu, cho vời Giới đến làm Trị trung tòng sự. Giới nói với Thái tổ rằng: "Nay thiên hạ tan lở chia lìa, quốc chủ bị di dời, sinh dân bỏ nghiệp, mất mùa đói kém lưu vong, Công gia(1) không năm nào có của tích trữ, trăm họ không có chí an cư, khó mà giữ được lâu. Nay Viên Thiệu, Lưu Biểu, tuy sĩ dân đông đảo cường thịnh, đều không lo tính đường xa, chưa gây dựng được cái gốc rễ nền móng vậy. Kẻ dấy binh có chính nghĩa thì thắng, giữ được địa vị bởi có tài lực, nên phụng mệnh thiên tử để ra lệnh cho kẻ không làm thần tử, chấn chỉnh việc canh tác lương thực, tích trữ quân nhu của cải, như thế thì cái nghiệp bá vương có thể thành vậy." Thái tổ cung kính thu nhận lời ấy, chuyển Giới làm Mạc phủ Công tào.

Thái tổ làm Tư không Thừa tướng, Giới từng làm Đông tào duyện, cùng với Thôi Diễm đều chủ trì việc tuyển cử. Những người được họ tuyển cử, đều là kẻ sĩ trong sạch chính trực, còn dù là kẻ có danh lớn mà phẩm hạnh không đoan chính giữ bổn phận, nhất định không được tiến cử. Diễm lấy sự cần kiệm để mọi người noi theo, bởi thế kẻ sĩ trong thiên hạ tuyệt chẳng ai không lấy tiết tháo và liêm khiết để tự cố gắng, dẫu là kẻ bầy tôi địa vị tôn quý được ân sủng, thì xe ngựa y phục chẳng dám vượt khuôn phép. Thái tổ than rằng: "Dùng người như thế, khiến cho người trong thiên hạ tự sửa mình, ta sao làm được như vậy!" Lúc Văn đế làm Ngũ quan tướng, đích thân đến chỗ Giới, phó thác thân quyến của mình nhờ Giới giúp. Giới đáp rằng: "Lão thần nhờ năng lực giữ chức phận, may mắn được miễn trách tội, nay lại nói giúp để thăng quan cho người ta là có lỗi, thế nên thần chẳng dám vâng mệnh." Đại quân về huyện Nghiệp, kẻ bàn luận muốn hợp nhất cơ cấu hành chính(2). Giới xin yết kiến nói không nên thi hành, người bấy giờ đều sợ Giới, đều muốn giảm bớt chức Đông tào. Bèn cùng bẩm bạch rằng: "Từ trước đây chức Tây tào là trên, chức Đông tào là dưới, nên giảm bớt Đông tào." Thái tổ hiểu rõ nội tình, xuống lệnh rằng: "Mặt trời mọc ở phương đông, mặt trăng tròn đầy ở phương đông, phàm khi người ta nói đến phương vị, cũng lại nói đến phương đông trước, vì sao lại triệt tiêu chức Đông tào?" Bèn giảm bớt chức Tây tào. Khi trước, Thái tổ bình Liễu Thành, ban phát các đồ vật lấy được ở đó, đặc biệt đem tấm bình phong sắc trắng không thuê thùa và ghế tựa bằng gỗ mộc không chạm khắc ban cho Giới, nói: "Ngài có phong độ của cổ nhân, cho nên ta ban cho ngài vật dụng của cổ nhân." Giới giữ ngôi vị quý hiển, thường mặc áo vải ăn cơm rau, vỗ về nuôi nấng con côi của anh rất hậu, những đồ được ban thưởng đem phát chẩn giúp đỡ người nghèo khó trong họ tộc, trong nhà không có đồ đạc của cải dư thừa. Giới được thăng làm Quân sư. Nước Nguỵ mới kiến lập, Giới làm Thượng thư bộc xạ, lại chủ trì việc tuyển cử.

Tiên hiền hành trạng chép: Giới chính trực thành thực, công bằng liêm chính, ở ngôi quan trong sạch kính cẩn. Lúc chủ trì việc tuyển cử, đề bạt người thanh liêm thật thà, bài xích kẻ phù phiếm rỗng tuếch và giả dối, tiến cử người khiêm tốn đức hạnh, đè nén kẻ a dua bè đảng. Các trưởng quan cai trị dân mà công tích chẳng rõ ràng nhưng của riêng giàu có đủ đầy, thì đều bị cách truất phế bỏ đình chỉ chức vụ, rất lâu sau không được tuyển dụng. Vì thế bốn bể tập hợp về, tuyệt chẳng có ai không cố gắng rèn phẩm hạnh. Thậm chí có Trưởng quan về nhà, mặt mũi lấm lem y phục xộc xệch, thường đi xe nhỏ xấu không che trướng. Quan lại cấp thấp vào phủ, mặc triều phục của lính bộ binh. Người người bắt chước nhau về sự thanh liêm, ăn cơm chan với nước sôi, nhà nhà noi gương nhau về tiết tháo, dùng nước rửa giặt giải mũ, người tôn quý thì không luỵ vào việc dơ bẩn, kẻ bần tiện tuyệt không tìm cách gian dối về tiền của, quan lại thanh liêm ở trên, tục dân rộng rãi ở dưới, dân chúng đến nay còn khen ngợi Giới.

Bấy giờ ngôi Thái tử chưa định, nhưng Lâm Tri hầu Thực được sủng ái, Giới ngầm can rằng: "Gần đây Viên Thiệu vì đích thứ bất phân, dòng tộc bị chết nước bị diệt. Phế lập là việc lớn, đó chẳng phải là việc làm thích hợp." Lúc quần thần hội họp, Giới đứng lên thay áo, Thái tổ trố mắt nhìn rồi hiểu ý nói: "Thời xưa bảo kẻ làm việc này là người giữ chức quan Ti trực(3) của quốc gia, thế là Chu Xương(4) của ta vậy."

Thôi Diễm đã chết, Giới trong bụng không hài lòng. Sau có kẻ mách việc của Giới nói: "Giới ra ngoài gặp một kẻ tạo phản bị thích chữ vào mặt, vợ con người ấy bị tất cả bị bắt làm nô tì ở nhà quan, Giới nói rằng: 'Khiến cho trời không mưa là việc đó vậy'." Thái tổ cả giận, bắt Giới giao cho nhà ngục. Quan Đại lý là Chung Do cật vấn Giới rằng: "Các bậc đế vương từ xưa là thánh minh, cứ kẻ có tội là liên luỵ đến vợ con. Kinh Thượng thư nói rằng: 'Binh sĩ ở bên trái xe binh nếu như không dùng cung tên bắn giết quân địch, binh sĩ ở bên hữu xe binh nếu như không dùng giáo mác đâm giết địch nhân, sẽ bị giết đến cả vợ con(5).' Kẻ giữ chức Tư khấu, sẽ bắt bớ tới gia thuộc, con trai phải vào chỗ tội nhân làm đứa ở, con gái phải vào nơi giã gạo thổi cơm. Theo pháp luật nhà Hán, tất cả vợ con của tội nhân phải làm nô tì, bị thích chữ vào mặt. Phép của nhà Hán cho thi hành hình phạt thích chữ bôi mực vào mặt, là bảo tồn pháp điển thời cổ đại. Nay kẻ ấy đúng thực là nô tì vì tổ tiên có tội, dẫu trải trăm đời, còn bị thích chữ vào mặt làm sai dịch ở phủ quan, thứ nhất là để khoan thứ cho sinh mệnh của dân lành, thứ hai là để tha thứ cho các lỗi lầm của kẻ có tội. Thế thì vì sao lại chống lại với ý của thần minh, mà vời đại hạn đến được? Xét theo lẽ thường, chính sự hà khắc thì thiên khí lạnh lẽo, chính sự hoà hoãn thì thiên khí ấm nóng, chính sự khoan hoà thì dương khí cực thịnh, đó là lý do sinh ra hạn hán(6). Ngài nói ra lời ấy, thì cho rằng hình pháp là hà khắc, hay là khoan hoà vậy? Nếu là hà khắc thì đang là lúc có mưa dầm, vì sao lúc này trái lại có hạn hán? Vua Thành Thang là bậc thánh ở đời, mà đồng ruộng có lúc cỏ không mọc, Chu Tuyên là vị vua giỏi, có lúc gặp đại hạn tai ác(7). Đại hạn kéo đến, đã ba mươi năm nay, mà quy lỗi cho việc có hình phạt thích chữ vào mặt, là vì việc cai trị chăng? Người nước Vệ đánh nước Hình, hưng binh mà có mưa, tội ác không có gì là chứng nghiệm cả, lấy gì để ứng lòng trời? Ngài đưa lời trách chê phỉ báng, lưu truyền chốn dân gian, tiếng tăm không hay, truyền đến tai thánh thượng. Lời ngài nói ra ấy, về tình thế chẳng phải là nói một mình, lúc ngài gặp người bị khắc chữ vào mặt, tất cả là có mấy người thấy? Kẻ nô tì bị khắc chữ vào mặt kia, ngài có quen biết họ chăng? Ngài gặp họ vì duyên cớ gì, mà đưa lời cảm thán đối với họ? Lúc ấy vì ai mà ngài nói lời cảm thán? Kẻ nghe được lời ngài cảm thán đáp lời thế nào? Hôm ấy là ngày tháng nào? Ở chỗ nào? Việc đã phát lộ, ngài không được giấu diếm lừa dối, hãy kể đủ sự thực để đối chứng với cáo trạng(8)." Giới nói: "Thần nghe nói Tiêu Sinh phải tự ải, vì bị khốn với Thạch Hiển(9); Giả Tử bị đuổi ra ngoài cõi, vì Giáng, Quán dèm pha(10); Bạch Khởi được ban kiếm phải tự sát ở Đỗ Bưu(11); Triều Thác bị giết ở Đông Thị(12); Ngũ Viên tuyệt mệnh ở Ngô Đô(13): Đối với mấy người ấy, hoặc bị người trước đố kỵ, hoặc bị người sau làm hại. Thần từ thời trẻ giữ chức tuyển cử, chuyên cần với chức quan, giữ chức vụ cơ mật thiết yếu, nắm đại quyền xắp xếp nhân sự. Người ta đem việc riêng phó thác cho thần, thần không vì quyền thế mà không còn tiết tháo, người vì có oan ức nói với thần, không vì việc nhỏ mà không suy xét rõ ràng. Nhân tình thì hám lợi, ta dùng pháp luật cấm chỉ, hành vi hám lợi bị cấm chỉ, thì kẻ có quyền thế phá hoại phép tắc. Sinh ra việc đổi trắng thay đen, nói rằng thần làm ra lời báng bổ triều đình, người nói thần báng bổ triều đình, thế tất chẳng phải vì nguyên nhân gì khác. Trước kia Vương Thúc, Trần Sinh tranh giành quyền chính ở chốn vương đình, Phạm Tuyên Tử xử trí công bằng(14). Đã yêu cầu cả hai người đưa ra chứng cứ, phải trái đều thích hợp, đúng sai có đủ, kinh Xuân Thu khen ngợi việc ấy, vì thế chép lại. Thần chẳng nói ra lời ấy, không có thời gian và nhân chứng gì. Nói rằng thần nói lời ấy, tất phải có chứng cớ. Xin hãy lấy lời tranh biện của Tuyên Tử, mà tìm lấy Vương Thúc để đối chất. Nếu thần mà có lời quanh co, ngay trong ngày xin lập tức chịu hình, lúc xử hình là khi ban tặng; ban kiếm đến, ấy là cái ân huệ được ban thưởng. Xin được cẩn trọng để đối đáp cáo trạng." Bấy giờ Hoàn Giai, Hoà Hiệp dâng lời cứu Giới. Giới cuối cùng bị cách chức, chết ở nhà.

Tôn Thịnh nói: Nguỵ Vũ vì dùng hình mà mất chính vậy. Dịch nói "Việc tố tụng hình ngục phải sáng suốt", truyện nói "Đề bạt người chính trực phế bỏ kẻ ác", việc tố tụng hình ngục sáng suốt thì trong nước không có dân oán, đối xử với kẻ gian người ngay thích đáng thì dân chúng không có ai không phục, không trừng trị kẻ sàm ngôn nói lời phù phiếm, thì lời dèm pha ton hót như nước ngấm dần, có thể sửa sang được bốn bể, thì chỉ có sự trong sạch và sáng sủa mà thôi. Xưa kia Hán Cao hạ ngục Tiêu Hà, khi tha ra lại tin dùng, Giới một lần bị trách tội, vĩnh viễn bị ruồng bỏ, sự độ lượng của hai vị nhân chủ, há chẳng khác nhau sao(15)!

Thái tổ ban cho áo quan, tiền, lụa, phong cho con của Giới là Cơ làm Lang trung.

Chú thích:
(1) Công gia ở đây là nói 'nhà của Minh công', tức nói đến vùng Dự Châu nơi Tào Tháo đang cai quản.
(2) Nguyên văn câu này là 'nghị sở tịnh tỉnh', chữ 'tỉnh' ở đây là danh từ, chỉ một cơ cấu hành chính thời cổ, lúc đó Mao Giới làm Đông tào duyện, Thôi Diễm là Tây tào duyện, mọi người bàn định muốn hợp nhất hai chức này, tức là giảm đi một cơ quan hành chính.
(3) Cầm đầu việc can gián vì lợi ích quốc gia.
(4) Chu Văn Vương Cơ Xương, người đặt nền móng cho Vũ Vương lập nên nhà Chu, Chu Xương từng can gián vua Trụ nhà Ân.
(5) Nguyên văn cả câu này là 'Tả bất cộng tả, hữu bất cộng hữu, dư tắc nô lục nữ.' Theo phép xưa, khi ra trận xe binh đi trước, quân bên tả cầm cung nỏ, quân bên hữu cầm giáo mác dài, khi xung phong, bên tả bắn tên, bên hữu đâm chém kẻ địch. Câu này quá khó, xin tạm hiểu nghĩa mà dịch như vậy.
(6) Câu này có nguồn gốc từ kinh Thượng thư, đại ý nói rằng chính trị hà khắc thì trời đất lạnh lẽo, chính trị khoan hoãn thì đất trời ấm nóng, dương khí cực thịnh. Chung Do đưa lí luận này để nói rằng việc lời nói về hình pháp nặng nhẹ kia theo lý là chẳng đúng, ngầm có ý như kết tội Mao Giới.
(7) Thành Thang là vua sáng nghiệp nhà Thương, là đấng minh quân, Chu Tuyên vương là vị vua giỏi thời nhà Chu, dưới thời cai trị của hai vua này đều từng bị những đợt hạn hán nặng nề. Chung Do đưa ra lập luận này để chứng minh rằng hình pháp nặng hay nhẹ chẳng liên quan gì đến chuyện nắng hạn cả.
(8) Rút cục là bảy câu hỏi của Chung Do với Mao Giới thực chất là lời mớm cung, chỉ đường cho Giới thoát tội. Thực chất thì Mao Giới, Thôi Diễm và Chung Do là những người bạn rất tốt với nhau.
(9) Tiêu sinh tức Tiêu Vọng Chi, cháu sáu đời của Tiêu Hà, sống ở nửa cuối thời Tây Hán, người quạn Đông Hải huyện Lan Lăng, sau chuyển về ở Đỗ Lăng. Ông là đại thần dưới hai triều vua Tuyên Đế và Nguyên Đế, nổi danh là Kinh học gia. Vì không hợp với Đại tướng quân Hoắc Quang nên không được trọng dụng. Sau khi Hoắc Quang chết một thời gian, ông được thay chức của Bính Cát làm Ngự sử đại phu. Hoắc thị mắc tội bị diệt tộc, ông càng được trọng dụng. Lúc Hung Nô làm loạn, ông can gián vua, chủ hoà. Đế xuất chinh, thắng trận, ông bị giáng chức làm Thái tử Thái phó. Tuyên Đế lên ngôi, ông lại được trọng dụng, nắm quyền lớn trong triều, làm đến chức Thừa tướng. Ông xung khắc với bọn hoạn quan, bị hai tên hoạn quan là Hoằng Cung và Thạch Hiển bức hại, vu cáo ông là 'xưng tụng người thuộc bè đảng, gièm pha tố cáo đại thần, huỷ hoại tình thân, có ý chuyên quyền.' Ông bị bắt, hạ ngục, sau phải uống thuốc độc tự vẫn, lúc ấy sáu mươi tuổi.
(10) Giả tử tức Giả Nghị, sống vào đầu thời Tây Hán, người Lạc Dương, là chính luận gia, văn học gia, nổi danh từ năm mười tám tuổi, được Ngô Công tiến cử, năm hai mươi tuổi làm Bác Sĩ, chưa đầy một năm được đặc cách thăng làm Thái trung đại phu. Ông đề xuất cải cách chính trị, kế thừa pháp chế thời Tần, nhưng phế bỏ các bại tục, cách tân chế độ, bị các đại thần là Giáng hầu Chu Bột, Dĩnh Âm hầu Quán Anh, Đông Dương hầu Trương Tương Như, Ngự sử đại phu Phùng Kính căm ghét. Năm hai mươi ba tuổi, ông bị biếm chức làm Thái phó cho Trường Sa Vương. Sau bị triệu về Trường An làm Thái phó cho Lương Hoài Vương. Lương Hoài Vương bị ngã ngựa chết, ông lo lắng thành bệnh, năm ba mươi ba tuổi chết.
(11) Bạch Khởi là danh tướng của Tần Chiêu Vương, công lao trùm cả nước Tần, đánh Triệu thắng trận ở Trường Bình, giết Triệu Quát chôn sống bốn mươi vạn quân Triệu, đã kiến nghị vây đánh Hàm Đan, Thừa tướng là Phạm Thư ghen ghét với Khởi can vua Tần, vua Tần không nghe kế của Khởi. Sau nước Triệu dùng Liêm Pha làm tướng, đánh lại nước Tần, tướng Tần là Vương Lăng không đánh được. Vua Tần cử Khởi làm đại tướng ra trận, Khởi từ chối cho rằng lúc ấy không thể đánh được nữa, vua Tần cố ép, Khởi nhất định từ chối, vua Tần giận, cử Vương Hạt làm tướng, bị thua, Khởi nói với tân khách là 'đã biết trước như thế mà', Phạm Thư nhân đó gièm pha Khởi với vua Tần, vua Tần nổi giận, tước quan lộc và thực ấp của Khởi, đầy ra Âm Mật, khi đến Đỗ Bưu, vua Tần ban cho kiếm tự sát mà chết.
(12) Triều Thác là người thời Tây Hán, quê ở quận Dĩnh Xuyên, sống vào đời vua Hán Văn Đế. Ông có văn tài xuất chúng, từng nhận các chức vụ là Thái tử xá nhân, Bác sĩ, Thái tử gia lệnh, được Thái tử là Lưu Khải tôn xưng là 'túi khôn'. Thời Hán Cảnh Đế, ông làm Ngự sử đại phu, từng nhiều lần chủ trương tăng cường quyền lực của chính quyền trung ương, giảm thế lực của chư hầu đại phương, trọng nghề nông, quý thóc lúa. Nhân vì cái loạn thất quốc, ông bị giết bằng hình phạt chém ngang lưng ở Đông Thị, Tây An. Truyện về ông thấy ở các thiên sách trong Hán thư là 'Hoá thực chí', 'Viên Áng, Triều Thác truyện'.
(13) Ngũ Viên tức Ngũ Tử Tư, người nước Sở cuối thời Xuân Thu, văn võ toàn tài, cha là Ngũ Xa có tiếng chính trực, bị Sở Bình Vương giết, ông trốn qua nước Ngô, giúp Thế tử Quang lên ngôi, tức vua Hạp Lư. Sau khi góp công xây dựng nước Ngô thành cường quốc, ông đem quân về diệt nước Sở, đào mả Sở Bình Vương, dùng roi đồng đánh mấy trăm cái vào thi thể Sở Bình vương khiến xương tan thịt nát. Hạp Lư chết, Phù Sai lên thay, tin dùng gian thần Bá Hi, không trọng dụng Ngũ Viên, lại tha cho vua Việt là Câu Tiễn. Nước Việt hùng mạnh, Phù Sai cứ vui chơi với người đẹp là Tây Thi, quên cả chính sự. Ngũ Viên can gián nhiều lần, làm Phù Sai giận, liền ban cho Ngũ Viên thanh kiếm, Ngũ Viên tự sát ở Ngô Đô. Sau này nước Ngô bị vua nước Việt là Câu Tiễn diệt, Phù Sai phải tự vẫn.
(14) Vương Thúc, Trần Sinh, Phạm Tuyên Tử là bầy tôi của Chu Linh Vương (Cơ Tiết Tâm) nhà Chu thời Xuân Thu, ND chưa tra cứu được điển tích này.
(15) Tiêu Hà là công thần bậc nhất của Lưu Bang, sau khi kiến lập nhà Hán, Lưu Bang giết các công thần, Tiêu Hà vốn là vị quan thanh liêm đầu triều, Lưu Bang rất nghi kỵ. Có người khuyên Lưu Bang nên tỏ ra tham lam để làm hại đến thanh danh liêm khiết của mình để Hán vương yên lòng, Tiêu Hà không nghe. Có lần Tiêu Hà đã đề đạt nguyện vọng của dân lên Lưu Bang về việc dùng đất hoang trong vườn thượng uyển để khai khẩn, trồng lúa. Lưu Bang nghe nói tức giận, cho rằng Tiêu Hà ăn hối lộ của dân nên mới nghĩ ra việc phá vườn thượng uyển, bèn ra lệnh bắt giam ông, sau được các quan ngăn lại, Tiêu Hà được tha. Sau khi Lưu Bang chết, Tiêu Hà phục vụ con của Lưu Bang, được thăng tước Hầu. Ở đây Tôn Thịnh so sánh Hán Vương và Nguỵ Vũ, có ý mỉa mai Nguỵ Vũ là thiếu chính đạo và hẹp hòi.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.