Header Ads

Lã Bố Truyện


Lã Bố tự Phụng Tiên, người quận Ngũ Nguyên huyện Cửu Nguyên. Bởi vũ dũng có sức khoẻ nên được làm Cấp sự(1)ở Tinh Châu. Thứ sử Đinh Nguyên làm Kỵ Đô uý, đóng quân ở Hà Nội, dùng Bố làm Chủ bộ, lấy tình thân mà đối đãi.

Anh hùng ký chép: Nguyên tự Kiến Dương(2). Vốn xuất thân nơi nghèo khó, là người thô lậu, có vũ dũng, khéo cưỡi ngựa bắn cung. Lúc làm Lại ở huyện Nam, khi đi công cán chẳng từ chối việc khó nhọc, có tinh thần cảnh giác và ứng biến nhanh, khi đuổi theo quân cường khấu, thường xông lên trước. Ít đọc sách, thiếu khả năng làm Lại.

Linh Đế băng hà, Nguyên dẫn binh đến Lạc Dương. Cùng Hà Tiến mưu tính diệt bọn hoàng môn, được bái làm Chấp kim ngô. Tiến chết, Đổng Trác vào kinh đô, định làm loạn, muốn giết Nguyên, thâu gồm hết binh lính. Trác thấy Bố được Nguyên tin tưởng, bèn dụ Bố sai giết Nguyên. Bố bèn chém Nguyên đem đầu đến chỗ Trác, Trác lấy Bố làm Kỵ Đô uý, rất yêu mến tin tưởng, ước thệ làm cha con.

Bố giỏi việc cung ngựa, sức vóc hơn người, có danh hiệu là Phi tướng. Ít lâu được thăng làm Trung lang tướng, tước Đô Đình hầu. Trác tự biết mình vô lễ với người, sợ họ mưu hại mình, khi đi đứng thường lấy Bố làm hộ vệ. Nhưng Trác tính tình cố chấp mà nóng nảy, lúc cáu giận chẳng nghĩ đến nguy hiểm, có lần thất ý vì một việc nhỏ, tiện tay rút cây kích ném Bố. Bố có sức khoẻ đánh dạt cây kích đi, ngoảnh về phía Trác tạ lỗi, Trác cũng có ý nguôi giận. Tuy vận Bố vẫn ngầm oán Trác. Trác thường sai Bố trấn giữ trong cửa nách, Bố và thị tì của Trác tư thông, sợ việc bị phát giác, trong lòng bất an.

Kinh Thi viết: "Không có sức không gan góc, mà có chức tước là loạn ngôi thứ.(3)" Chú: "Quyền, là sức vậy". 

Trước đấy, Tư đồ Vương Doãn nhân vì Bố là người cùng châu quận lại rất tráng kiện, nên đãi Bố rất hậu. Về sau Bố đến chỗ Doãn, dãi bầy việc Trác có lần định giết mình. Bấy giờ Doãn và quan Phó xạ Tôn Thuỵ đang ngầm bàn mưu tru diệt Trác, nên yêu cầu Bố làm nội ứng. Bố nói: "Nhưng có cái tình cha con thì ta phải làm thế nào!" Doãn nói: "Ngài là họ Lã, vốn chẳng phải là cốt nhục. Nay vừa lo cái chết chẳng xong, sao bảo là có tình cha con?" Bố bèn nghe theo, tự tay cầm dao đâm chết Trác. Việc đã nói ở Đổng Trác truyện. Doãn cho Trác làm Phấn vũ tướng quân, cho Giả tiết, Nghi bỉ tam ti(4), tước Ôn hầu, cùng nắm quyền chiều chính. Bố từ sau khi giết Trác, căm ghét người ở Lương châu, người Lương châu đều oán giận. Bởi thế bọn Lý Thôi bèn liên kết kéo về vây đánh Trường An. Bố không chống nổi, bọn Thôi liền kéo vào Trường An. Trác chết được sáu tuần, Bố cũng thất bại. Bố bèn dẫn mấy trăm quân kỵ chạy ra Vũ Quan, muốn đến chỗ Viên Thuật.

Anh hùng ký chép: Quách Dĩ ở phía bắc thành. Bố mở rộng cửa thành, dẫn binh tới chỗ Dĩ, nói: "Ngươi hãy tạm lui binh, chỉ mình ta và ngươi quyết thắng phụ". Dĩ và Bố bèn đơn đả độc đấu, Bố dùng mâu đâm trúng người Dĩ, quân kỵ của Dĩ ở phía sau liền tiến ra cứu Dĩ, Dĩ và Bố hai bên đều bãi binh.

Thần Tùng Chi xét Anh hùng ký chép: Các sách nói, Bố giết Trác vào ngày hai mươi ba tháng tư, ngày mồng một tháng sáu thua chạy, mùa ấy lại không có tháng nhuận, vậy chẳng thể đến sáu tuần được. 

Bố tự nghĩ mình đã giết Trác là báo thù được cho Thuật, muốn tỏ cái ơn ấy ra. Thuật ghét Bố là kẻ phản phúc, cự tuyệt không thu dụng. Bố về bắc đến chỗ Thiệu, Thiệu cùng Bố đánh Trương Yến ở Thường Sơn. Yến có hơn vạn tinh binh, mấy nghìn quân kỵ.

Bố có con ngựa hay gọi là Xích Thố. Tào Man truyện chép: Người bấy giờ có câu rằng: "Người thì có Lã Bố, ngựa thì có Xích Thố."

Bố thường cùng cùng bọn tướng thân cận là Thành Liêm-Nguỵ Việt xung phong hãm trận, sau phá được quân của Yến. Nhưng lúc xin cấp thêm binh, tướng sĩ lại hay cướp bóc, Thiệu sợ mà ghét. Bố biết được ý ấy, tới gặp Thiệu xin đi. Thiệu sợ Bố quay lại hại mình, bèn phái tráng sĩ nhân đêm tối đến giết Bố, không xong. Việc bại lộ, Bố chạy về Hà Nội, cùng Trương Dương hợp binh.

Anh hùng ký chép: Bố tự nghĩ mình có công với họ Viên, kiêu căng khinh mạn chư tướng bộ hạ của Thiệu, cho rằng chỉ tạm giữ chức, không đủ quý hiển. Bố xin về Lạc huyện, Thiệu giả vờ cho Bố lĩnh chức Tư lệ Hiệu uý. Bề ngoài nói là đang sắp xếp, trong bụng muốn giết chết Bố. Sáng hôm sau lên đường, Thiệu phái ba chục giáp sĩ đi theo, nói là đưa tiễn Bố. Bố ở trong góc trướng, vờ sai người ở trong trướng gảy đàn tranh. Quân của Thiệu nằm nghỉ, Bố không biết làm sao lại ra khỏi trướng, mà binh kia không phát giác được. Nửa đêm binh lính xông lên, đến chém loạn vào giường của Bố, cho là Bố đã chết. Sáng hôm sau, Thiệu tra hỏi, mới biết Bố vẫn còn sống, bèn đóng cửa thành lại. Bố liền bỏ đi. 

Thiệu lệnh cho binh lính đuổi theo, chúng đều sợ Bố, chẳng ai dám tiếp cận.

Anh hùng ký chép: Dương cùng chư tướng thuộc hạ, đều vâng mệnh Thôi-Dĩ cho yết bảng để tìm Bố, mưu toan giết đi. Bố nghe tin, bảo với Dương rằng: "Bố ta, và ngài là người cùng châu. Ngài giết Bố, là ngài kém. Chẳng bằng đem bán Bố, có thể được Dĩ-Thôi ban cho tước hậu." Dương vì thế ngoài mặt hứa với Thôi-Dĩ, trong bụng lại thật tình bảo hộ Bố. Dĩ-Thôi lo lắng, bèn đổi ý xuống đại chiếu thư, phong cho Bố làm Thái thú Dĩnh Xuyên(5).

Ghi chú:
(1) Theo một số tài liệu liên quan thì Lã Bố khi đó làm sai dịch, chuyên việc tuyển mộ lính thú ở Tinh Châu.
(2) Nguyên văn câu này là 'Nguyên tử Kiến Dương', chữ 'tử' có nghĩa là con cái, gốc gác; chữ 'tự' có nghĩa là tên tự, hai chữ này viết chỉ khác nhau một nét, có thể bản gốc viết lầm chữ này?
(3) Vô quyền vô dũng, chức vi loạn giai. Chữ 'quyền' ở đây là quyền cước, là cái nắm tay.
(4) Tức là cho nghi trượng, gần được như ngôi Tam công.
(5) Không hiểu vì sao truyện về Lã Bố lại dừng ở đây, khi những tình tiết về nhân vật này vẫn còn dài?

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.