Header Ads

Hạ Hầu Đôn Truyện


Hạ Hầu Đôn tự Nguyên Nhượng, người Tiêu huyện nước Bái, là con cháu dòng dõi của Hạ Hầu Anh(1). Năm mười bốn tuổi, theo học thầy, có người làm nhục thầy, Đôn giết kẻ ấy, bởi thế có tiếng là người cứng cỏi. Lúc Thái Tổ mới khởi sự, Đôn thường làm Tỳ tướng, theo đi chinh phạt. Khi Thái Tổ làm Hành Phấn vũ tướng quân, lấy Đôn làm Tư mã, được giữ riêng một cánh quân ở đóng Bạch Mã, sau được thăng làm Chiết xung Hiệu uý, lĩnh chức Thái thú Đông Quận.

Thái Tổ đi đánh Đào Khiêm, lưu Đôn trấn thủ Bộc Dương. Trương Mạc làm phản nghênh đón Lã Bố, gia quyến Thái Tổ ở Quyên Thành, Đôn đem số ít quân vận tư trang nhẹ tới đó, vừa hay gặp Bố, cùng giao chiến. Bố lui về, vào thành Bộc Dương, tập kích quân chở đồ truy trọng của Đôn. Rồi phái tướng đến trá hàng, chung sức bắt giữ Đôn, đòi của cải, trung quân của Đôn kinh hoàng chấn động. Tướng của Đôn là Hàn Hạo lập tức thống suất số binh lính trong doanh trại của Đôn, triệu quan lại cùng chư tướng đến, bắt thuộc hạ đều phải mặc nguyên áo giáp không được kinh động, các doanh trại mới được yên. Sau đó Hạo đến dinh sở của Đôn, thét gọi kẻ bắt con tin ra chất vấn rằng: "Bọn hung nghịch chúng bay, dám bắt giữ bức hiếp Đại tướng quân, có còn muốn sống nữa chăng! Ta vâng mệnh đi đánh dẹp bọn phản tặc, có thể đảm nhiệm công việc của một vị tướng quân, đâu có buông tha cho chúng mày được?" Rồi khóc hỏi Đôn rằng: "Ta nên thực thi quốc pháp thế nào đây?" Xong lập tức triệu binh sĩ tới đánh bọn bắt con tin. Bọn chúng sợ hãi vội vã rập đầu xuống, nói "Tôi chỉ muốn xin lấy ít đồ tư trang rồi bỏ đi thôi!" Hạo trách mắng mấy đứa, đều đem chém cả. Đôn được thoát, Thái tổ nghe chuyện, bảo Hạo rằng: "Khanh làm thế là để khuôn phép cho vạn đời vậy." Rồi xuống lệnh, từ nay về sau kẻ nào bắt giữ con tin, mọi người phải hợp sức mà đánh, không phải hỏi han gì. Bởi thế việc bắt bớ con tin dứt tuyệt hẳn.

Tôn Thịnh nói: Xét Quang Vũ bản kỷ, năm Kiến Vũ thứ chín, bọn cướp bắt mẹ và em của Âm quý nhân, quan lại vì không tiếp cận được bọn cướp bắt con tin, bọn cướp bèn giết con tin. Thế thì cái việc hợp sức đánh bọn cướp, là phép từ xưa vậy. Từ đời Thuận đế, An đế đã bỏ phép ấy, chính giáo trì trệ hủ bại, bọn bắt con tin chẳng kiêng kỵ gì bậc vương công, mà Hữu ti cũng chẳng ai tuân theo phép nước, Hạo mới khôi phục lại việc chém bọn ấy, cho nên Nguỵ Vũ mới khen ngợi.

Thái tổ từ Từ Châu về, Đôn đi theo đánh Lã Bố, bị lạc tên bắn trúng, bị thương ở mắt trái.

Nguỵ lược chép: Bấy giờ Hạ Hầu Uyên và Uyên và Đôn đều làm tướng quân, trong quân gọi Đôn là manh Hạ Hầu(2). Đôn ghét bọn ấy, cứ soi gương là tức giận, lập tức đập gương xuống đất.

Đôn được lĩnh chức Thái thú Trần Lưu, Tế Âm, gia thêm chức Kiến vũ tướng quân, phong tước Cao An hương hầu. Bấy giờ trời đại hạn, nạn hoàng trùng(3) nổi lên, Đôn liền cho chặn sông Thái Thọ làm thành hồ chứa, tự thân đi vác đất, làm gương cho tướng sĩ, khuyến khích trồng lúa, dân được nhờ cái lợi ấy. Sau Đôn được chuyển sang giữ chức Hà  Nam  doãn. Thái tổ bình Hà Bắc, Đôn làm Đại tướng quân(4) dàn quân ở phía sau. Phá xong huyện Nghiệp, Đôn được thăng làm Phục Ba tướng quân, cai quản Hà Nam như trước, cho được tuỳ cơ ứng biến xử lý công việc, không phải câu nệ khuôn phép.

Năm Kiến An thứ mười hai, Thái tổ xem xét công lao trước sau của Đôn, tăng thêm thực ấp cho Đôn một ngàn tám trăm hộ, cộng cả trước đấy là hai nghìn năm trăm hộ. Năm thứ hai mươi mốt, lúc theo đi đánh Tôn Quyền ở Hợp Phì, Thái tổ sai Đôn đốc xuất hai mươi sáu đội quân, đóng ở Cư Sào. Đôn được Thái tổ tặng cho một đội kỹ nhạc ca xướng, có lệnh rằng: "Nguỵ Giáng vì cái công hoà với rợ Nhung, mà còn được nhận một đội nhạc Kim Thạch(5), huống chi là là tướng quân của ta!". Năm thứ hai mươi bốn, Thái tổ đóng quân ở Ma Pha(6), triệu Đôn đến cho ngồi cùng xe, tỏ ra đặc biệt coi trọng, được ra vào tận chỗ Thái tổ nằm, chư tướng chẳng có ai sánh được. Đôn được bái làm Tiền tướng quân, đốc trách chư quân từ Thọ Xuân trở về, cho dời đến đóng binh ở Triệu Lăng.

Nguỵ thư chép: Bấy giờ chư tướng đều nhận chức quan của Nguỵ, riêng mình Đôn là quan của nhà Hán, Đôn bèn dâng sớ trần tình rằng mình chẳng thích hợp với cái lễ của kẻ không phải là thần tử nhà Nguỵ. Thái tổ nói: "Ta nghe nói Thái thượng là tấm gương của kẻ bầy tôi, chúng ta đều giữ chức phận thần tử. Làm thần tử của chúa thượng, là bậc cao quý, chức quan mỏn mọn của nhà Nguỵ, sao đủ để ngươi phải khuất thân nhỉ?" Đôn cố xin, Thái tổ bèn bái Đôn làm Tiền tướng quân(7).

Đôn tuy ở trong quân lữ, vẫn đi đón thầy về dạy dỗ. Bản tính Đôn thanh bạch cần kiệm, những của cải dư thừa thường đem chia cho mọi người, không đủ thì lấy ở cửa quan, chẳng vun vén sản nghiệp riêng. Khi chết được ban thuỵ là Trung hầu. Con của Đôn là Sung nối tự, lúc Đế đoái nghĩ đến công lao của Đôn, muốn cho tất cả con cháu của Đôn nhận tước hầu, chia cho Đôn thực ấp một ngàn hộ, ban cho bảy con và hai cháu của Đôn đều được làm Quan nội hầu. Em của Đôn là Liêm cùng với một người con của Đôn là Mậu lúc trước đã được phong là Liệt hầu. Khi trước, Thái tổ đem con gái mình gả cho Mậu, tức là Thanh Hà công chúa vậy. Mậu trải các chức vụ Thị trung thượng thư, An Đông Trấn Tây tướng quân, được ban Giả tiết.

Nguỵ lược chép: Mậu tự Tử Lâm, là con thứ của Đôn. Văn Đế lúc còn nhỏ chơi thân với Mậu, khi tức vị, cho Mậu làm An Tây tướng quân, được cầm cờ tiết, nối chức Hạ Hầu Uyên làm Đô đốc Quan Trung. Mậu vốn không có vũ lược, nhưng khéo chơi bời. Đến năm Thái Hoà thứ hai, Minh đế Tây chinh, có người bẩm bạch chuyện về Mậu, Đế triệu gọi Mậu về triều làm Thượng thư. Thời Mậu ở Quan Trung, có nuôi rất nhiều ca kỹ nàng hầu, công chúa bởi thế bất hoà với Mậu. Sau này các em của Mậu không lễ phép, Mậu mấy lần quở trách nghiêm ngặt, mấy người em sợ bị trừng trị, bèn cùng vu hãm Mậu tội phỉ báng, khiến công chúa phải tấu lên, lập tức có chiếu bắt Mậu. Đế có ý muốn giết đi, đem ra hỏi quan Trường Thuỷ Hiệu uý quận Kinh Triệu là Đoạn Mặc, Mặc cho rằng "đấy hẳn là công chúa Thanh Hà và Mậu bất hoà, nên mới nảy ra lời gièm pha vu vạ, hy vọng là Bệ hạ chẳng nên tìm thêm sự thật nữa. Vả lại Phục Ba(8) có công cùng với tiên đế yên định thiên hạ, việc này nên nghĩ đi nghĩ lại cho kỹ." Đế hiểu ra, nói: "Ta cũng cho là thế." Rồi phát chiếu tra hỏi kẻ làm tờ biểu cho công chúa, quả nhiên là do các em của Mậu là Tử Tang và Tử Giang vu vạ.

Sung chết, con Sung là Dị nối tự, Dị chết, con là Thiệu nối tự.

Tấn Dương thu chép: Năm Thái Thuỷ nhị niên, Cao An hương hầu là Hạ Hầu Tá chết, Tá là cháu của Đôn vậy, tuyệt tự. Chiếu viết: "Đôn, là nguyên công của nhà Nguỵ(9), công lao được ghi vào tre lụa. Xưa kia Đình Kiên(10) không có người tế tự, còn có người thương cảm ông ấy, huống chi trẫm vâng mệnh trời lên ngôi ở nước Nguỵ, mà có thể quên được công thần của mình ru? Nên chọn người họ hàng của Thiệu gần gũi với Đôn mà phong tước cho họ.

Hàn Hạo, là người quận Hà Nội. Người ở nước Bái là Sử Hoán cùng với Hạo đều hiển danh là trung dũng. Hạo làm đến chức Trung hộ quân, Hoán làm đến chức Trung lĩnh quân, đều được cai quản quân cấm binh, phong làm Liệt hầu.

Nguỵ thư chép: Hàn Hạo tự Nguyên Tự. Thời Hán mạt binh lính nổi dậy, các huyện ở gần rừng núi, có nhiều giặc cướp, Hạo tụ tập quân lính phòng giữ trong huyện. Thái thú Vương Khuông cho Hạo làm Tòng sự, đem binh đi cự Đổng Trác ở Minh Tân. Thời ấy cậu của Hạo là Đỗ Dương làm Hà Âm lệnh, bị Trác bắt giữ, sai đi chiêu dụ Hạo, Hạo không theo. Viên Thuật nghe chuyện ấy, khen Hạo, cho làm Kỵ Đô uý. Hạ Hầu Đôn nghe tiếng Hạo, xin được cùng tương kiến, rất lấy làm lạ, cho lĩnh binh theo đi chinh phạt. Bấy giờ có cuộc họp lớn nghị bàn chuyện hơn thiệt, Hạo cho rằng phải gấp rút làm đồn điền. Thái tổ khen ngợi, thăng Hạo lên làm Hộ quân. Thái tổ muốn đi đánh Liễu Thành, Lĩnh quân Sử Hoán cho rằng thâm nhập vào nơi xa xôi, không phải là kế vẹn toàn, muốn cùng với Hạo cùng đưa lời can. Hạo nói: "Nay ta binh thế cường thịnh, uy danh vang động bốn bể, giao chiến là thắng, đánh là lấy được, chẳng đâu là không đến được, không làm như thế thì việc trừ tai hoạ trong thiên hạ, sẽ là mối lo sau này. Vả lại Công là bậc thần vũ, khi hành động kế sách không hề sai sót, ta với ông là trung quân của chúa, không nên ngăn trở mọi người." Rồi theo đi phá Liễu Thành, được đổi chức quan là Trung hộ quân, đặt ra chức Trưởng sử, Tư Mã. Lại theo đi đánh Trương Lỗ, Lỗ ra hàng. Kẻ bàn luận thấy Hạo trí dũng mưu lược đủ để phủ dụ người ở biên ải, muốn lưu lại làm Đô đốc chư quân, trấn thủ Hán Trung. Thái tổ nói: "Ta sao có thể không có Hộ quân được?" Rồi cho cùng theo về. Hạo thân gần và được tin tưởng như thế. Lúc Hạo chết, Thái tổ rất thương xót. Hạo không có con nối, Thái tổ cho con nuôi của Hạo là Vinh được nối tự.

Sử Hoán tự Công Hưu, lúc trẻ tự mình làm việc nghĩa hiệp, rất có hùng khí. Lúc Thái tổ mới nổi dậy, cho làm tân khách đi theo, rồi làm Trung quân Hiệu uý, theo đi chinh phạt, thường giám sát chư tướng, rất thân tín, sau chuyển sang làm Trung lĩnh quân. Năm Kiến An thứ mười bốn chết. Con Hoán là Tĩnh nối tự.

Ghi chú:
(1) Là võ tướng, công thần của Hán Cao Tổ.
(2) Hạ Hầu mù.
(3) Châu chấu phá hại mùa màng.
(4) Đây không phải là hàm Đại tướng quân của triều đình, chỉ là Đại tướng cầm một cánh quân do Tào Tháo phong cho.
(5) Rợ Nhung quấy rối biên ải nước Tấn, Nguỵ Giáng làm tướng, ký hoà ước với rợ Nhung, hai bên không xâm phạm bờ cõi của nhau, vua Tấn thưởng cho Nguỵ Giáng một đội quân nhạc.
(6) Trong nguyên tác chữ Hán, chỗ này, sau chữ 'Thái tổ đóng quân', Trần Thọ có thêm mấy chữ 'kích phá Lã Bố quân', để trong dấu ngoặc tròn, chẳng hiểu hàm ý ra sao, có phải chăng là những quân sĩ này là đám quân sĩ tham gia khi đánh Lã Bố ngày trước? Xin không dịch vì thấy chẳng có nghĩa gì.
(7) Chỗ này, thực ý của Đôn là muốn làm quan nhà Nguỵ để bày tỏ lòng trung với Tào Tháo mà thôi, xem ra Đôn thật sự là kẻ tầm thường.
(8) Đôn từng giữ chức Phục Ba tướng quân.
(9) Nguyên công tức là công thần đời đầu tiên, khai quốc công thần.
(10) Không biết tích này là thế nào?

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.