Công Tôn Toản Truyện
Công Tôn Toản tự Bá Khuê, người huyện Lệnh Chi quận Liêu Tây. Lệnh âm lang định phiên. Chi âm kì nhi phiên. Làm Môn hạ Thư tá trong quận. Có dáng vẻ đẹp, tiếng nói lớn, Hầu Thái thú kính trọng, gả con gái cho Toản, Điển lược viết: "Tính Toản nhanh nhẹn, hễ bàn việc gì không chịu nói trước, thường tổng kết các việc lại sau cùng, không có chỗ sai sót, quan Thái thú khen tài của Toản".
Sai đến nhà Lư Thực ở Trác Quận đọc sách kinh, rồi làm quan trong quận ấy. Lưu Thái thú làm việc mắc lỗi bị gọi đến phủ Đình úy, Toản làm người đánh xe, tự thân chăm sóc. Đến lúc Lưu Thái thú dời đến quận Nhật Nam, Toản sắm sửa gạo thịt, ở tại huyện Bắc Mang cúng tế người trước, nâng chén rượu chúc nói: "Trước làm người con, nay làm bầy tôi, nay đến quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam khí chướng, chỉ sợ không về được, nay cùng người quen từ biệt ở đây". Lại bái lạy rùm rụp rồi đứng dậy, bấy giờ người ta thấy vậy chẳng ai không than thở. Lưu lại được tha về. Toản vì cử Hiếu liêm mà làm quan Lang, bái làm Liêu Đông thuộc quốc Trưởng sử. Thường dẫn mấy chục quân kị đi ra biên giới, thấy mấy trăm quân kị người Tiên Ti, (1) Toản bèn lùi về giữa ngôi đình trống, hẹn quân kị đi theo nói: "Nay nếu không xông ra tất chết hết vậy". Toản liền tự cầm mâu, đao có hai lưỡi nhảy ra đâm quân Hồ, (2) giết chết mấy chục người, cũng giết được nửa quân kị đi theo trong bọn chúng, bèn thoát được. Người Tiên Ti sợ hãi, sau không dám vào lại biên giới. Chuyển làm Trác Lệnh. Giữa năm Quang Hòa, giặc vùng Lương Châu nổi dậy, phát ba nghìn quân đột kị của vùng U Châu, lấy Toản làm Đô đốc trông coi, sai đem quân đi. Quân đến giữa huyện Kế, người quận Ngư Dương là Trương Thuần dụ người Ô Hoàn (3) ở quận Liêu Tây là bọn Khâu Lực Cư làm phản, cướp bóc giữa huyện Kế, tự xưng Tướng quân,
Cửu châu Xuân thu viết: "Thuần tự hiệu Di thiên Tướng quân, An Định Vương". bắt quan dân, đánh các thành của quận Hữu Bắc Bình, thuộc quốc Liêu Đông, chỗ đi qua đều phá hoại. Toản dẫn bộ tướng đuổi đánh bọn Thuần có công, chuyển làm Kị Đô úy. Người Ô Hoàn của thuộc quốc là Tham Chí Vương đem dân chúng đến chỗ Toản hàng. Chuyển làm Trung lang tướng, phong Đô Đình Hầu, đến đóng đồn ở thuộc quốc, đánh phá nhau với người Hồ năm, sáu năm. Bọn Khâu Lực Cư cướp bóc bốn châu Thanh, Từ, U, Kí, bốn quận bị gây hại nhưng Toản không ngăn được.
Triều đình bàn bạc thấy người quận Đông Hải là Tông chính Lưu Bá An vốn có đức nghĩa, trước làm U Châu Thứ sử, ân tín sáng rõ, người Nhung Địch nương dựa, nếu được sai đến vỗ về thì không cần đem quân đánh mà định được, bèn lấy Lưu Ngu làm U Châu Mục.
Ngô thư viết: "Ngu là dòng dõi của Cung Vương quận Đông Hải. Gặp thời nhiễu loạn, lại đang lúc vua rời xa, làm quan ở huyện làm Hộ tào lại. Có tài tu thân coi vệc, gọi làm quan của quận, cử Hiếu liêm làm quan Lang, làm đến U Châu Thứ sử, chuyển làm Cam Lâm Tướng, rất được lòng người Nhung Địch ở miền đông. Sau có bệnh xin về nhà, thường cúi mình ẩn thân, vui vẻ cùng bạn bè phe nhóm trong châu huyện cứu giúp người không có tiền của, không vì chức vị mà tự phân biệt, người làng xóm đều cùng theo về. Bấy giờ người làng xóm có kẻ kiện tụng, không đến phủ quan, tự đến nhờ Ngu phân giải; Ngu lấy tình lí mà xét xử, người lớn bé đều kính trọng, không cho là tiếc. Từng có kẻ bị mất trâu mà màu lông thân thể giống nhau với trâu của Ngu, nhân đó cho là của mình, Ngu bèn đem cho kẻ đó; sau đó người chủ trâu kia tìm được trâu của mình mới đem trả tạ lỗi. Gặp lúc nước Cam Lăng bị loạn, quan dân chọn làm Cam Lăng Tướng. Nước Cam Lăng được dẹp yên. Gọi đến bái làm Thượng thư lệnh, Quang lộc huân, lại vì là họ hàng của vua mà có lễ nghĩ, đổi làm Tông chính". Anh hùng kí viết: "Ngu làm Bác Bình Lệnh, xét việc công bằng, ngay thẳng cao thượng, trong huyện không có giặc cướp, không gây tai hại. Bấy giờ huyện bên gần cõi có châu chấu gây hại, lan đến huyện Bác Bình, bây qua nhưng chẳng vào ruộng". Ngụy thư viết: "Ngu ở tại U Châu, tiết kiệm trong sạch, lấy lễ nghĩa mà dạy dân. Thời Linh Đế, cung phía nam bị đổ, những quan lại của các châu quận đều đem tiền đến giúp sửa cung, có kẻ đem đến một vạn một nghìn tiền, có kẻ có đến hai nghìn, hai vạn tiền. Nhà giàu lấy tiền riêng mà góp giúp, có kẻ đem tiền của dân mà sắm sửa đóng góp, những kẻ nghèo mà trong sạch thì không có đem góp, có kẻ phải tự sát. Linh Đế thấy Ngu trong sạch, hạ lệnh tha cho không cần góp tiền".
Ngu đến, sai sứ đến giữa người Hồ, nói rõ lợi hại, sai đòi chém đem đầu Thuần đến. Bọn Khâu Lực Cư nghe tin Ngu đến, vui mừng, đều sai người đến xưng tự thần phục. Toản lo Ngu lập công bèn ngầm sai người giết chết sứ giả của người Hồ. Người Hồ biết được, ngầm đến bảo cho Ngu biết. Ngu dâng sớ xin bãi các quân đang đóng ồn, vẫn giữ Toản đem vạn quân kị bộ đóng đồn ở quận Hữu Bắc Bình. Thuần liền bỏ vợ con, chạy vào chỗ của người Tiên Ti, bị môn khách là Vương Chính giết, đem đầu đến chỗ Ngu. Phong Chính làm Liệt Hầu. Ngu vì công liền được bái làm Thái úy, phong làm Tương Phần Hầu.
Anh hùng kí viết: "Ngu nhường chức Thái úy, nhân đó tiến cử Vệ úy Triệu Mô, Ích Châu Mục Lưu Yên, Dự Châu Mục Hoàng Uyển, Nam Dương Thái thú Dương Độc, đều dùng làm Công". Gặp lúc Đổng Trác đến Lạc Dương, chuyển Ngu làm Đại Tư mã, bái Toản làm Phấn vũ Tướng quân, phong làm Kế Hầu.
Quân nghĩa miền Quân Đông nổi dậy, Trác bèn cướp Đế đến miền tây, mời Ngu làm Thái phó, đường lối chăn cách, tín lệnh không đến được. Viên Thiệu, Hàn Phức bàn cho rằng vua nhỏ bị gian thần ngăn chặn, thiên hạ không có lòng theo về. Ngu là họ hàng nhà vua có tiếng tăm, dân chúng trông mông, bèn tôn Ngu làm Đế. Sai sứ đến báo cho Ngu, Ngu rút cuộc không chịu nhận. Bọn Thiệu lại khuyên Ngu lĩnh chức Thượng thư, thừa lệnh phong bái, Ngu lại không nghe, nhưng vẫn liên hòa với bọn Thiệu.
Cửu châu Xuân thu viết: "Bọn Thiệu, Phức sai Lạc Lãng Thái thú Trương Kì người huyện Cam Lâm trước kia đem lời bàn đến chỗ Ngu, sai phải xưng hiệu. Ngu lớn tiếng mắng Kì nói: 'Ngươi dám nói lời này ra sao! Cái đạo trung hiếu đã không thông. Ta nhận ân nước, thiên hạ nhiễu làm mà chưa được nhận lệnh để trừ bỏ nỗi xỉ nhục nhà nước, mong có các kẻ sĩ trung liệt của các châu quận đều hợp sức về phía tây, đón nghênh vua nhỏ, vậy mà dám tự tiện bày mưu phản nghịch, dám chuốc nhơ bẩn cho trung thần chăng'!". Ngô thư viết: "Phức gửi thư cho Viên Thuật nói rằng Đế không phải là con của Linh Đế, muốn noi theo việc cũ của Giáng, Quán (4) giết bỏ vua nhỏ, đón lập Đại Vương; khen Ngu có công đức sửa trị, vùng Hoa Hạ không có hai người như thế, họ hàng nhà vua đều chẳng ai sánh bằng. Lại nói: 'Xưa Quang Vũ Đế là dòng dõi đời thứ năm của Định Vương, làm Đại Tư mã trông coi miền Hà Bắc, bọn Cảnh Yểm, Phùng Dị đều khuyên nên lên ngôi vị, rút cuộc thay Cánh Thủy Đế. Nay Lưu Công là dòng dõi của Cung Vương, cũng trải qua năm đời, lấy Đại Tư mã trông coi miền U Châu, việc này cũng giống với Quang Vũ Đế'. Bấy giờ có bốn ngôi sao hội ở sao Cơ, sao Vĩ, Phức nói đấy là điềm báo trước có người thần sắp dựng nghiệp ở tại đất Yên. Lại nói rằng có người đàn ông quận Tế Âm lấy được cái ấn ngọc, trên đó có khắc chữ rằng: 'Ngu làm Thiên tử'. Lại thấy hai Mặt trời xuất hiện ở tại quận Đại, cho rằng Ngu nên thay ngôi. Thiệu lại gửi thư riêng cho Thuật. Bấy giờ Thuật trong lòng có ý không thần phục, cho rằng nhà nước có vua lớn tuổi sẽ không có lợi, bèn ngoài mặt mượn cớ là việc công để đáp chống lại ý ấy. Thiệu cũng sai người báo riêng cho Ngu biết, Ngu cho rằng nước có chính thống, là bây tôi không nên nói lời ấy, cố từ chối không theo; lại muốn mưu trốn vào chỗ người Hung Nô để tự cắt đứt, bọn Thiệu mới thôi. Do đó Ngu làm theo chức phận, càng thêm cung kính; các đồ cống nạp mà người Hồ, người Khương đem đến nhưng vì đường lối không thông, bèn đều chuyển chở đến ở kinh sư".
Con Ngu là Hòa làm Thị trung ở tại Trường An. Thiên tử muốn về miền đông, sai Hòa lừa trốn Trác, ngầm ra khỏi cửa Vũ Quan đến chỗ Ngu, sai Ngu đem quân đến đón. Hòa đi thẳng đến chỗ Viên Thuật, nói rõ ý của Thiên tử. Thuật cho rằng Ngu có thể vin dựa có lợi, liền giữ Hòa lại không cho đi, hứa sẽ đem quân cùng đi đến miền tây, lệnh Hòa gửi thư cho Ngu. Ngu nhận được thư của Hòa, bèn sai mấy nghìn quân kị đến chỗ Hòa. Toản biết Thuật có chí khác, không muốn sai quân đi, can ngăn Ngu, Ngu không nghe. Toản sợ Thuật nghe tin mà giận mình, bèn sai em họ của mình là Việt đem nghìn quân kị đến chỗ Thuật để tự kết thân, lại ngầm xui Thuật bắt giữ Hòa, cướp quân của hắn. Do đó Ngu, Toản thêm hiềm khích. Hòa trốn Thuật đến miền bắc, lại bị Thiệu giữ lại.
Bấy giờ Thuật sai Tôn Kiên đóng đồn ở Dương Thành chống Trác, Thiệu sai Chu Ngang đánh lấy đất ấy. Thuật sai Việt cùng Kiên đánh Ngang, không thắng, Việt bị tên lạc đâm trúng mà chết. Toản giận nói: "Em ta chết, họa này do ở Thiệu". Bèn đem quân ra đóng ở bên sông Bàn Hà, sắp đến trả thù Thiệu. Thiệu sợ, lấy ấn thao Bột Hải Thái thú của mình đeo trao cho em họ là Phạm, sai đến quận, muốn dựa giúp nhau. Phạm bèn đem quân Bột Hải giúp Toản, phá quân Khăn vàng vùng Thanh Châu, Từ Châu, thế quân thêm mạnh; đem quân đến Giới Kiều.
Điển lược chép biểu của Toản kể tội lỗi của Thệu nói: "Thần nghe nói từ thời Hoàng Hi (5) đến nay bắt đầu có việc vua trên tôi dưới, đem giáo hóa để dạy dân, dùng hình pháp để ngăn cấm cái ác. Nay Xa kị Tướng quân Viên Thiệu mượn cớ vết xe ngày trước, cướp đoạt chức của người khác, có ý gây loạn, làm việc nhơ bản. Trước làm Tư lệ Hiệu úy, gặp lúc nhà nước vỡ lở, Thái hậu thừa lệnh, họ hà phụ chính, Thiệu lại chuyên làm việc xấu, không làm việc ngay thẳng, rồi sai Đinh Nguyên đốt cháy bến Mạnh Tân, mời gọi Đổng Trác đến, tạo thành cái gốc của họa loạn. Đấy là tội thứ nhất của Thiệu vậy. Trác đã vào Lạc Dương thì vua bị bắt làm tin, Thiệu lại không quyết đoán để giúp vua trên, mà lại bỏ mất tiết tháo, rút chạy bỏ trốn, làm nhục tước mệnh, phản vua bất trung, đấy là tội thứ hai của Thiệu vậy. Thiệu làm Bột Hải Thái thú, kén chọn quân mã, lúc đánh Đổng Trác, không báo cho vua trên, mà sai sứ đến cửa nhà quan Thái phó, khiến cho mẹ con của Thái bộc một sớm mà chết, vậy là bất nhân bất hiếu, đấy là tội thứ ba của Thiệu vậy. Thiệu đã dấy binh, trải qua ba năm, không cứu nạn nước, tự tiện đặt phong, lại nhiều lần chuyển lương thảo không kịp lúc, cướp cắt làm giàu, thu lấy tiền của, trăm họ kêu than, chẳng ai không giận, đấy là tội thứ bốn của Thiệu vậy. Hàn Phức bức ép, lập ra ngôi rỗng, làm trái ân chiếu, khắc vàng chạm ấn ngọc, hễ gửi văn thư, đựng kín trong túi đen, viết nói: 'Một tờ chiếu thư, ấn của Kháng Hương Hầu'. Kháng khẩu lãng phiên. Xưa vừa gặp loạn, rồi lại lên ngôi, nay cái mà Thiệu làm, vẫn như lúc trước, đấy là tội thứ năm của Thiệu vậy. Thiệu sai Thôi Cự Nghiệp ngóng xem trăng sao, đưa tiền hối lộ, cùng nhau ăn uống, hẹn kì hội hợp, đánh cướp quận huyện, đấy há phải là việc mà bậc đại thần nên làm sao? Đấy là tội thứ sáu của Thiệu vậy. Thiệu cùng Hổ nha Đô úy Lưu Huân trước cùng dấy binh, Huân vẫn tự chuộc lỗi, lại hàng phục Trương Dương, vậy mà vì cái giận nhỏ mà gây hại cho Huân, tin dùng lời nịnh bợ, giết hại người có công, đấy là tội thứ bảy của Thiệu vậy.
Thiệu lại dùng Thượng Cốc Thái thú Cao Yên, Cam Lăng Tướng Diêu Cống ngày trước, đòi hỏi tiền của họ, tiền không góp đủ, hai đều bị lấy mạng, đấy là tội thứ tám của Thiệu vậy. Theo nghĩa của sách Xuân thu, con phải quý mẹ, mẹ Thiệu thân làm vợ lẽ, Thiệu thực là hèn kém, không đáng làm dòng dõi của người ta, về nghĩa là không hợp, vậy mà lại giữ chức cao vị to, làm xấu tước Vương, chước nhục họ Viên, đấy là tội thứ chín của Thiệu vậy. Lại nữa Trường Sa Thái thú Tôn Kiên ngày trước lĩnh chức Dự Châu Thứ sử, xua đuổi Đổng Trác, tẩy rửa lăng miếu, công chẳng ai lớn bằng; vậy mà Thiệu sai Chu Ngang cướp lấy chức của người ta, cắt đứt đường vận lương của Kiên, sai không được vào, khiến cho Trác không bị giết, đấy là tội thứ mười của Thiệu vậy. Thần lại thường nhận được thư của Hậu Tướng quân Viên Thuật, nói rằng Thiệu không phải là anh em của Thuật. Tội lỗi của Thiệu, dẫu tre của núi Nam cũng không ghi hết. Xưa nhà Chu của họ Cơ suy kém, Thiên từ dời đô, chư hầu phản loạn, do đó Tề Hoàn Công lập hội thề Kha Đình, Tấn Văn Công mở hội ở Tiễn Thổ, đánh Kinh Sở để tỏ tinh hoa, phạt Tào, Vệ để kể rõ tội vô lễ của họ. Thần dẫu hèn kém, tiếng tăm không bằng người hiền thời trước, nhưng chịu nhận ân đức của triều đình, gánh vác việc lớn, chức vụ ở tại chốn can qua, nhận lệnh đánh kẻ có tội, sẽ cùng các tướng đem quân của châu quận đánh bọn Thiệu. Nếu việc thắng lợi, kẻ có tội bị phạt, nối tiếp cái trung thành của Hoàn Công, Văn Công, tình thế đánh trận thế nào xin trước sau báo lên". Bèn đến đến đánh với Thiệu, Thiệu không thắng. Lấy Nghiêm Cương làm Kí Châu Mục, Điền Khải làm Thanh Châu Mục, Đan Kinh làm Duyện Châu Mục, đặt các quận huyện. Thiệu đem quân đến huyện Quảng Xuyên, lệnh tướng là Cúc Nghĩa lên trước đánh với Toản, bắt sống Cương. Quân Toản thua chạy đến quận Bột Hải, cùng Phạm về huyện Kế, ở phía đông nam thành lớn đắp thành nhỏ, gần nhau với Ngu, càng căm giận nhau.
Ngu sợ Toản gây loạn, bèn đem quân đánh úp Toản. Ngu bị Toản đánh thua, chạy ra huyện Cư Dung. Toản đánh chiếm huyện Cư Dung, bắt sống Ngu, đem Ngu về huyện Kế. Lúc Trác chết, Thiên tử sai sứ giả là Đoàn Huấn đến tăng thực ấp cho Ngu, sai trông coi sáu châu; Toản chuyển làm Tiền Tướng quân, phong làm Dịch Hầu. Toản vu cho Ngu muốn xưng tôn hiệu, ép Huấn chém Ngu.
Ngụy thị Xuân thu viết: "Trước đây, Lưu Ngu liên hòa với người Nhung Địch, Toản cho rằng người Hồ Di khó ngăn chặn, nhân lúc chúng không thần phục mà đánh, nay thưởng thêm tiền, tất càng thêm coi thường nhà Hán, được tiếng tăm một thời mà để lại nỗi lo lắng lâu dài. Do đó cái mà Ngu ban thưởng thì Toản liền cướp lấy. Ngu nhiều lần xin gặp, Toản xưng bệnh không đến. Đến lúc thua trận, Ngu muốn đánh Toản, báo cho Đông Tào duyện Ngụy Du người quận Hữu Bắc Bình. Du nói: 'Nay thiên hạ dẫn dắt theo về chỗ ông. Mưu thần là móng vuốt, không thể không có. Toản có tài cả văn vũ đủ để nương ựa, dãu có ít lỗi xấu nhưng cũng nên dung chứa hắn'. Bèn thôi. Một năm sau, Du bệnh chết. Ngu lại bàn với quan thuộc, ngầm lệnh đem quân đánh úp Toản. Bộ tướng của Toản phân tán ở ngoài, Toản sợ thua, đào cửa đông thành muốn chạy. Quân của Ngu không có đội ngũ lại không luyện tập đánh trận, lại yêu dân chúng, bèn ra lệnh không được đốt phá. Do đó Toản bèn đốt lửa, nhân đó đem quân tinh nhuệ xông xáo, quân của Ngu tan vỡ, chạy đến thành Cư Dung. Toản đến đem người nhà để về, giết hại người trong châu phủ, bọn kẻ sĩ đội mũ tài giỏi đều bị giết hết". Điển lược viết: "Toản phơi Ngu ở cợ mà khấn rằng: 'Nếu là người ứng mệnh trời thì ngày nay có mưa xuống cứu ngươi'. Bấy giờ đang giữa mùa hạ, cả ngày không mưa, bèn giết Ngu". Anh hùng kí viết: "Lúc Ngu bị giết, Thường Sơn Tướng là Tôn Cẩn, quan Duyện là bọn Trương Dật, Trương Toản cảm kích lòng trung nghĩa của Ngu, cùng nhau đến chỗ Ngu, liên mồm mắng Toản, sau đó cùng chết". Toản cử Huấn làm U Châu Thứ sử. Toản bèn kiêu ngạo, làm việc lỗi quên việc hay, phần nhiều gây hại.
Anh hùng kí viết: "Toản lĩnh hết trong ngoài, trong bọn con em đang tuổi đội mũ có kẻ tuấn tú bèn sai đến đất khốn khó, có người hỏi nguyên nhân, đáp nói: 'Nay để cho con em trong nhà đang tuổi đội mũ và bọn kẻ sĩ tài giỏi được giàu có thì đều phải tự mình làm lấy công việc, không cần người khác ban tặng vậy'. Những kẻ buông thả được yêu quý phần nhiều là những kẻ yếu kém, như ba người bọn thầy bói số là Lưu Vĩ Đài, người bán lụa là Lí Di Tử, nhà buôn là Lạc Hà Đương, cùng họ thề làm anh em, tự gọi mình là Bá, gọi ba người là Trọng, Thúc, Quý, giàu có đều đến hàng ức tiền, hoặc lấy con gái của họ mà gả cho con trai của mình, thường khen bọn Khúc Chu, Quán Anh để thề".
Tòng sự của Ngu là bọn Tiên Vu Phụ, Tề Chu, Kị Đô úy Tiên Vu Ngân là người quận Ngư Dương đem quân của châu muốn trả thù Toản, lấy người nước Yên là Diêm Nhu vốn có ân tín, cùng tôn Nhu làm Ô Hoàn Tư mã. Nhu chiêu dụ người Ô Hoàn, người Tiên Ti, thu được mấy vạn người Hồ, người Hán, đánh nhau với bộ tướng của Toản là Trâu Đan ở phía bắc huyện Lộ, đại phá được, chém Đan. Viên Thiệu lại sai Cúc Nghĩa và con của Ngu là Hòa đem quân cùng Phụ hợp đánh Toản. Quân Toản nhiều lần thua, bèn chạy về huyện Dịch giữ chắc.
Anh hùng kí viết: "Trước đó có câu hát của bọn trẻ con rằng: 'Cõi phía nam nước Yên, vùng phía bắc nước Triệu, miền giữa không lớn bằng đá mài, chỉ có ở giữa đó mới tránh loạn được'. Toản lấy quân ở huyện Dịch mà chống đỡ, lại đắp thành giữ vững. Bộ tướng khác của Toản bị địch vây, không cứu được. Nói với bộ tướng ấy rằng: 'Cứu một người, khiến cho sau này các tướng chỉ dựa vào quân cứu mà không gắng sức đánh; nay không cứu chỗ ấy thì sau này các tướng sẽ ghi nhớ phải tự gắng sức'. Do đó lúc Viên Thiệu bắt đầu đánh miền bắc, các trại ở đất miền nam của Toản tự lo chống giữ không thể giữ vững, lại biết Toản sẽ không đến cứu, cho nên các tướng có kẻ tự giết thuộc hạ của mình, hoặc có người bị quân Thiệu phá, khiến cho quân Thiệu đánh thẳng đến cửa mình".
Thần là Tùng Chi cho rằng: Lời mà bọn trẻ con hát không có gì là không ứng nghiệm; đến như lời văn này, tựa như không có chỗ sai, như lời văn hát, có lẽ là Toản trước sau cố giữ huyện Dịch, không nghĩ mưu xa. Mà Toản nhân cái uy phá quân Khăn vàng, ý chí vươn xa, bèn đặt Thứ sử của ba châu, mưu diệt họ Viên, do đó mà thua vậy. Đắp lũy bao quanh mười vòng, ở trong lũy đắp thành, đều cao năm, sáu trượng, làm lầu ở trên đó; giữa lũy đắp thành, có thành cao mười trượng, tự ở đó, chứa ba trăm vạn hộc lúa.
Anh hùng kí viết: "Các tướng của Toản ai ai cũng làm lầu cao, có đến nghìn cái lầu. Toản làm cửa sắt, trú ở trên lầu, rời xa tả hữu, để vợ lẽ hầu bên trao dẫn văn thư".
Toản nói: "Người xưa nói việc thiên hạ nên vẫy cờ mà yên định, ngày nay xem ra không bằng ta xét việc, không bằng dừng binh đi, chăm làm ruộng cất chứa thóc lúa thôi. Theo binh pháp thì trăm tòa lầu đã không đánh được, nay ta có lầu cao nghìn tầng, ăn hiết thóc lúa ở đây cũng đủ biết hết việc thiên hạ rồi". Muốn dựa vào đấy để làm quân Thiệu mỏi mệt. Thiệu sai tướng đánh chỗ ấy, nhiều năm không thắng được.
Hán Tấn Xuân thu viết: "Viên Thiệu gửi thư cho Toản nói: 'Ta với túc hạ đã có ước thề trước kia, tự mình thề dẹp loạn, thân ái hơn cả Di, Thúc, chức phận rõ như màu xanh màu đỏ, gọi là sức kéo cùng bánh xe, cùng gót chân như Tề, Tấn, nên cởi ấn bỏ dây thao, lấy miền bắc nối vào miền nam, chia sẻ màu mỡ để cùng làm việc, đấy không phải là thể hiện tấm lòng son đỏ của ta chăng? Há để túc hạ vứt nghĩa lớn của kẻ sĩ mà chuốc lấy vết chân của tai vạ? Dừng mà nghĩ lại, đã gây oán dễ, ngầm sai quân mã cướp bóc Dự Châu. Lúc trước nghe nói quân mã ở tại miền nam, tự thân đánh trận, sợ bị tên lạc đâm trúng, đao loạn dọc ngang, đắp thêm cái họa của túc hạ, lại tăng thêm cái lỗi của ta vậy. Cho nên gửit thư tha thiết, mong đã sửa lỗi. Vậy mà túc hạ vẫn tự buông thả, ra oai lừa dối, nói là có thể thu được lưới trời, diệt được bọn anh hùng, do đó khiến cho em họ mất mạng ở chốn can qua. Lời ấy vẫn còn văng vẳng bên tai. Mà túc hạ từng không đánh cái gốc của tai họa, xét lỗi của mình, tạm muốn tỏ cái giận không cùng của mình mà không nghĩ đến cái ranh giới của nghịch thuận, giữ oán mà gây hại cho dân, hại lây đến cả thân ta. Lại ruổi ngựa căng cung đến đánh đất đai của ta, giết hại dân chúng, xương trắng phanh phơi. Ta thật bất đắc dĩ phải dàn trận ở Giới Kiều. Bấy giờ thế quân của túc hạ lẫy lừng, ngựa khỏe hí vang, mà quân ta vừa hợp lại, khí giới không bén, khỏe yếu lẫn lộn, quân ít ý nhiều, may nhờ trời giúp, đánh nhỏ mà thắng lớn, bèn rút chạy lên miền bắc, nhân đó đắp lũy chứa thóc, đấy chẳng phải oai trời giúp đỡ, tỏ rõ đức dày có lễ nghi sao? Chí của túc hạ còn chưa thỏa, lại mưu lập lại chút tro tàn, đem cái sâu hại của mình để đốt cháy quận Bột Hải. Ta lại không được yên, phải sai quân đến sông Long. Đem quân dụ trước, đại quân chưa qua sông mà gan mật túc hạ đã tan rã, không đánh mà thua, quân sĩ rối loạn, tướng sĩ cùng trốn. Đấy lại là việc làm của túc hạ khiến cho ta mắc lỗi vậy. Từ đó về sau, oán ghét thêm sâu, không dừng được mối hận, mới dẫn đến chất thây thành gò, đầu cổ đầy đồng, ta thương xót cho kẻ không có tội, chưa từng không cảm khái rơi nước mắt vậy. Từ khi nhận được thư của túc hạ, ý tứ nhún nhường, có lời sửa lỗi trước lo việc sau này. Ta đã vui vì được kết thân trở lại, vả lại thương cho triệu dân không được yên, hễ thường dẫn quân xuôi phía nam cũng kính theo ý thư.
Một lúc không hay mà văn vũ hịch chưa từng không qua lại. Ta do đó mà đau lòng nhức óc, không được yên thân. Như việc chọn tướng của ba quân, dùng được các tướng, nên ra lệnh lạnh lùng như sương giá, vui vẻ như trời mưa, thì việc tốt xấu được mất có thể yên lòng mà ngồi xem. Vậy mà túc hạ giữ hai ba ý, mưu tính mạnh yếu, gấp gáp thì cúi thân, thong dong thì buông thả, làm thì không có đầu mối, nói không có chứng lí, là kẻ sĩ mà làm như thế sao! Do đó đã giết hại kẻ già yếu, cõi U Châu căm giận, quân sĩ phản loạn mà người thân rời bỏ, lẻ loi không có phe đảng. Lại nữa người Ô Hoàn, người Uế Mạch đều là cùng châu của túc hạ, họ khác tục với ta, đều hăng hái cứng cỏi, tranh làm tiên phong cho ta; lại có người Tiên Ti khắp tây đông, nhấc gót đến nương dựa ta. Đấy chẳng phải đức của ta có thể vẫy gọi họ, là túc hạ đuổi họp đến chỗ ta sao? Nay đang lúc nguy khó, ở chỗ hiểm của can quan, vậy mà trong thì làm trái lời thề đồng minh, ngoài thì làm mất lòng của người Nhung Địch, dấy binh trong châu, muốn làm Bá một vùng, tai họa đã ở trước cửa, cũng chẳng khó sao! Trước lấy quân cứng khỏe của núi tây mà đem đi đánh dẹp, hội quân thừa của Cúc Nghĩa, chỉ là quân sợ đánh mà trốn lệnh mà thôi, cho nên dừng đại quân, chia quân càn quét, quân này là quân đi trước của ta thôi vậy, lại ở Giới Kiều nhổ cờ phá lũy, đấy quân đi trước chống địch thôi vậy. Mới nghe nói túc hạ khắc vàng đeo thao đỏ, tự xưng là nguyên súy, phải càng thêm hăng hái để trả nỗi nhục của Mạnh Minh, (6) cho nên chiến sĩ dẫn lĩnh, nghển cổ mà nhìn cờ tinh, sao lại ẩn hình dấu bóng, lặng yên không động để đợi bị tiêu diệt, cùng nhau tham tiếc? Như có chí muốn bình thiên hạ, lập công ít có trên đời, sai khiến quân sĩ, sửa sắm quân mã,mà không đánh kẻ phản, không thu kẻ phục, uy phong đều vỡ, lấy gì lập công? Nay kinh cũ đã lấy lại, lưới trời vừa vá, kẻ có tội đã chết, kẻ trung liệt coi việc, vùng Hoa Hạ sửa sang, mong ở việc hòa thân, sắp bỏ can quan, thả tán trâu ngựa, vậy mà túc hạ còn giữ một đất cỏn con, giữ cái mái nhà giữa quân, vui lòng để lại tiếng xấu vỡ mục, làm mất cái đức đẹp lâu dài? Hăng hái mà mưu tính như thế không phải là kế hay vậy. Nay cởi bỏ thù hận, sửa lại kết thân. Như lời hèn này, mong trời cao nghe được'. Toản không đáp, lại thêm phòng bị. Bảo Quan Tĩnh nói: 'Ngay nay thiên hạ tranh giành, rõ là không có ai giữ nhau nhiều năm được dưới thành của ta đâu. Viên Bản Sơ muốn như ta sao'!". Năm Kiến An thứ tư, (7) Thiệu đem hết quân vây Toản. Toản sai con xin cứu với giặc núi Hắc Sơn, lại muốn tự đem quân kị xông thẳng ra ngoài, dựa vào núi phía tây nam, thu lấy quân của núi Hắc Sơn, quân cứng khỏe ở Kí Châu, chặn ngang đường sau của Thiệu. Trưởng sử Quan Tĩnh khuyên Toản nói: "Nay tướng sĩ của Tướng quân đã như đất lở vỡ vụn, những kẻ còn chống giữ nhau được, trông lại chỉ thấy người già yêu ở đấy, cũng vì Tướng quân là chủ thôi. Tướng quân giữ vững lâu ngày, Viên Thiệu tất phải tự lui; sau khi tự lui, quân của bốn phương tất thu lại được. Nay nếu Tướng quân bỏ chỗ này mà đi, quân không còn chỗ giữ thì đất Dịch nguy cấp chỉ ngồi đợi nữa mà thôi. Tướng quân làm mất gốc rễ, lẻ loi nơi đồng cỏ, sao thành công được"! Toại bèn thôi không ra.
Anh hùng kí viết: "Quan Tĩnh tự Sĩ Khởi, người quận Thái Nguyên. Vốn là quan lại khắc nghiệt, nịnh nọt mà không có mưu lớn, rất được Toản tin yêu". Quân cứu đến, muốn trong ngoài đánh Thiệu. Sai người gửi thư cho con, hẹn đem quân đến, đốt lửa làm hiệu.
Điển lược viết: "Toản sai Hành nhân là Văn Tắc đem thư đến báo cho con là Độc nói: 'Mưu của họ Viên giống như quỷ thần, trống kèn kêu ở giữa đất thì bắc thang treo lên lầu ta. ngày cùng tháng tận, không được yên ổn. Ngưu nên phá quân Trương Yến trước, sau đó đem quân kị đến nhanh, quân đến phải đốt lửa hiệu lên phía bắc, lúc đó ta từ trong đánh ra. Nếu không, sau khi ta chết, thiên hạ rộng lớn, ngươi muốn tìm đất yên chân, còn có được sao'!". Hiến Đế Xuân thu viết: "Toản nằm mơ thấy thành Kế vỡ, biết tất thua, bèn ngầm sai người gửi thư cho Độc. Quân dò rình của Thiệu lấy được, sai Trần Lâm đổi thư viết: 'Nghe nói thời xưa vào lúc nhà Chu suy, thây phơi máu chảy, cho rằng là không hay, há đúng ngày nay thân ta đang ở buổi ấy sao'!". Lời khác trong đó giống với lời mà Điển lược chép. Quân dò rình của Thiệu lấy được thư ấy, theo như hẹn đốt lửa. Toản cho là quân cứu đến, bèn ra sắp đánh. Thiệu đặt quân phục, đánh phá quân Toản, lại về giữ. Thiệu đào đường hầm, đục phá lầu thành, dần dần vào thành giữa. Anh hùng kí viết: "Viên Thiệu chia bộ tướng đào đất làm đường, đào hang xuyên dưới lầu thành của Toản, Toản dần dần đưa gỗ đến đóng cọc, cắm chân hơn nửa, lại đốt cột mà Toản đóng, lầu liền nghiêng đổ".
Toản tự biết sẽ thua, giết hết vợ con của mình rồi tự sát. Hán Tấn Xuân thu viết: "Quan Tĩnh nói: 'Ta nghe nói quân tử vùi thân vào chỗ nguy, phải cùng gánh nạn, há chỉ sống một mình sao'! Bèn ruổi ngựa xông vào quân Thiệu mà chết. Thiệu đem hết đầu họ đến đất Hứa".
Tiên Vu Phụ đem quân mình vâng mệnh vua. Lấy Phụ làm Kiến trung Tướng quân, trông coi sáu quận của U Châu. Thái Tổ chống nhau với Viên Thiệu ở Quan Độ, Diêm Nhu sai sứ đến chỗ Thái Tổ nhận việc, chuyển làm Hộ Ô Hoàn Hiệu úy. Mà Phụ tự đến chỗ Thái Tổ, bái làm Tá độ liêu Tướng quân, phong Đình Hầu, sai về giữ gìn châu cũ.
Ngụy lược viết: "Phụ theo Thái Tổ đến ở Quan Độ. Viên Thiệu thua chạy, Thái Tổ mừng, ngoảnh bảo Phụ nói: 'Nếu năm trước Bản Sơ đưa đầu Công Tôn Toản đến, ta tự thấy giật mình, mà nay đánh thắng hắn, đấy là ý trời, cũng là sức của hai ba ông'". Thái Tổ phá huyện Nam Bì, Nhu đem bộ khúc cùng ngựa khỏe của người Tiên Ti đến cấp cho quân, theo đi đánh người Ô Hoàn ở ba quận, có công phong làm Quan Nội Hầu.
Ngụy lược viết: "Thái Tổ rất yêu Diêm Nhu, thường bảo Nhu nói: 'Ta xem khanh như con, cũng muốn khanh xem ta như cha vậy'. Nhu do đó tự gửi thân ở các quan tướng, coi như anh em". Phụ cũng đem quân mình đi theo. Văn Đế lên ngôi, bái Phụ làm Hổ nha Tướng quân, Nhu làm Độ liêu Tướng quân, đều tiến phong làm Huyện hầu, (8) chức Đặc tiến. (9)
Chú thích:
(1) Người Tiên Ti: một nhóm người miền bắc Trung Quốc thời xưa.
(2) Người Hồ: tên gọi chung của người di mục thảo nguyên miền bắc Trung Quốc thời xưa.
(3) Người Ô Hoàn: một nhóm người miền bắc Trung Quốc thời xưa.
(4) Giáng, Quán: Giáng là Giáng Hầu Chu Bột, Anh là Quán Anh hai bầy tôi thời Hán diệt họ Lữ đón Đại Vương lên ngôi.
(5) Hoàng Hi: họ Phục Hi thời cổ.
(6) Mạnh Minh: tức Mạnh Minh Thị, tướng của nước Tần thời Xuân thu, nhiều lần thua quân Tấn, rồi quyết chí đánh thắng quân Tấn, rửa nỗi nhục thua trận.
(7) Năm Kiến An thứ tư: tức năm 199 Công nguyên, thời Hán Hiến Đế.
(8) Huyện hầu: tước hầu có thực ấp một huyện.
(9) Đặc tiến: chức quan thời Hán, trao cho người có địa vị đặc biệt tronh các Liệt hầu, chức dưới hàng Tam công.
Post a Comment