Header Ads

Lưu Biểu Truyện


Lưu Biểu tự Cảnh Thăng, người huyện Cao Bình quận Sơn Dương. Thủa trẻ nổi danh, gọi là 'bát tuấn'.

Hán kỉ của Trương Phan chép: Biểu với người cùng quận là bọn Trương Ẩn, Tiết Úc, Vương Phỏng, Tuyên Tĩnh, Công Tự Cung, Điền Lâm gọi là 'bát giao', hoặc gọi là 'bát cố'. Hán mạt danh sĩ lục chép: Biểu với người quận Nhữ Nam là Trần Tường tự Trọng Lân, Phạm Bàng tự Mạnh Bác, người nước Lỗ là Khổng Dục tự Thế Nguyên, người quận Bột Hải là Phạm Khang tự Trọng Chân, người quận Sơn Dương là Đàn Phu tự Văn Hữu, Trương Kiệm tự Nguyên Tiết, người quận Nam Dương là Sầm Chí tự Công Hiếu gọi là 'bát hữu'. Hậu Hán thư của Tạ Thừa chép: Biểu theo học người cùng quận là Vương Sướng. Sướng làm Nam Dương Thái thú, có đức tiết kiệm. Bấy giờ Biểu mười bảy tuổi, can gián rằng: "Xa xỉ không lấn người trên, tiết kiệm không ép kẻ dưới, đấy là đạo trung dung, cho nên Cừ Bá Ngọc thẹn vì riêng mình được khen là bậc quân tử. Nếu phủ quân không ngoảnh xem lời dạy sáng suốt của Khổng Tử mà lại ngưỡng mộ tiết tháo thấp kém của Di-Tề thì không lấy gì rạng rỡ với đời được"! Sướng đáp rằng: "Ít có người bỏ tiết kiệm vậy; vả lại để nắn sửa phong tục".


Biểu thân cao hơn tám thước, dáng vẻ hùng vĩ. Từ chức Đại tướng quân duyện làm Bắc quân trung hầu. Linh Đế băng, thay Vương Duệ làm Kinh châu Thứ sử. Bấy giờ quân miền Sơn Đông nổi dậy, Biểu cũng hợp quân binh ở Tương Dương.

Chiến lược của Tư Mã Bưu chép: Vào buổi Lưu Biểu vừa làm Kinh châu mục, hào tộc ở miền Giang Nam lớn mạnh, Viên Thuật đóng đồn ở Lỗ Dương, chiếm hết quân của quận Nam Dương. Người quận Ngô là Tô Đại làm Trường Sa Thái thú, Bối Vũ làm Hoa Dung Trưởng, đều phát quân làm loạn. Biểu vừa đến, một ngựa vào Nghi Thành, lại mưu tính với người huyện Trung Lô là Khoái Lương-Khoái Việt, người quận Tương Dương là Sái Mạo. Biểu nói: "Hào tộc rất mạnh, mà dân lại không theo, Viên Thuật nhân đó mà đánh, nay họa sắp đến rồi! Ta muốn hịch gọi quân nhưng sợ không tụ, phải làm thế nào"? Lương nói: "Dân không theo là vì chưa đủ lòng nhân vậy. Theo mà không trị được là vì tín nghĩa không đủ vậy. Nếu có lập đạo nhân nghĩa thì trăm họ đi theo như nước chảy xuống chỗ thấp, lúc ấy còn lo chi trăm họ không theo mà phải hỏi kế sách phát binh đây"? Biểu ngoảnh hỏi Việt, Việt nói: "Trị bình phải làm việc nhân nghĩa trước, trị loạn phải tỏ rõ quyền mưu trước. Quân không cốt nhiều, cốt ở lòng người vậy. Viên Thuật dũng cảm mà không quyết đoán, Tô Đại-Bối Vũ đều là kẻ võ dũng, không đáng lo. Bọn hào tộc phần nhiều tham bạo, bị kẻ dưới căm ghét. Có kẻ mà Việt vốn nuôi dưỡng, sai đem lợi để dụ, tất đem dân đến; lúc ấy ngài chỉ giết kẻ vô đạo, vỗ về mà dùng họ thì người cả châu sẽ có ý yên lòng. Lại nghe nói ngài có đức lớn thì sẽ dắt cõng mà đến vậy. Quân hội dân tụ, rồi xuống miền nam lấy thành Giang Lăng, lên phía bắc giữ thành Tương Dương, vậy thì truyền hịch mà vỗ yên tám quận Kinh châu. (1) Bọn Thuật dẫu đến cũng không làm chi được vậy". Biểu nói: "Lời của Tư Như như lời bàn của Ung Quý. Kế của Dị Độ như mưu của Cữu Phạm vậy". Rồi cho Việt sai người dụ bọn hào tộc, có năm mươi lăm người đến, đều chém chúng. Đánh úp bắt lấy quân của chúng, có kẻ liền nhận làm bộ khúc. Riêng hào tộc ở quận Giang Hạ là bọn Trương Hổ-Trần Sinh đem quân giữ quận Tương Dương; Biểu lại sai Việt cùng Bàng Quý đi một ngựa đến dụ hàng chúng, rút cuộc miền Giang Nam đều bình.

Vào lúc Viên Thuật ở tại Nam Dương, liên hợp với Tôn Kiên muốn đánh lấy châu của Biểu, sai Kiên đánh Biểu. Kiêm bị trúng tên lạc mà chết, quân thua, rút cuộc Thuật không thắng được Biểu. Lí Thôi-Quách Dĩ vào Tràng An, muốn kết Biểu làm ngoại viện, bèn lấy Biểu làm Trấn nam tướng quân, Kinh châu mục, phong tước Thành Vũ Hầu, Giả tiết. Thiên tử đóng đô ở đất Hứa; Biểu dẫu sai sứ giả cống nạp nhưng liên kết với Viên Thiệu ở miền bắc. Trị trung Đặng Hi can ngăn Biểu, Biểu không nghe,

Hán Tấn xuân thu chép: Biểu đáp Hi rằng: "Trong không bỏ cống nạp, ngoài không phản minh chủ, đấy là đạt nghĩa với thiên hạ vậy. Sao quan Trị trung lại cho là lạ"?

Hi bèn lấy cớ bệnh mà lui về, không làm quan thời Biểu. Trương Tế dẫn quân vào cõi Kinh châu, đánh thành Nhưỡng, bị trúng tên lạc mà chết, quan thuộc ở Kinh châu đều chúc mừng, Biểu nói: "Tế vì khốn cùng mà đến đây, tướng giữ thành vô lễ mới dẫn đến giao tranh, đấy không phải là ý ta. Nay ta chỉ nhận lời thương tiếc chứ không nhận lời chúc mừng". Liền sai người thu nạp quân của Tế, mọi người nghe tin đều mừng, bèn theo phục. Trường Sa Thái thú Trương Tiện phản Biểu,

Anh hùng kí chép: Trương Tiện là người quận Nam Dương. Lúc đầu làm quan Trưởng ở các quận Linh Lăng-Quế Dương Trưởng, rất được lòng người miền Giang-Tương, nhưng tính cứng cỏi không hòa thuận. Biểu đối đãi người này bạc bẽo, rất không giữ lễ. Do đó Tiện mang lòng oán, bèn phản lại Biểu.

Biểu vây hắn nhiều năm không thắng. Kịp lúc Tiện chết, người quận Trường Sa lại lập con của hắn là Dịch; Biểu lại đánh bắt Dịch, xuống phía nam thu miền Linh-Quế, (2) lên miền bắc chiếm miền sông Hán, có đất vuông mấy nghìn dặm, hơn mười vạn quân mặc giáp.

Anh hùng kí chép: Bọn giặc trong châu đã hết, Biểu bèn mở lập quan lại dạy học, cầu tìm nhà Nho, sai bọn Kì Vô Khai-Tống Trung soạn sách Ngũ kinh chương cú, còn gọi là sách Hậu định.

Thái Tổ đang chống nhau với Viên Thiệu ở Quan Độ; Thiệu sai người xin giúp, Biểu hứa theo mà không đến, cũng không giúp Thái Tổ, muốn giữ miền Giang-Hán để xem sự biến của thiên hạ. Tòng sự trung lang Hàn Tung, Biệt giá Lưu Tiên khuyên Biểu rằng: "Nay hào kiệt tranh giành, hai kẻ mạnh chống nhau, kẻ mạnh trong thiên hạ cũng có tướng quân. Nếu tướng quân muốn muốn tranh thắng thì nên thừa lúc bọn họ mệt mỏi mà đánh cũng được vậy; nếu không tranh thì chọn lựa quân bản bộ, lúc ấy tướng quân nắm mười vạn quân, ngồi yên mà đứng xem cũng được. Nếu trông người hiền mà không giúp được, xin hòa mà cũng không xong, hai kẻ kia tất đều oán tướng quân, tướng quân chẳng còn đứng giữa được nữa. Tào Công là người sáng suốt, người hiền tài trong thiên hạ đều theo về, thế chắc thắng được Viên Thiệu, sau đó dẫn quân hướng đến miền Giang-Hán, sợ rằng tướng quân không chống được vậy. Cho nên bày kế giúp tướng quân, không bằng đem cả châu theo phục Tào Công, Tào Công tất trọng đức của tướng quân; sẽ hưởng phúc lộc lâu dài, truyền cho dòng dõi; đấy là kế vạn toàn vậy". Viên đại tướng của Biểu là Khoái Việt cũng khuyên Biểu, Biểu do dự, bèn sai Tung đến chỗ Thái Tổ để xem thật giả. Tung về, kể rõ oai đức của Thái Tổ, khuyên Biểu sai con vào làm tin. Biểu ngờ Tung phản nói giúp Thái Tổ, cả giận, muốn giết Tung, xét hỏi người đi theo Tung, biết Tung không có ý khác mới tha.

Phó Tử chép: Lúc trước Biểu bảo Tung rằng: "Nay thiên hạ đại loạn, chưa biết lúc nào yên. Tào Công giữ thiên tử đóng đô ở đất Hứa, ông hãy giúp ta đi xem xét". Tung đáp nói: "Thánh nhân hiểu tiết, thứ đó là giữ tiết. Tung chỉ biết giữ tiết vậy. Đã thờ chủ là giúp chủ, tôi chủ đã định danh thì giữ danh đến chết; nay trao mệnh làm tin, vâng lệnh của ngài, dẫu nhảy vào lửa bỏng thì chết cũng không từ. Tung xem thấy Tào Công là người rất sáng suốt, tất giúp được thiên hạ. Tướng quân nên trên thuận thiên tử, dưới nên phục Tào Công, tất được hưởng lợi đến trăm đời, đất Sở thực là cũng được nhờ; sai Tung đi cũng đáng. Nay chưa bày sẵn kế, Tung đi sứ đến kinh sư, nếu thiên tử trao một chức quan cho Tung thì Tung là tôi thần của thiên tử và chỉ là quan thuộc cũ của tướng quân mà thôi. Ở cạnh vua thì giúp vua, vậy thì Tung vâng lệnh của thiên tử; về nghĩa không được chết vì tướng quân vậy. Mong tướng quân nghĩ kĩ, chớ phụ Tung". Biểu bèn sai đi, đúng như Tung nói, thiên tử bái Tung làm Thị trung, chuyển làm Linh Lăng Thái thú, khi trở về khen đức của triều đình và Tào Công. Biểu cho là Tung mang lòng khác, hội gặp mấy trăm quan thuộc, bày quân gặp Tung, nổi giận, cầm cờ tiết muốn chém Tung, mắng rằng: "Hàn Tung dám mang lòng khác chăng"! Mọi người đều sợ, muốn sai Tung tạ lỗi. Tung không tạ, bảo Biểu rằng: "Tướng quân phụ Tung chứ Tung không phụ tướng quân"! Nói rõ lời trước. Biểu giận không thôi. Vợ Biểu là Sái thị can ngăn nói: "Hàn Tung là người trọng vọng của đất Sở; vả lại hắn nói lời thẳng thắn, nếu giết hắn thì không biết nói lẽ ra sao". Biểu bèn không giết mà chỉ bắt giam.

Biểu dẫu vẻ ngoài nho nhã nhưng long nhiều nghi kị, đều đại loại như thế.

Lưu Bị đến chỗ Biểu, Biểu hậu đãi hắn nhưng không dùng được.

Hán Tấn xuân thu chép: Vào lúc Thái Tổ mới đánh Liễu Thành; Lưu Bị khuyên Biểu đánh úp đất Hứa nhưng Biểu không theo. Kịp lúc Thái Tổ về, Biểu bảo Bị rằng: "Ta không nghe lời ông cho nên làm mất cơ hội lớn này". Bị nói: "Nay thiên hạ chia cắt, can qua nhiều ngày, cơ hội xảy đến, há có cuối cùng sao? Nếu trao cho dòng dõi được thì việc ấy cũng không đáng tiếc".

Năm Kiến An thứ mười ba, (năm 208 Công nguyên) Thái Tổ đánh Biểu, chưa đến nơi thì Biểu bệnh chết.

Trước đây, Biểu và vợ sủng ái con út là Tông, muốn cho nối tự, Tông lại có Sái Mạo-Trương Doãn giúp làm phe đảng, Biểu cho con cả là Kì ra làm Giang Hạ Thái thú, mọi người bèn cử Tông làm người nối tự. Kì và Tông bèn gây hiềm khích.

Điển lược chép: Biểu bệnh tật, Kì về thăm bệnh. Kì tính hiếu đễ, Mạo-Doãn sợ Kì gặp Biểu thì cha con thương nhau sẽ có lời trao gửi, bảo Kì rằng: "Tướng quân sai ngài đến vỗ về quận Giang Hạ, làm phên dậu phía đông, gánh việc rất nặng; nay bỏ quân mà đến tất bị trách giận; tấm lòng thương cha sẽ làm cho cha thêm bệnh, đấy không phải là hiếu kính vậy". Bèn ngăn ở cửa nhà, không vào gặp được; Kì rơi lệ mà đi ra.

Việt-Tung và Đông tào duyện Phó Tốn khuyên Tông theo Thái Tổ; Tông nói: "Nay ta cùng các ông giữ cả đất Sở, giữ nghiệp của tiên công để xem thiên hạ, sao lại không được thế"? Tốn đáp nói: "Thuận nghịch có thế lớn, mạnh yếu có thế sẵn; là bầy tôi mà chống nhà vua là nghịch vậy. Lấy đất Sở mới lập mà chống nhà nước, thế này chẳng đáng vậy; giúp Lưu Bị mà địch Tào Công lại chẳng đáng; ba điều ấy đều kém. Nếu muốn chống mũi nhọn của quân nhà vua, đấy là thế tất vong. Tướng quân tự nghĩ so với Lưu Bị thế nào"? Tông nói: "Ta không bằng hắn". Tốn nói: "Nếu giúp Lưu Bị cũng không ngăn được Tào Công thì dẫu giữ đất Sở cũng không đủ để tự yên vậy; nếu giúp Lưu Bị đủ để ngăn Tào Công thì Bị cũng không chịu đứng dưới tướng quân vậy. Mong tướng quân chớ nghi. Thái Tổ đem quân đến Tương Dương, Tông đem châu hàng, Bị chạy đến Hạ Khẩu.

Phó Tử chép: Tốn tự Công Đễ, học nhiều hiểu rộng, có tài nhìn người. Phủ Tam công gọi, bái làm Thượng thư lang, sau đó làm khách ở Kinh châu, có công khuyên dụ Lưu Tông, ban tước Quan nội hầu. Vào thời Văn Đế, bái làm Thị trung, giữa năm Thái Hòa thì chết. Tốn ở tại Kinh châu, xem rằng Bàng Thống là anh hùng một nửa, bàn là Bùi Tiềm sẽ nêu rõ đức lành; rút cuộc Thống theo Lưu Bị, được sủng đãi sau Gia Cát Lượng; Tiềm làm đến Thượng thư lệnh, đều có tiếng tăm. Đến thời nhà Ngụy, có Ngụy Phúng nổi tiếng tài trí, Tốn bảo là hắn tất phản, rút cuộc như lời Tốn. Con em của Tốn là Hỗ, có truyện chép riêng. Hán Tấn xuân thu chép: Vương Uy khuyên Lưu Tông rằng: "Tào Tháo có tướng quân đã hàng, Lưu Bị đã chạy, tất trễ nải không phòng bị, khinh thường mà tiến lên; nếu cấp mấy nghìn quân khỏe cho Uy, chặn đánh ở chỗ hiểm thì bắt được Tháo vậy. Bắt được Tháo thì oai lừng thiên hạ, ngồi mà vồ chộp. Trung Nguyên dẫu rộng nhưng lướt dài mà định, không chỉ lập được một công thắng trận và giữ gìn được hôm nay mà thôi. Đây là cơ hội khó gặp, không nên để lỡ". Tông không nghe. Sưu thần kí chép: Đầu năm Kiến An, trẻ con ở Kinh châu hát rằng: "Trong năm thứ tám-thứ chín thì bắt đầu suy, đến năm thứ mười ba thì chẳng còn chi"!. Ý nói là từ năm Trung Bình về sau thì riêng Kinh châu được trọn vẹn, đến thời Lưu Biểu làm châu mục, dân được yên vui, đến năm Kiến An thứ tám-thứ chín thì bắt đầu suy. Bắt đầu suy là chỉ buổi vợ của Lưu Biểu chết, các tướng đều loạn vỡ vậy. Năm thứ mười ba thì chẳng còn chi là nói Biểu chết, nhân đó thua vỡ vậy. Bấy giờ ở huyện Hoa Dung có một người con gái chợt kêu gào nói: "Kinh châu sắp có tang lớn". Lời nói mê lầm, quan huyện cho là nói bậy, bắt vào ngục hơn một tháng, ở trong ngục lại chợt khóc nói: "Hôm nay Lưu châu mục chết". Huyện Hoa Dung cách sở châu mấy trăm dặm, liền sai người ngựa đi xem sao, thì đúng Biểu chết, quan huyện bèn thả ra. Rồi lại hát ngâm rằng: "Không ngờ Lí Lập là người tôn quý". Sau đó không lâu, Thái Tổ bình Kinh châu, lấy người quận Trác là Lí Lập, tự Kiến Hiền làm Kinh châu Thứ sử.

Thái Tổ lấy Tông làm Thanh châu Thứ sử, phong tước Liệt hầu.

Vũ Đế cố sự chép lệnh rằng: "Đất Sở có cái hiểm của sông núi miền Giang-Hán, ngang bằng với đất Tần, mà Kinh châu là đất cũ. Lưu Trấn nam dùng dân ở đất ấy lâu rồi. Sau khi thân mất, các con lại tranh giành, dẫu khó giữ trọn nhưng vẫn kéo dài. Thanh châu Thứ sử là Tông ý chí cao khiết, trí tuệ sâu rộng, khinh vinh trọng nghĩa, lợi mỏng đức dày, coi thường cơ nghiệp vạn dặm, lơ là binh sĩ ba quân, dốc tấm thân trung chính, giữ danh dự tiếng tốt, trên nêu rõ tiếng cao của tiên công, dưới nắm chặt lộc lớn không mục; dẫu Bào Vĩnh bỏ Tinh châu, Đậu Dung rời năm quận cũng chưa đáng để sánh vậy. Dẫu phong tước Liệt hầu ở một châu cũng tiếc vinh sủng ấy chưa xứng cho người này; mà lại gửi sớ xin về châu cũ. Chức quan Giám dẫu quý nhưng bổng lộc chưa nhiều. Nay nghe theo lời xin, bái Tông làm Gián nghị đại phu, Tham đồng quân sự".

Phong tước Hầu cho mười lăm người bọn Khoái Việt. Việt làm Quang lộc huân;

Phó Tử chép: Việt là dòng dõi của Khoái Thông vậy. Mưu sâu trí đầy, kiệt hiệt có oai hùng. Đại tướng quân Hà Tiến nghe danh mà gọi làm Đông tào duyện. Việt khuyên Tiến giết bọn hoạn quan, Tiến do dự không quyết. Việt biết Tiến tất thua, xin ra làm Nhữ Dương Lệnh, giúp Lưu Biểu đánh dẹp trong châu, Biểu được lớn mạnh. Hạ chiếu bái làm Chương Lăng Thái thú, phong tước Phàn đình hầu. Kinh châu bình, Thái Tổ gửi thư cho Tuân Úc rằng: "Không mừng có Kinh châu, chỉ mừng có Khoái Dị Độ thôi". Năm Kiến An thứ mười chín thì chết. Sắp chết, gửi thư cho Thái Tổ, trao gửi người nhà. Thái Tổ báo thư rằng: "Chết mà lại sống, sống mà chẳng thẹn. Ta ít cử ai, chỉ làm nhiều thôi. Hồn mà có linh, cũng sẽ nghe lời này của ta".

Tung làm Đại hồng lư;

Tiên hiền hành trạng chép: Tung tự Đức Cao, người huyện Nghĩa Dương. Thủa trẻ ham học, nghèo mà chẳng đổi tiết. Biết đời sắp loạn, không vâng lệnh của Tam công, cùng mấy người bạn cùng quận ẩn cư ở trong núi phía tây huyện Lịch. Kịp lúc giặc Khăn vàng nổi lên, Tung tránh nạn đến miền nam, Lưu Biểu cho làm Biệt giá, chuyển làm Tòng sự trung lang. Biểu ra ngoài thành cúng tế trời đất, Tung can ngăn mà không nghe, bèn có ý làm trái. Đi sứ đến đất Hứa, việc chép tại lời chú ở trước. Vào lúc Kinh châu bình, Tung bệnh tật, đến tại sở quan nhận ấn thao Đại hồng lư.

Hi làm Thị trung; Hi là người quận Chương Lăng. 

Tiên làm Thượng thư lệnh; những người còn lại đều làm đến quan to.

Linh Lăng tiên hiền truyện chép: Tiên tự Thủy Tông, học rộng nhớ lâu, ưa học đạo Hoàng Lão, thuộc làu sách vở của nhà Hán. Làm Biệt giá của Lưu Biểu, đem thư đến đất Hứa, gặp Thái Tổ. Bấy giờ tân khách đều hội, Thái Tổ hỏi Tiên rằng: "Lưu châu mục sao lại cúng tế lở ngoài thành"? Tiên đáp nói: "Lưu châu mục lấy tiếng là bụng ngực của nhà Hán, nắm vị mục bá mà gặp buổi phép vua chưa yên, bọn xấu chặn đường, muốn chầu dâng lụa ngọc mà không đến được, gửi biểu sớ mà chẳng tới được nhà vua, cho nên cúng tế trời đất, nêu rõ lòng thành". Thái Tổ nói: "Bọn xấu là ai"? Tiên nói: "Dõi mắt đều thấy". Thái Tổ nói: "Nay ta có kẻ sĩ hùm gấu, mười vạn bộ kị, vâng lệnh đánh dẹp, ai dám không phục"? Tiên nói: "Nhà Hán suy kém, dân chúng tiều tụy, đã không có kẻ sĩ trung nghĩa giúp đỡ thiên tử vỗ yên bốn cõi khiến cho vạn nước phục đức mà lại đem quân giết chóc, nói là chẳng ai bằng mình, đấy chỉ là bọn Xi Vưu-Trí Bá xuất hiện ngày nay vậy". Thái Tổ im ỉm, bái Tiên làm Vũ Lăng Thái thú. Vào lúc Kinh châu bình, Tiên mới vào làm Thượng thư của nhà Hán, sau lại làm Thượng thư lệnh của nước Ngụy. Con rể người cùng quận của Tiên là Chu Bất Nghi, tự Nguyên Trực, người huyện Linh Lăng. Tiên hiền truyện chép: Thủa bé Bất Nghi có tài lạ, thông minh nhanh nhẹn, Thái Tổ muốn gả con gái cho, Bất Nghi không dám nhận. Thái Tổ sủng ái con là Thương Thư, sớm có tài trí, bảo là sánh được với Bất Nghi. Kịp lúc Thương Thư chết, ý Thái Tổ kị Bất Nghi, muốn giết đi. Văn Đế can ngăn cho là không nên. Thái Tổ nói: "Người này không phải là người mà mi ngăn chặn được". Bèn sai thích khách đi giết. Văn chương chí của Chí Ngu chép: Bất Nghi chết vào lúc mười bảy tuổi, soạn bốn bài văn luận. Thế ngữ chép: Sau khi Biểu chết hơn tám mươi năm, đến giữa năm Thái Khang thời nhà Tấn, người ta đào mộ của Biểu, thấy hình người Biểu và vợ như lúc sống, mùi trà lan mấy dặm.

Bình rằng: Đổng Trác lang sói tàn ác, bạo ngược bất nhân, từ khi có sách chép đến nay gần như chưa có ai như thế.

Anh hùng kí chép: Ngày xưa có người lớn xuất hiện ở huyện Lâm Thao thì đúc người đồng; Trác sinh ở huyện Lâm Thao thì người đồng vỡ; (3) đời có Trác thì xảy ra đại loạn, sau đại loạn thì Trác thân diệt, nguyên nhân như thế đó.

Viên Thuật xa xỉ phóng túng, không đáng vinh hiển mà tự nắm lấy.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Kiệt-Trụ vô đạo, Tần-Mãng (4) bạo ngược, đều trải qua nhiêu năm rồi việc ác mới rõ ràng. Đổng Trác tự nắm quyền bính, làm việc hỏng tổn, kể bằng ngày tháng, chưa đến ba năm mà họa chất cao như núi, độc tuôn bốn cõi. Cái tính tàn ngược của hắn đến sói lang cũng không bằng. Chép rằng: "Từ khi có sách chép đến nay gần như chưa có ai như thế", lời này là đúng. Nhưng đã bình rằng: "Tàn ác" mà lại nói "Bất nhân", tàn ác, bất nhân, lời này là nặng nề. Viên Thuật không có công chút ít gì, chẳng có đức lành tí tẹo nào mà xằng bậy ở thời ấy, tự ý tôn lập, khiến cho nghĩa sĩ than thở, thần người cùng khinh ghét. Dẫu có cung kính tiết kiệm thì cũng không tránh khỏi vỡ lật vậy. Thế mà chỉ bình rằng: "Xa xỉ không đáng" thì không đủ để thấy cái tính xấu của hắn.

Viên Thiệu-Lưu Biểu đều có oai danh khí độ, nổi tiếng trên đời. Biểu nhảy nhót ở miền nam sông Hán; Thiệu bay vỗ ở miền bắc sông Hoàng Hà, nhưng đều ngoài thì rộng rãi mà trong thì nghi kị, ưa mưu kế mà không quyết đoán, có người tài mà chẳng dùng được, thấy người hiền mà chẳng nạp được, phế trưởng lập thứ, bỏ lễ mà yêu sủng, dẫn đến dòng dõi tranh giành, xã tắc nghiêng lật; đấy chẳng phải là không may vậy. Ngày xưa Hạng Vũ làm trái mưu của Phạm Tăng mà vùi lấp nghiệp vương; nay Thiệu giết Điền Phong, còn lầm hơn Vũ vậy!

Chú thích: 
(1) Tám quận Kinh châu: vào thời Lưu Biểu làm Kinh châu Thứ sử, Kinh châu gồm tám quận là: Nam Quận, Nam Dương, Giang Hạ, Chương Lăng, Trường Sa, Vũ Lăng, Quế Dương, Linh Lăng. 
(2) Miền Linh-Quế: chỉ hai quận Linh Lăng và Quế Dương. 
(3) Ngày xưa có người lớn xuất hiện ở huyện Lâm Thao thì đúc người đồng; Trác sinh ở huyện Lâm Thao thì người đồng vỡ: Hán thư - Ngũ hành chí chép: Vào năm thứ hai mươi sáu (năm 221 Trước công nguyên) thời Tần Thủy Hoàng, có mười hai 'người lớn' cao năm trượng, chân rộng sáu thước, mặc áo Di-Địch, xuất hiện ở huyện Lâm Thao, cho nên Tần Thủy Hoàng phá binh khí để đúc thành tượng mười hai người lớn kia, đặt ở thành Hàm Dương. Quan trung kí chép: Đổng Trác phá mười tượng người đồng, chỉ còn lại hai tượng. 
(4) Tần-Mãng: Tần là nhà Tần, Mãng là Vương Mãng, chính trị thời nhà Tần và Vương Mãng đều bạo ngược rườm rà.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.