Vương Lãng Truyện
Vương Lãng tự Cảnh Hưng, người quận Đông Hải. Vì học thông kinh truyện được bái làm Lang trung, làm chức Tri Khâu Trưởng. Thầy là Thái úy Dương Tứ, Tứ hoăng, bỏ việc quan đến chịu tang. Cử làm Hiếu liêm, tránh phủ của Tam Công, không đến. Từ Châu Thứ sử Đào Khiêm xét Lãng làm Mậu tài. Bấy giờ Hán Đế ở tại Trường An, quân Quan Đông nổi dậy, Lãng làm quan Trị trung của Khiêm, cùng bọn Biệt giá Triệu Hiển khuyên Khiêm nói: "Nghĩa của sách Xuân thu là giúp chư hầu chẳng bằng giúp nhà vua. Nay Thiên tử qua ở kinh tây, nên sai sứ giả đến nghe lệnh của nhà vua". Khiêm bèn sai Hiển đem thư đến Trường An. Thiên tử khen ý ấy, bái Khiêm làm An đông Tướng quân, lấy Hiển làm Quảng Lăng Thái thú, Lãng làm Cối Kê Thái thú. [22] Tôn Sách qua sông Giang chiếm đất. Quan Công tào của Lãng là Ngu Phiên cho rằng sức mình không chống được, không bằng tránh đi. Lãng tự cho thân mình là quan của nhà Hán, nên giữ thành ấp, bèn đem quân đánh với Sách, thua vỡ, vượt biển đến huyện Đông Dã. Sách lại đuổi đánh, đại phá quân Lãng. Lãng bèn đến chỗ Sách. Sách cho là người nho nhã, nhún nhường mà không làm hại. [23] Dẫu rơi vào cảnh khốn khó, sớm chẳng mong đến tối, lại thu nạp người thân, bạn bè, chia của nhiều cắt cho kẻ ít, làm việc nghĩa rất sáng rõ.
[22] Lãng gia truyện viết: "Quận Cối Kê trước đây tế Tần Thủy Hoàng, đẽo gỗ làm tượng, cùng đặt trong miếu với Hạ Vũ. Lãng đến làm quan, cho rằng là vua không có đức, không nên được tế, do đó bỏ tế. Ở tại quận bốn năm, có ân với dân".
[23] Hiến Đế Xuân thu viết: "Tôn Sách đem quân đến đất Mân Việt đánh Lãng. Lãng lên thuyền vượt biển, muốn chạy đến Giao Châu, bị quân đuổi riết, bèn đến chỗ quân để hàng. Sách lệnh sứ giả báo cho Lãng nói: 'Hỏi giặc phản Cối Kê Thái thú Vương Lãng trước đây rằng: Lãng nhận ơn nhà nước làm quan, sao lại không làm việc đền đáp ân đức mà lại đem quân ngăn chặn? Đại quân đanh dẹp, đến trừ bọn xấu, vậy mà không tự giúp đỡ, lại tụ đảng quân, đóng giữ trong quận. Quân ta đi đánh, lại không thuận theo. Đuổi bắt lại hàng, có lẽ giả lừa để giữ vẹn đầu cổ, ngươi phải đến nếu không đem hết tình trạng báo lên'. Lãng nói là thân bị bắt giữ, đáp sứ giả nói: 'Lãng vì tài lẻ, làm lỡ ân vua, nhận chức không nhường, gây nên tội trói. Trước bị đánh dẹp, sợ chết nên tránh. Nhân đấy sửa quân, gửi mạng qua ngày. Đại quân theo đuổi, sợ hãi đến hàng. Người theo bệnh tật, chết mất gần hết. Đi cùng mẹ già, cưỡi một thuyền nhỏ. Tên lạc vừa bắn, bỏ thuyền chịu bắt, cúi đầu trán tự chui vào ở nơi trận đánh. Lãng sợ hãi không thôi, tự xưng là kẻ giặc hàng. Trước đây mê lầm, vừa thẹn vừa sợ. Lãng ngu dốt hèn kém, sợ oai tự hãi. Lại không ngay thẳng, không sớm theo về. Cho nên bị phá vỡ, sau đó trao mạng làm kẻ lệ thuộc. Thân mang tội lớn, chết vẫn còn tội. Lấy dây buộc cổ, xỏ chân vào gông, gào thét thành lời, báo khắp đông tây'".
Thái Tổ gửi thư gọi, Lãng từ huyện Khúc A men theo sông mà đi, nhiều năm mới đến. [24] Bái làm Gián nghị Đại phu, tham dự việc quân của quan Tư không. [25] Nước Ngụy vừa dựng, làm Quân tế tửu, lĩnh chức Ngụy Quận Thái thú, chuyển làm Thiếu phủ, Phụng thường, Đại lí. Làm việc khoan thứ, hình phạt giảm nhẹ. Chung Do xét rõ hình pháp lúc ấy, đều được khen là giỏi xét ngục. [26]
[24] Lãng được gọi mà chưa đến. Khổng Dung gửi thư cho Lãng nói: "Đường đời ngăn trở, tình người cắt đứt, nhớ mong ân lớn. Trước thấy biểu thư, biết được bắt chước vết tích Thành Thang, Vũ Vương kể tội mình, tự ném mình nơi miền ông như hình phạt của Cổn, xem chưa xong hết, nước mắt đầm đìa. Vua trên nhân từ rộng rãi, quý người có đức, tha thứ người mắc lỗi, Tào Công phụ chính, người hiền được đứng vững. Gửi thư cho thuộc hạ, ân cần nồng hậu. Biết ông chèo thuyền vượt biển, đậu tại Quảng Lăng, không ngờ gấu vàng xông khỏi vực Vũ. Cười nói có lúc, hãy yêu thân mình". Hán Tấn Xuân thu viết: "Tôn Sách vừa bắt được Lãng, nhún nhường Lãng. Sai Trương Chiêu hỏi riêng Lãng, Lãng thề không chịu cúi, Sách giận nhưng không dám làm hải, giữ lại tại Khúc A. Năm Kiến An thứ ba, Thái Tổ gửi thư gọi Lãng về, Sách sai Lãng đi. Thái Tổ hỏi nói: 'Tôn Sách lấy gì để có được như thế'? Lãng nói: 'Sách dũng cảm đứng đầu trên đời, có hùng tài chí lớn. Trương Tử Bố là người mong mỏi của dân, ngoảnh mặt về phía bắc làm Tướng quốc. Chu Công Cẩn là hào kiệt cùa vùng Giang Hoài, dương tay mà làm Tướng quân của Sách. Một khi thành công, cái mà hắn mưu tính không nhỏ, cuối cùng trở thành giặc lớn của thiên hạ, không chỉ là bọn trộm cướp mà thôi".
[25] Lãng gia truyện viết: "Lãng thuở nhỏ kết bạn với danh sĩ nước Bái là Lưu Dương. Dương làm Cử Lệnh, ba mươi tuổi thì chết, cho nên người đời sau ít nghe nói. Trước đây, Dương vì nhà Hán suy yếu, biết Thái Tổ có hùng tài, sợ liên lụy cho nhà Hán, ý muốn trừ Thái Tổ nhưng việc chẳng xong. Đến lúc Thái Tổ lên ngôi quý, tìm người nối dõi của Dương rất gấp, con của Dương sợ hãi, không có chỗ náu. Họ hàng của Dương dẫu nhiều nhưng chẳng ai dám giấu. Lãng bèn nhận nuôi nhiều năm, đến lúc từ Cối Kê về, lại nhiều giải thích. Thái Tổ lâu ngày bèn tha cho. Người nhà của Dương do đó được trọn vẹn".
[26] Ngụy lược viết: "Thái Tổ hỏi mọi người, cợt Lãng nói: 'Không bắt chước được ông xưa kia ở tại Cối Kê cắt lúa mà ăn'. Lãng ngẩng mặt mà than nói: 'Làm được thật khó'! Thái Tổ hỏi: 'Là sao'? Lãng nói: 'Như Lãng ngày trước, không nhún mà nhún; như minh công ngày nay, có thể nhún mà không nhún vậy'. Thái Tổ vì Tôn Quyền xưng thần bèn hỏi Lãng, Lãng đáp nói: 'Tôn Quyền trước đây gửi thư vờ cúi mình xin đánh giặc để chuộc lỗi cũ, sau lại xưng thần là để tỏ rõ mình không có hai lòng. Nha thú cúi gối, ton hót làm vui, tất đem ngọc châu, vàng bạc, vật lạ đến. Tình thấy ở lời nói, chuộc lỗi thấy ở việc làm. Nếu vùng Tam Giang Ngũ Hồ được nước Ngụy thống trị, dân miền Tây Ngô Đông Việt trở thành dân của nhà nước. Nếu miền Yển, Dĩnh đã nhổ, cử Kinh Môn tự mở, thu lấy miền Ba, Thục thì hình thế đã thành thì được nghỉ ngơi vui vẻ sẽ theo nhau đến dồn dập vậy. Có ngày nhận lệnh, vỗ tay khen ngợi. Cái giấu trong tình, lời nói không thể tỏ ra được".
Văn Đế lên ngôi Vương, chuyển làm Ngự sử Đại phu, phong An Lăng Đình Hầu. Dâng sớ dạy dân giảm hình phạt nói: "Dấy bình đến nay hơn ba mươi năm, bốn cõi nghiêng ngả, vạn nước mệt mỏi. Nhờ vào tiên vương tiễu trừ giặc mạnh, giúp đỡ kẻ yếu lẻ, bèn khiến cho Hoa Hạ lại có rường mối. Tụ tập triệu dân theo về nước Ngụy, khiến cho trong cõi biên giới mà gà gáy chó sủa cũng vang khắp bốn cõi, dân chúng hớn hở, vui được thời yên ổn. Nay giặc phương xa chưa phục, trận can qua chưa thôi, nên lệnh bù đắp để vỗ về người phương xa, chọn nhiều quan lại tốt để truyền bá ân đức, bờ ruộng phải sửa, bốn dân hăng hái sẽ vượt qua thời xưa mà làm giàu có thời nay. Kinh Dịch chép phép tắc, kinh Thư chép hình pháp, một người có việc tốt thì triệu dân được vui, đấy là nói về hình pháp cẩn thận vậy. Xưa Tào Tướng quốc cho rằng hình ngục là dùng tạm, là quan coi ngục rộng rãi vậy. Người bị ngục có được cái tình của họ thì kẻ trong tù không bị chết oan; đinh tráng được gắng sức làm ruộng thì dân không bị mất mùa đói kém; người già bệnh được trông vào kho lẫm thì không có kẻ bị chết đói; cưới hỏi chọn lúc thì trai gái không cái giận chờ đợi; nuôi thai trọn vẹn thì người mang chưa không lo bị thương; học trò được học thì bọn trẻ con không lo không được dạy; tráng đinh mà không bị lao dịch thì trẻ con không có cái lo bỏ nhà; ngườ tóc bạc không đi lính thì người già không lo bị mỏi mệt. Thuốc hay để chữa bệnh, nới lỏng lao dịch để dân vui vẻ theo nghề nghiệp, dùng hình oai để ngăn bọn cứng đầu, dùng ân đức để giúp kẻ yếu , cấp phát để giúp người nghèo. Sau mười năm người đến tuổi cài trâm tất đầy ngõ. Sau hai mươi năm người đến tuổi đi lính tất đầy đồng vậy".
Lúc Văn Đế lên lên ngôi, đổi làm Tư không, tiến phong Lạc Bình Hương Hầu. [27] Bấy giờ Đế hay ra đi săn, có hôm đến chiều tối mới về cung. Lãng dâng sớ nói: "Chỗ của vua ở thì ngoài có quân bảo vệ xung quanh, trong thì có cửa cấm liên tiếp, sắp đi thì sắp đặt quân rồi mới ra cung, đề phòng trước sau rồi mới xuống thềm, bày cửa vòng rồi mới lên kiệu, dẹp đường rồi mới dẫn di, che trùm rồi mới kéo xe, có chỗ nghỉ yên rồi mới dừng xe, đấy đều là để tỏ rõ sự tôn nghiêm, làm việc cẩn thận, kính theo giáo hóa vậy. Gần đây xe vua đi ră bắt hổ, xé bóng mới đi, đến chiều mới về, đấy là làm trái phép thường của việc đề phòng, không phải là sự cận thận của bậc Đế vương có vạn cỗ xe vậy". Đế báo nói: "Xem sớ, dẫu Ngụy Giáng nói lời trong chương Ngu châm để ngầm can Tấn Trác Công, Tương Như kể việc thú dữ để khuyên Hán Vũ Đế vẫn chưa đủ để sánh. Nay đang lúc hai tên giặc chưa trừ, tướng súy đánh chỗ xa, cho nên vào chỗ đồng ruộng để tập luyện võ bị. Đến như lời răn bảo đến tối mới về, trẫm đã hạ chiếu quan Hữu tư làm theo". [28]
[27] Ngụy danh thần tấu chép tấu giảm bớt của Lãng nói: "Có chiếu hỏi cái được và mất là nói về việc ở kinh đông vậy. Như việc cúng tế ở Phần Dương, Vân Dương thuộc kinh tây đã có năm trăm trong một nghìn người, tế ở đài Thông Thiên, vào cung A Phòng phải trai giới trăm ngày, nuôi vật tế năm năm, phải có ba nghìn con trâu, có bảy nghìn thanh ngọc; lấy gấm để thêu chiếu tế, chọn gái trẻ để múa hát; rót rượu phải ba qua ba giờ mới xong, phải có ba nghìn bốn trăm người hát nhạc chuẩn bị ở sau, số người đẹp trong cung phải có gần nghìn người, các con em học sĩ sâu rộng phải có hơn bảy nghìn người; trong chuồng phải có hơn sáu vạn con ngựa kéo xe, ngoài đồng thì có ba vạn người chăn ba vạn con ngựa và mỗi người chăn mười con; có sáu trăm quan Chấp kim ngô cưỡi ngựa, lính chạy bộ theo sau; quan Thái thường đi theo nghìn cỗ xe, quan Thái quan được bạn cho sáu nghìn nô tì; có ba nghìn quan trị dân trong thành Trường An, trong bọn quan được cấp bổng hai nghìn thạch gạo thì có hai mươi lăm quan xử tội xét phạt. Cho vào coi việc, uy nghi lẫm liệt, truyền lộc đến ba đời, là quá cả lễ nghi. Nguyên nhân xa xỉ là đại khái phần nhiều bắt chước nhà Tần. Đã trái với gốc chân thật kính cẩn, lại tô vẽ lên các thứ giản dị, lại làm mất vẻ cái chất vốn có mà lảm tổn văn phong, tránh cái hay mà theo cái ham muốn riêng. Nay là thời rực rỡ hưng thịnh, nên noi theo thời vua Nghiêu, vua Thuấn, giảm bớt các việc xa xỉ mà làm tiết kiệm, bỏ các hiệu lệnh rườm rà, làm rõ hình pháp cẩn thận, nên đáng mong chờ chăng? Như việc tế bằng vật thái lao một ngày ở tông miếu, các quận đều lập ra phép cúng tế ở tông miếu, các bọn quan Thừa tướng, Ngự sử, Đại phu cùng quan thuộc đều phải như thế, đã nhiều lần đổi vào trước thời Ai Đế, Bình Đế rồi, đã không làm từ sau thời Quang Vũ Đế. Thần xét kĩ cái mà nên sửa trong tấu văn, tế trời đất cho đến tế Ngũ Đế, Lục tông, tông miếu, xã tắc, đã noi theo các nước thời trước. Như tế trời đất thì quét đất mà tế, còn lại thì đều lập đàn và làm rào xung quanh. Nhà Minh Đường là chỗ để tế Thượng Đế, đài Linh Đài là chỗ để xem thiên văn, vườn Tích Ung là để sửa âm nhạc, nhà Thái Học là để tụ tập học sĩ, miếu Cao Môi là để xin điềm lành, lại là chỗ để xem xét công việc, biểu dương giáo hóa. Xét dân thời xưa, các việc tế lễ chúc mừng đều làm ở phía nam của nước, đều làm cột nhà cao như nhà Hạ, đủ để làm lễ bắn tên cúng tế, nhìn khắp cảnh vật. Tế tại bảy chỗ ngoài thành dẫu trọng ở chất phác nhưng vẫn đều có cửa miếu đứng ngồi, đủ để tránh mưa gió. Hãy nên bãi quân năm đầy đủ để dần dân sửa việc chính trị. Thời xưa quân của năm doanh, quân Hổ bôn, quân Vũ lâm cho đến các quân Vệ binh cùng tụ họp, dẫu gần vạn người, trong đó có kẻ là con em lười biếng của nhà buôn, có người lại là người đần độn của nhà cày ruộng; dẫu có chỗ được tự ý ra lệnh, không cần giảng quân trận, đã không luyện tập những điều sơ qua, lại ít ganh đua, dẫu là có tên tuổi nhưng thực là không xứng, khó để đề phòng những lúc nguy cấp. Có tin nguy cấp rồi sau mới mộ quân, quân đi rồi mới chở lương, hoặc là quân đã đóng đồn lâu ngày mà không làm việc trồng trọt, không sửa khí giới, không có cất chứa, nếu một vùng có việc nguy cấp thì ba mặt đều nhiễu loạn, đấy cũng là cái mất gần đây của nhà Hán và là việ có thể xét thấy được vậy. Ngày nay Chư Hạ đã yên mà vùng Ba Thục vẫn ở ngoài bản đồ. Dẫu chưa được tan trận và cởi giáp, buộc ngựa mà xếp quân, nên làm cho nhiều năm được mùa, đem quân gửi vào làm việc cày cấy. Quan quân lớn nhỏ đều chăm chỉ trồng trọt, dừng thì lập làng ấp ở đồng rộng, đi thì lập đội ngũ ở sáu quân, giảm bớt lao dịch nặng nề, tăng thêm áo cơm. Kinh Dịch nói: 'Dùng khen thưởng để sai dân thì dân quên mệt; dùng khen thưởng để sai dân đi vào chỗ khó khăn thì dân quên cái chết' là nói về ngày nay vậy. Cất chứa lương thực, nuôi dưỡng thế lực, tuy ngồi chỗ sáng sủa mà không điều quân nhưng người Man cõi ngoài tất cúi đầu đến cầu xin được sai khiến vậy. Nếu có hiệu quả chúng sợ oai thì không đánh mà định được thì còn hơn là đem quân đánh nhau mà lại lập được uy danh, vừa tiếp mũi đao mà đã lập công ở phương xa vậy. Nếu bọn gian ác không đổi, vẫn mê lầm không theo, vẫn muốn gây ác cho dân thì đợi Đại Ngụy ra lệnh báo cho quân đã được nuôi biết rồi mới thong thả đem quân hát trước múa sau mà đánh dẹp, xông vào bọn giặc cầm ngược cây giáo bỏ mũi tên chịu hàng như chặt cành khô củi mục, không đủ để làm sao"!
[28] Vương Lãng tập chép vào thời Lãng làm Đại lí dâng sớ khen Chủ bạ Trương Đăng người Triệu Quận nói: "Xưa làm Chủ bạ của huyện ấy, gặp giặc Hắc Sơn vây quận, Đăng cùng huyện trưởng là Vương Tuấn đem bảy mươi hai quan quân đi nhanh đến cứu, đánh nhau với giặc, quan quân tan chạy, Tuấn sắp bị hại, Đăng bèn lấy tay ngăn một tên giặc để giữ mạng Tuấn. Lại có quan Thú trưởng là Hạ Dật, bị quan Đốc bưu xử oan, Đăng tự mình xét xử, giải oan tội của Dật. Có nghĩa giúp hai người kia, nên khen thưởng hơn". Thái Tổ vì có nhiều việc gấp, chưa rỗi cất nhắc. Đến đầu năm Hoàng Sơ, Lãng lại cùng Thái úy Chung Do thay nhau tiến cử, đều nói Đăng làm việc chăm chỉ. Hạ chiếu nói: 'Đăng có lòng trung nghĩa rõ ràng, làm việc chăm chỉ. Chức vị dẫu nhỏ nhưng làm việc ngay thẳng. Mời đến cùng ăn với trẫm phải là những quan lại này. Nay lấy Đăng làm Thái quan lệnh'".
Trước đây vào cuối năm Kiến An, Tôn Quyền bắt đầu sai sứ đến xưng thần, lại đem quân đánh với Lưu Bị. Hạ chiếu bàn: "Có nên đem quân giúp Ngô đánh lấy Thục không"? Lãng bàn nói: "Quân của Thiên tử ở tại vùng núi Hoa, núi Đại, thực nên ngồi chỗ sáng mà chiếu oai trời, không động như núi. Nếu sai Quyền tự mình chống nhau với giặc Thục, đánh nhau lâu ngày, trí sức ngang nhau, quân không đánh nhanh, lúc đó đem quân để giúp thế oai rồi mới nên chọn tướng giữ chỗ trọng yếu, đánh vào chỗ yếu của giặc, chọn lúc mới điều quân, chọn đất rồi mới đi thì một trận là không có lo gì khác. Nay quân của Quyền chưa động thì đem quân giúp Ngô không băng gọi họ trước. Vả lại nước mưa đang nhiều, không phải là lúc điều quân đem đi". Đế theo kế này. Giữa năm Hoàng Sơ, chim bồ nông đậu ở đầm Linh Chi, hạ chiếu Công khanh tiến cử người quân tử đức hạnh. Lãng cử Quang lộc Đại phu Dương Bưu, rồi xưng bệnh, nhường chức cho Bưu. Đế bèn cho Bưu sắp đặt quan quân, chức đến bậc Tam công. Hạ chiếu nói: "Trẫm tìm người hiền với ông mà chưa được, ông lại bỗng nhiên xưng bệnh, không đi thì không tìm người hiền được, lại làm mất con đường tiến thân của người hiền, tăng thêm việc ngả theo Tam công. Không những thế lại có kẻ ở chỗ Tam công nói lời không tốt, làm trái với đạo quân tử vậy! Ông chớ có từ chối nữa"! Lãng bèn dậy.
Tôn Quyền muốn sai con là Đăng vào hầu, lại không đến. Bấy giờ xe vua dời đến thành Hứa Xương, đóng quân làm ruộng, muốn đem quân đánh phía đông. Lãng dâng sớ nói: "Xưa người Nam Việt giữ tính thiện, Anh Tề vào hầu, trở thành người nối dõi, trở về làm vua của nước mình, người Khang Cư kiêu ngạo, tính chẳng nhún nhường, quan Đô hộ tấu bàn cho rằng nên sai con đến hầu để bỏ cái không có lễ nghi. Vả lại cái họa của Ngô Vương Tị là có mầm từ việc sai con vào hầu, Ngôi Hiêu làm phản cũng không ngoái trông con mình. Vừa rồi nghe nói Quyền có nói sai con đến mà chưa đến. Nay sáu quân phòng nghiêm, thần e rằng người kia không theo chiếu chỉ, nay làm nhà nước giận việc ở lại của Đăng, cho nên vì việc này mà dấy quân. Đem quân đi thì Đăng mới đến, đấy là cách điều động lớn nhất, là cách gọi đến nhỏ nhất, vẫn chưa đủ để cho là hay. Nếu bên ấy kiêu ngạo, quyết không có ý đem con vào hầu thì sợ rằng bên ấy bàn bạc chưa thông, đều đang lo lắng. Thần ngu cho rằng nên lệnh gọi các tướng về để sai giữ các trại của từng người. Ngoài thì tỏ rõ oai phong, trong thì mở rộng việc trồng trọt, làm cho chắc chắn như núi, lặng lẽ như ao sâu, thế vững không lay được, kế hay không thể đoán được". Bấy giờ Đế đã phát quân rồi đem đi, con của Quyền không đến, xe vua đến sông Giang rồi về. [29]
[29] Ngụy thư viết: "Xe vua đã về, hạ chiếu Tam công nói: "Ba đời làm tướng là điều mà nhà có đạo kiêng kị. Dùng quân bừa bãi, thời trước đã có gương răn. Huống chi năm nay nước cạn, quân dân tổn hao, lại có việc nhiều ở trước mắt, lao dịch hơn ngày trước, đến không diệt được giặc, lui về không an ủi dân. Nhà dột ở trên, người dưới biết được, vẫn mê lầm không tỉnh ngộ, đấy là thế mất đạo không con xa nữa, là có lỗi mà không sửa, nói thế chẳng sai vậy. Nay nên nghỉ ngơi, đứng vững như núi cao, ẩn giấu như chín vực sâu, dẹp trừ vứt bỏ ở ngoài cõi. Xe vua nay hẹn đến giữa tuần tháng này đến đất Tiêu, các quân của đất Hoài, đất Hán đều phải quay về, không đến tháng chạp phải về phía tây".
Minh Đế lên ngôi, tiến phong Lan Lăng Hầu, thêm năm trăm ấp, cùng một nghìn hai trăm ấp trước đây. Sai đến đất Nghiệp xem xét lăng của Văn Chiêu Hoàng hậu, thấy trăm họ có kẻ không được no đủ. Bấy giờ đang xây dựng cung điện, Lãng dâng sớ nói: "Từ khi Bệ hạ lên ngôi đến nay, thường hạ chiếu ban ân, trăm họ chẳng ai không hớn hở. Thần cúi nhận lệnh đi lên phía bắc, qua lại trên đường, nghe nói dân phải lao dịch, những người nên được tha bỏ và giảm bớt lao dịch rất nhiều. Mong Bệ hạ sáng chiều luôn ghi nhớ để mưu tính ngăn giặc. Xưa Đại Vũ sắp muốn dẹp trừ cái họa lớn của thiên hạ, cho nên trước tiên lam cung điện nhỏ, tiết kiệm cơm áo, do đó có hết chín châu, giúp đỡ năm cõi. Câu Tiễn muốn mở rộng đất Ngự Nhi, [30] giết Phù Sai ở thành Cô Tô, cũng vì bó buộc thân mình cùng người nhà, tiết kiệm tiền nhà để giúp nước, do đó bao bọc cả miền Ngũ Hồ, cuốn trọn miền Tam Giang, ra oai với Trung Quốc, làm Bá với Hoa Hạ. Văn Đế, Cảnh Đế của nhà Hán cũng muốn mở mang nghiệp lớn của tổ tiên, tăng thêm công trạng, cho nên giảm bớt xây đài trăm vàng, tiết kiệm may áo lụa dày, trong thì giảm Thái quan và không nhận đồ cống nạp, ngoài thì bớt lao dịch và chăm lo việc cày cấy, cho nên người đời được yên ổn, ít phải dùng hình phạt. Vũ Đế có thể phát dương thế quân, chiếm đất ngoài nước, thực là nhờ vào cái đầy đủ cất chứa của tổ tiên, cho nên mới lập nên công lớn. Hoắc Khứ Bệnh là tướng tài bậc trung, vẫn vì Hung Nô chưa diệt, không xây nhà cửa, tỏ rõ vỗ về người xa giúp kẻ gần, lo việc ngoài và giảm việc trong. Từ đầu thời Hán cho đến thời trung hưng, đều là sau khi nghỉ ngơi can qua rồi mới xây cung Phượng Khuyết lo lớn, biểu dương công đức. Nay đang ở trước điện Kiến Thủy đủ để bày hội chầu, sau cung Sùng Hoa cđủ để sắp đặt nội quan, các vườn Hoa Lâm, đầm Thiên Uyên đủ để mở dạo chơi, nếu hãy làm nên các cửa ngoài cung cũng đủ để người phương xa đến hội chầu, sửa thành ao cũng đủ để ngăn vượt qua, tạo thành chỗ hiểm của đất nước, còn các việc khác hãy đợi đến năm đầy đủ. Phải chăm chỉ trồng trọ cày cấy, lo việc tập luyện võ bị thì nước không có cái lo lâu dài, dân chúng nghỉ ngơi, dân khỏe quân mạnh, quân giặc không thần phục, chưa đủ để bắt buộc, chưa có được vậy". Chuyển làm Tư đồ.
[30] Ngự Nhi là tên đất biên giới của nước Ngô.
Bấy giờ thường mất Hoàng tử, mà người ở hậu cung quán xá lại ít. Lãng dâng sớ nói: "Xưa Chu Văn Vương mười lăm tuổi sinh ra Vũ Vương, rồi sinh được mười người con để mở rộng dòng dõi của họ Cơ. Vũ Vương đã già mới sinh ra Thành Vương, do đó Thành Vương có ít anh em. Hai bậc Vương kia đều có đức thánh, không làm việc lỗi, còn như con cháu của họ thì không được nhiều. Có lẽ nuôi dưỡng có sớm muộn, sinh đẻ có ít nhiều vậy. Bệ hạ đã có đức sánh với hai vị thánh ấy, vào thời Xuân thu Văn Vương nuôi Vũ Vương, mà con là Phát chưa cử lên ở phòng kín của chốn hậu cung, các phiên vương chưa sinh ra ở phòng rộng chốn dịch đình. Ví như Thành Vương vẫn chưa là muộn, ví như Bá Ấp thì vẫn không là sớm. Theo lễ nhà Chu có hai mươi nội quan ở trong cung, nhưng các kinh truyện thường nói là đều có không quá hai mươi người. Đến vào thời Tần, thời Hán, đều có đến hàng trăm, hàng nghìn người rồi. Dẫu có thêm vào thì bấy giờ vợ mang bầu cũng rất ít, rõ ràng gốc của 'trăm con trai' thực là một ý, không những ở tại việc rộng vậy. Lão thần kính cẩn mong nhà nước phải làm có được như hai lăm người con của Hiên Viên, nếu không cũng phải có như mười con của Chu Văn Vương, coi đó là điều lo nghĩ. Vả lại con nhỏ thường được trùm chăn ấm áp, ấm áp thì không cđược hợp cho thân thể yếu ớt, do đó khó giữ gìn, lại dễ bị ho cảm. Nếu thường khiến cho con nhỏ mặc áo mỏng, không mặc áo quá dày thì tất làm cho thân thể vững như vàng đá, thì tuổi thọ lâu như núi Nam Sơn vậy". Đế báo nói: "Lời lẽ trung trinh thẳng thắn, chứa tình yêu sâu xa. Ông đã nghĩ ngợi lo lắng, lại tự tay cầm bút viết, tỏ rõ âm đức, trẫm vui vẻ không kể hết. Con nối dõi trẫm chưa lập, do đó ông lo lắng, nói lời rất khẩn thiết, thật là hợp lẽ". Lãng viết sách Dịch, Xuân thu, Hiếu kinh, Chu quan truyện, Tấu nghị kí luận, đều truyền cho đời. [ 31] Năm Thái Hòa thứ hai hoăng, thụy là Thành Hầu. Còn là Túc thay. Trước đây, Văn Đế phân ấp hộ cho Lãng, phong một người con làm Liệt hầu, nhưng Lãng xin phong cho con của anh là Tường.
[31] Ngụy lược viết: "Lãng vốn tên là Nghiêm, sau đổi tên là Lãng". Ngụy thư viết: "Lãng có tài cao học rộng mà tính nghiêm túc khảng khái, có uy nghi, nhún nhường tiết kiệm, từ cưới hỏi đễn nghi lễ không nhận lễ vật gì. Thường mỉa mai người đời thích khoe tên tuổi mà không cứu giúp người nghèo hèn, cho nên dùng tiền của trước tiên là cấp chẩn".
Túc tự Tử Ung. Mười tám tuổi theo Tống Trung đọc sách Thái huyền, rồi lại chú giải sách ấy. [32] Giữa năm Hoàng Sơ làm Tán kị Hoàng môn Thị lang. Năm Thái Hòa thứ ba, cho làm Tán kị Thường thị. Năm thứ tư, Đại Tư mã Tào Chân đánh Thục, Túc dâng sớ nói: "Sách trước có chép rằng: 'Cấp lương nghìn dặm, lính có vẻ đói, hái củi nấu ăn, quân không đủ no'. Đấy là nói lúc hành quân trên đường bằng vậy. Lại huống chi là vào sâu nơi hiểm trở, đục đường mà đi, thì vất vả phải đến trăm lần. Nay lại có thêm mưa dầm, dốc núi gập ghềnh, quân vội mà không lên được, lương xa mà khó chở, thực là cái kị lớn của lúc hành quân vậy. Nghe nói Tào Chân đem quân đi đã hơn một tháng mà đi vừa nửa hang núi, dân phu sửa đường, quân sĩ cùng sửa. Đấy là giặc gặp thế ẩn nấp để đợi quân mỏi mệt, là cái sợ của nhà binh vậy. Nói về thời trước thì có Vũ Vương đánh Trụ, ra cửa ải rồi lại về; bàn về thời nay thì có Vũ Đế, Văn Đế đánh Tôn Quyền, đến sông Giang không qua được. Đấy há không phải là người biết rõ quyền biến, thuận trời, biết thời sao! Triệu dân vì biết Hoàng thượng vì mưa dầm khó đi, dừng mà nghỉ ngơi, ngày sau có việc, rồi mới dùng họ, đấy gọi là dùng an ủi để sai dân vào chỗ khó khăn, dân quên cái chết vậy". Do đó bèn bãi binh. Lại dâng sớ nói: "Nên theo lễ cũ, phát tang vì đại thần, dâng quả ở tông miếu". Việc đều được làm. Lại dâng sớ bày việc sửa chính trị nói: "Trừ chức quan không có việc làm, giảm bổng lộc của chức quan làm việc không nhanh nhẹn, dừng cái phí tổn của cấp lương, thu các chức quan nhàn rỗi; khiến cho quan lại phải có nhiệm vụ, làm đúng việc của mình, làm việc mới được nhận bổng lộc, muốn có lộc phải gắng sức làm, đấy là phép thường thời xưa, ngày nay nên làm theo. Quan ít mà lộc dày thì tiền phí của công ít, chí làm quan được khuyến khích, đều phát huy tài sức, chẳng ai dựa dẫm nhau. Xét lời tấu mà nói, lấy công để thử, xem họ có tài hay không, đều xét ở trong lòng của Đế. Cho nên thời Đường, Ngu đặt quan phân chức, ra lệnh Công khanh đều theo đúng việc của mình rồi mới chọn người giỏi làm quan Nạp ngôn, nay còn chép trong sách Thượng thư, đấy là để đề ra và thu nhận lệnh của Đế mà thôi. Thời Hạ, Ân không thể rõ hết. Chương Cam thệ viết: 'Người coi sáu việc', đấy là nói Lục khanh cũng là người coi việc. Quan chức của nhà Chu thì đầy đủ rồi, năm ngày đợi chầu, các Công khanh Đại phu đều đến, quan Tư sĩ xét chức vị của họ. Ghi chép về họ nói: 'Ngồi mà bàn việc, gọi là Vương công; đề ra mà làm, gọi là Sĩ Đại phu'. Đến đầu thời Hán, dựa theo thời trước, Công khanh đều tự mình lên chầu bàn việc, cho nên Cao Tổ tự thân thu nạp Chu Xương phản loạn, Vũ Đế có thể nghe Cấp Ảm dâng tấu. Tuyên Đế sai Công khanh năm ngày chầu một lần, Thành Đế bắt đầu đặt năm quan Thượng thư. Từ đó suy kém, lễ chầu bèn bỏ sót. Nên lập lại lễ nghi năm ngày đợi chầu, khiến cho Công khanh, Thượng thư đều để ra công việc. Khiến cho lễ đã bỏ được lập lại, tỏ rõ nghiệp thánh, đấy thực gọi là tiếng đẹp mà tốt lành vậy".
[32] Cha Túc là Lãng gửi thư cho Hứa Tĩnh nói: "Túc sinh ở quận Cối Kê".
Giữa năm Thanh Long, Sơn Âm Công hoăng, là vua Hán vậy. Túc dâng sớ nói: "Xưa nhà Đường nhường ngôi cho nhà Ngu, nhà Ngu nhường ngôi cho nhà Hạ, đều để tang ba năm rồi mới lên ngôi Thiên tử. Do đó hiệu Đế không xấu, lễ vua vẫn còn. Nay Sơn Âm Công kính nhận mệnh trời, thuận theo lòng mong mỏi của dân, truyền ngôi cho nhà Đại Ngụy, lui giữ ngôi khách. Công vâng lệnh nhà Ngụy, không dám không dốc hết lòng. Nhà Ngụy đối đãi Công kính trọng nhưng không thần phục. Nay đến lúc hoăng, theo phép mặc áo liệm phải có các đồ xe ngựa chở đi, đều giống với bậc Vương, cho nên người gần xa trông mong, cho là tốt đẹp. Vả lại nhà Hán dùng hiệu của Đế hoàng, hiệu là Hoàng đế, có tên gọi khác là Đế, không có tên gọi khác là Hoàng, vậy thì Hoàng lè tên gọi có vẻ khinh thường vậy. Cho nên vào thời Cao Tổ, mỗi đất không có hai Vương, cha của Cao Tổ vẫn sống mà vẫn gọi là Hoàng, nói rõ không phải là cái kị của hai Vương. Huống chi ngày nay để tặng hiệu lúc chết, nên gọi là Hoàng để ghép với tên thụy". Minh Đế không ưng gọi là Hoàng, bèn truy tặng thụy là Hán Hiếu Hiến Hoàng Đế. [33]
[33] Tôn Thịnh nói: "Người hóa hợp với thần gọi là Hoàng, người đức hợp với trời gọi là Đế. Cho nên Tam Hoàng đặt hiệu, Ngũ Đế nối theo. Vậy thì xưng gọi là Hoàng là cao đẹp hơn Đế vậy. Túc cho là khinh thường, cũng chẳng lầm sao"! Thần là Tùng Cho cho rằng: Thời xa xưa nói là Hoàng Hoàng Hậu Đế, sau đó nói về Tam, Ngũ, Tiên Hoàng Hậu Đế, đúng như lời Thịnh. Nhưng các vị Đế của nhà Hán, dẫu tôn cha là Hoàng, nhưng thực là tôn quý nhưng không có ngôi vị thực, ngôi cao mà không có dân, nếu sánh với ngôi Đế, há chẳng phải là coi thường sao! Nhà Ngụy noi theo lễ của nhà Hán, tên hiệu không đổi. Hiếu Hiến Đế băng, há không xét kĩ lễ nghi thời xưa? Lời mà Túc nói có lẽ là theo phép chế nhà Hán mà nói thôi. Nói Túc là lầm, là cợt nhà Hán, không phải là trách Túc vậy.
Sau đó Túc làm Thường thị, lĩnh chức Bí thư giám, kiêm chức Sùng văn quan Tế tửu. Giữa năm Cảnh Sơ, xây nhiều cung điện, dân bỏ việc cày cấy, chẳng theo tín ước, giết chóc vội vã. Túc dâng sớ nói: "Đại Ngụy nhận ngôi cao của trăm Vương, dân sống chẳng mấy, can qua chưa dừng, nay đúng là lúc nên cho dân nghỉ ngơi để làm yên lòng gần xa vậy. Việc cất chứa và cho dân nghỉ ngơi là cốt ở việc giảm lao dịch và chăm trồng trọt. Nay cung điện chưa thành, công nghiệp chưa xong, mở phát vận chuyển, thay nhau cung ứng, cho nên đinh phu mệt mỏi vì gắng sức làm, người cày cấy rời khỏi ruộng đồng, người trồng lúa ít ỏi, người ăn lúa lại nhiều, lúa cũ đã hết, lúa mới lại chẳng có, đấy là cái họa lớn của nhà nước, không phải là kế lớn của việc dự bị vậy. Nay có ba, bốn vạn người làm thì điện Cửu Long đủ để yên thân, trong đó đủ để đặt sáu cung. Điện Hiển Dương lại sắp dựng xong, chỉ có điện Thái Cực về phía trước là việc còn lớn, nay lại đang buổi rét đậm. Mong Bệ hạ ban ân đức, hạ chiếu hiền, thương xót cái khó nhọc của dân phu, nghĩ đến việc không được cung cấp của triệu dân, làm cho quân sĩ được ăn nhờ vào kho lúa, không phải dùng lúc gấp gáp, chọn ra đinh tráng, lựa giữ vạn người, lệnh hẹn một kì mà thay nhau, đều biết lúc nghỉ có ngày thì chẳng ai không vui lòng làm việc, khó nhọc cũng không oán vậy. Tính ra một năm có ba trăm sáu mươi vạn phu, cũng không cho là ít. Những việc đáng phải một năm làm xong, phải gần ba năm. Chia sai người còn lại, khiến cho họ đều cày cấy, đấy là lế không ép đến đường cùng vậy. Kho có thóc dư, dân có sức thừa; lấy đó để xây dựng, công nào chẳng xong? Lấy đó giáo hóa, giáo hóa nào chẳng nên? Giữ tín với dân là điều quý lớn của nhà nước vậy. Trọng Ni nói: 'Từ xưa đều có cái chết, dân không tin thì không xong'. Một nước Tấn nho nhỏ, một Trùng Nhĩ cỏn con, muốn dùng dân của mình, trước phải giữ tín, cho nên dân nguyện giúp đỡ, tin tưởng mà theo về, có thể đánh một trận mà làm Bá, đến nay vẫn được khen. Trước đây xe vua đang đến Lạc Dương, phát dân làm doanh, quan Hữu tư lệnh làm doanh xong thì bãi. Đã xong, lại tiện sai dân làm, không lệnh như hẹn. Đấy là quan Hữu tư ham cái lợi trước mắt mà không lo nghĩ cho thể diện của nhà nước vậy. Thần ngu cho rằng từ nay về sau, dẫu là sai khiến dân, phải tỏ rõ lệnh, khiến cho đúng hẹn. Nếu có việc đến nữa, vẫn phải sai lại thì không được lỗi tín. Còn các hình phạt mà Bệ hạ tự xử đoán, đều là quan có tội, kẻ đáng chết vậy. Nhưng dân chúng không biết, đấy gọi là vội vã vậy. Cho nên mong Bệ hạ hạ lệnh đó cho quan lại mà làm rõ tội của họ, cân nhắc tội chết của họ, khiến cho không có vết nhơ ở cung cấm và không có nỗi nghi ngờ ở gần xa. Vả lại mạng người là rất quý, sinh thì khó mà giết thì dễ, khí hết thì không sống được, cho nên bậc thánh hiền quý mạng người. Mạnh Kha nói: 'Giết một người không có tội để lấy thiên hạ là việc người có lòng nhân không làm'. Thời Hán có kẻ phạm vào xe ngựa của nhà vua khiến cho mọi người sợ hãi, Đình úy Trương Thích Chi tấu xét tội phạt trả tiền, Văn Đế cho là cách xét tội ấy quái lạ dễ dãi, nhưng Thích Chi nói: 'Đang lúc này, Nhà vua sai giết kẻ đó là xong. Nay giao cho Đình úy. Đình úy là cái cân bằng của thiên hạ. Nếu chỉ để lệch một bên, mà thiên hạ dùng hình pháp đều là cân nhắc nặng nhẹ, thì dân có chỗ nào để đặt chân tay'? Thần cho rằng làm mất lẽ phải không phải là cái mà bậc trung thần nên bày tỏ vậy. Đình úy là quan của Thiên tử, vẫn không nên làm mất cân bằng, vậy mà thân của Thiên tử, há lại để sai lầm sao? Cái trọng ấy là vì mình, nhưng lại coi thường vua, đấy là rất bất trung vậy. Chu Công nói: 'Thiên tử không bừa; nói thì có sách sử chép lại, người thợ đọc lại, kẻ sĩ nói lại'. Nói mà không bừa, huống chi là làm? Cho nên lời nói của Thích Chi không nên không xét, điều răn của Chu Công không nên không theo". Lại nói: "Các loài chim thú không dùng được, các đồ tổn phí của người lao dịch, rơm lúa, đều nên bãi bỏ".
Đế từng hỏi nói: "Thời Hán Hoàn Đế, Bạch Mã Lệnh là Lí Vân dâng thư nói: 'Đế là lẽ phải vậy. Nhưng Đế không muốn lẽ phải' Nay sao không chết được"? Túc đáp nói: "Đấy chỉ là nói tiết tháo nghịch hay thuận. Ý gốc của nó là đều muốn dốc hết lòng, mong sửa vá đất nước. Vả lại cái uy của Đế hơn cả sấm sét, giết một kẻ thất phu không khác giết một con kiến, lấy gì để tỏ rõ là nghe theo lời nói thẳng, mở rộng ân đức ra thiên hạ? Cho nên thần cho rằng giết kẻ đó không phải là đúng vậy". Đế lại hỏi nói: "Nguyên nhân Tư Mã Thiên bị hình phạt là trong lòng có ý oán giận, viết Sử kí không chê bai Hiếu Vũ Đế, khiến cho người ta phải nghiến răng?". Đáp nói: "Tư Mã Thiên chép sử, không chép cái đẹp trống rỗng, không che dấu cái xấu. Lưu Hướng, Dương Hùng kính phục Tư Mã Thiên giỏi viết lách, khen là có cái tài của viên quan tốt, gọi là chép thật. Hán Vũ Đế nghe nói Tư Mã Thiên chép Sử kí, lấy quyển Hiếu Cảnh bản kỉ và bản kỉ về minh để xem, do đó cả giận, đẽo mà vứt đi. Đến nay hai Bản kỉ ấy không còn chép thật nữa. Sau lại gặp việc của Lí Lăng mới bắt Thiên vào ngục thiến. Đấy là người ta oán giận Vũ Đế, mà không oán giận Thái sử Tư Mã Thiên vậy".
Năm Chính Thủy thứ nhất, ra làm Quảng Bình Thái thú. Có việc lại gọi về, bái làm Nghị lang. Chốc lát, làm Thị trung, chuyển làm Thái thường. Bấy giờ Đại Tướng quân Tào Sảng chuyên quyền, tin dùng bọn Hà Yến, Đặng Dương. Túc cùng Thái úy Tưởng Tế, Tư nông Hoàn Phạm bàn về chính trị thời này, Túc nghiêm mặt nói: "Bọn này là bọn Hoằng Cung, Thạch Hiển, lại nói lời gian dối"! Sảng nghe nói, răn bảo bọn Hà Yến nói: "Nay nên cùng cẩn thận! Công khanh đã sánh các ông là kẻ xấu thời nay rồi". Vì bị bắt lỗi ở tông miếu mà bãi chức. Sau làm Quang lộc huân. Bấy giờ có hai con cá dài một thước tụ ở nhà kho chứa khí giới, quan Hữu tư cho là điềm lành. Túc nói: "Cá sống ở vực mà nhảy lên nhà kho, các loài có vảy mất chỗ ở vậy. Tướng ngoài biên sắp có biến loạn bỏ áo giáp chăng"? Sau đó quả đúng có trận thua miền Quan Đông. Dời đến làm Hà Nam Doãn. Năm Gia Bình thứ sáu, giữ cờ tiết, kiêm chức Thái thường, vâng lệnh hộ xe vua, đón Cao Quý Hương Công ở Nguyên Thành. Năm đó có khí trắng rợp trời, Đại Tướng quân Tư Mã Cảnh Vương hỏi nguyên nhân với Túc, Túc đáp nói: "Đấy là cờ của Xi Vưu vậy, miền đông nam có loạn chăng? Ông nên tu thân để làm yên trăm họ thì thiên hạ vui vẻ theo về người có đức, kẻ gây loạn tất diệt vậy". Mùa xuân năm sau, Trấn đông Tướng quân Vô Khâu Kiệm, Dương Châu Thứ sử Văn Khâm phản, Cảnh Vương hỏi Túc nói: "Hoắc Quang cảm kích lời nói của Hạ Hầu Thắng, bắt đầu trọng kẻ sĩ học đạo Nho, có vẻ tốt vậy. Giữ nước yên vua, kế sách ở đó sao"? Túc nói: "Xưa Quan Vũ đem quân của Kinh Châu bức hàng Vu Cấm ở bến sông Hán, bèn có chí lên phía bắc tranh thiên hạ. Sau đó Tôn Quyền đánh úp bắt được tướng sĩ người nhà của Quan Vũ, quân sĩ của Vũ một sớm tan vỡ. Nay cha mẹ vợ con của tướng sĩ vùng Hoài Nam đều ở tại Trung Châu, nếu nhanh đem quân giữ gìn, khiến cho chúng không đi được thì tất có cái thế vỡ lở của Quan Vũ vậy". Cảnh Vương nghe theo, bèn phá Kiệm, Khâm. Sau chuyển làm Trung lĩnh quân, thêm chức Tán kị Thường thị, tăng thêm ba trăm họ, cùng hai nghìn hai trăm hộ trước. Năm Cam Lộ thứ nhất hoăng, học trò đến điếu tang đến mấy trăm người. Truy tặng chức Vệ Tướng quân, thụy là Cảnh Hầu. Con là Uẩn thay. Uẩn hoăng, không có con trai, nước dứt. Năm Cảnh Nguyên thứ tư, phong con của Túc là Tuân làm Lan Lăng Hầu. Giữa năm Hàm Hi, lập ra năm thứ bậc, vì Túc công lớn ở triều trước, đổi phong Tuân làm Thừa Tử. [34]
[34] Thế ngữ viết: "Tuân tự Lương Đại, có hiểu biết, tại triều đình ngay thẳng. Làm qua các chức Hà Nam Doãn, Thị trung, chỗ nào cũng được khen. Lại có lòng vì việc công, có tiết tháo kính cẩn. Lịch Lệnh là Viên Nghị lấy ngựa khỏe tặng, biết Nghị tham tiền, không nhận. Nghị cuối cùng vì tham tiền mà vỡ nghiệp. Lập đạo học của hai nhà, tôn sùng năm sách kinh, đều do Tuân dựng nên. Chết vào lúc hơn bốn mươi tuổi, tặng chức Xa kị Tướng quân. Con gái của Túc gả cho Tư Mã Văn Vương, tức Văn Minh Hoàng hậu, sinh ra Tấn Vũ Đế, Tề Hiến Vương Du". Tấn chư công tán viết: "Anh em Tuân có tám người. Những người thành đạt có: Kiền tự Cung Tổ, có công lao được khen, làm đến Thượng thư. Em là Khải tự Quân Phu, thuở nhỏ có tài sức nhưng không tiết kiệm, kết giao với Vệ úy Thạch Sùng, đều xa xỉ có tiếng trên đời, cuối cùng làm Hậu Tướng quân. Con của Kiền là Khang, Long làm quan cũng thành đạt, được người đời sau kính trọng".
Trước đây, Túc thích cái học của họ Giả, họ Mã mà không ưa cái học của họ Trịnh, chọn tụ các sách khác nhau mà giải thích các sách Thượng thư, Thi, Luận ngữ, Tam lễ, Tả thị và soạn định Dịch truyện của cha là Lãng viết, đều đặt ở nhà học. Các sách mà Túc viết bàn về điển chế, giao tế, tông miếu, úy kỉ, khinh trọng, cả thảy hơn trăm chương. Bấy giờ người huyện Lạc An là Tôn Thúc Nhiên [35] chịu học ở nhà của Trịnh Huyền, người đời khen là bậc Nho lớn của miền đông. Gọi làm Bí thư giám, không đến. Túc tụ luận chứng của thánh nhân để hỏi vặn Huyền, Thúc Nhiên bèn bác bỏ mà giải thích cho Túc hiểu, cùng viết Chu dịch, Xuân thu liệt, ba truyện Mao thi, Lễ kí, Xuân thu, các chú giải Quốc ngữ, Nhĩ nhã, lại có sách chú giải hơn mười chương. Từ thời đầu nhà Ngụy gọi kẻ sĩ người quận Đôn Hoàng là Chu Sinh Liệt, [36] bọn Đại Tư nông người quận Hoằng Nông là Đổng Ngộ thời Minh Đế cũng thay nhau chú giải kinh truyện, đều truyền cho đời. [37]
[35] Thần Tùng Chi xét: Thúc Nhiên giống tên của Tấn Vũ Đế, cho nên chỉ nói tên chữ.
[36] Thần Tùng Chi xét: Người này họ Chu Sinh, tên Liệt. Luận ngữ tập giải của Hà Yến có nói các chú gi ải khác của Liệt thấy ở sách Trung kinh bạ thời Tấn Vũ Đế.
[37] Ngụy lược viết: "Ngộ tự Quý Trực, tính chất phác mà hiếu học. Giữa năm Hưng Bình, vùng Quan Trung nhiễu loạn, cùng anh là Quý Trung nương dựa Tướng quân Đoàn Ổi, chọn lúa vác đi bán, lại thường mang giữ sách kinh, lúc rỗi thì tập đọc. Anh Ngộ cười nhưng Ngộ không đổi. Đến đầu năm Kiến An, rường mối vừa lập lại, quận cử làm Hiếu liêm, rồi chuyển làm Hoàng môn thị lang. Bấy giờ Hán Đế giao chính trị cho Thái Tổ, Ngộ ngày đêm hầu giảng, được Thiên tử tin yêu. Đến năm thứ hai mươi hai, trăm quan trong đất Hứa làm trái chế lệnh, Ngộ dẫu không cùng mưu nhưng vẫn bị chọn đến đất Nghiệp, chuyển làm quan nhũng tán. Thường theo Thái Tổ đánh phương tây, đi đường từ bến Mạnh Tân qua mộ của Hoằng Nông Vương. Thái Tổ do dự muốn vào thăm, ngoảnh hỏi tả hữu, tả hữu chẳng đáp, Ngộ bèn đem chương Việt sách ra giảng nói: 'Nghĩa của sách Xuân thu là vua của một nước lên ngôi chưa được một năm mà chết thì chưa thành vua. Hoằng Nông Vương lên ngôi đã ngắn, lại bị bầy tôi bạo ngược ngăn chế, bị giáng đến nước phiên, không nên đến thăm'. Thái Tổ bèn qua. Giữa năm Hoàng Sơ, ra làm Quận thú. Thời Minh Đế, vào làm Thị trung, Đại Tư nông. Được mấy năm thì bệnh chết. Trước đây, Ngộ thích đọc sách Lão Tử, viết chú giải sách Lão Tử. Lại thích đọc Tả thị truyện, lại chép bằng mực đỏ để phân biệt cái khác. Người đời có kẻ theo học, Ngộ không chịu dạy mà nói: 'Nay phải đọc trăm chương trước'. Lại nói: 'Đọc trăm chương sách thì tự thấy nghĩa của nó'. Người theo học nói: 'Khó nỗi không có nhiều ngày'. Ngộ nói: 'Nên chọn lúc tam dư'. Có người hỏi ý của tam dư, Ngộ nói: 'Mùa đông hằng năm có ngày rỗi, buổi đêm hằng ngày có giờ rỗi, lúc mưa dầm có giờ rỗi vậy'. Do đó ít học trò theo học Ngộ, không có ai được truyền cho chữ mực đỏ". Thế ngữ viết: "Con của Ngộ là Tuy, làm đến Bí thư giám, cũng có tài học. Công thần của Tề Vương Quýnh là Đổng Ngải, tức con của Tuy vậy". Ngụy lược cho rằng bảy người bọn Ngộ và Giả Hồng, Hàm Đan Thuần, Tiết Hạ, Ngôi Hi, Nhạc Tường là nhà Nho, lời đề tựa nói: "Từ đầu năm Sơ Bình đến cuối năm Kiến An, thiên hạ vỡ lở, lòng người lìa tan, rường mối đã suy, đạo Nho càng suy hơn. Đến từ sau năm Hoàng Sơ thứ nhất, vua mới lập lại, bắt đầu xóa tẩy bụi bẩn của đạo học, đắp vá cái tổn khuyết của bia đá, sắm sửa quan chép sách trong hàng quan Bác sĩ, dựa vào lịch giáp ất của nhà Hán để xem xét. Báo rõ cho châu quận biết, người muốn theo học đều sai đến nhà Thái học. Nhà Thái học bắt đầu mở, có hàng trăm học trò, đến giữa năm Thái Hòa, năm Thanh Long, trong ngoài nhiều việc, lòng người tránh đến. Dẫu tính không giải thích cái đạo học nhưng nhiều người xin đến nhà Thái học. Bọn học trò đến nhà Thái học có đến hàng nghìn người, mà tài học của bọn Bác sĩ đều là sơ sài, không có gì dạy học trò. Học trò vốn cũng bị gọi đi lao dịch, lại không thể học tập. Đông đến xuân qua, hàng năm như thế. Lại dẫu có kẻ giỏi nhưng ở trong đài gác rất cao, lại thêm không nghĩ đến nghĩa lớn, mà hỏi cách viết chữ chấm mực sơ qua mà thôi, trăm người học cùng mà người hiểu biết chưa đến mười người. Do đó kẻ sĩ có chí học bèn ngày càng suy kém, mà kẻ học tìm cái hư rỗng đều hùa theo nhau. Giữa năm Chính Thủy có chiếu bàn ở đài Viên Khâu, mời gọi học sĩ. Bấy giờ quan Lang cùng quan Tư đồ lĩnh hơn hai vạn quan lại, dẫu đã chia ra nhưng gặp ở kinh sư chỉ còn gần vạn người, mà người đem sách và bàn bạc không có mấy người. Lại bấy giờ các quan Công khanh trở xuống trong triều đình có hơn bốn trăm người, trong đó người biết cầm bút viết chưa đến mười người, phần nhiều theo nhau ăn no rồi lui về. Ô hô! Nghề học rơi rụng lại đến nước ấy. Cho nên trong lòng thường canh cánh quý trọng mấy vị ấy, ở các chỗ ngoài vùng hoang phục mà vẫn giữ chí thật thà vậy". Giả Hồng tự Thúc Nghiệp, người huyện Tân Phong quận Kinh Triệu. Ham học có tài, mà đặc biệt giỏi đọc Xuân thu Tả truyện. Đầu năm Kiến An, làm quan ở quận, cử làm Kế duyện, theo lời châu gọi. Bấy giờ trong châu các quan từ hàng Tham quân trở xuống có hơn trăm người, chỉ có Hồng cùng người quận Phùng Dực là Nghiêm Bao là có tài học cao nhất. Hồng qua làm quan Lệnh của ba huyện, chỗ đến liền dỡ bỏ chuồng ngựa, tự thân dạy học trò. Sau đó Mã Siêu phản, Siêu bắt được Hồng, đem đến huyện Hoa Âm, sai viết hịch bố cáo. Hồng bất đắc dĩ phải viết hịch. Tư đồ Chung Do ở tại miền đông, biết lời hịch này, nói: 'Đấy là Giả Hồng viết vậy'. Sau Siêu thua chạy, Thái Tổ mời Hồng làm Quân mưu duyện. Vẫn vì trước đây giúp Siêu viết hịch bố cáo cho nên không theo về. Cuối cùng mới ra làm Âm Tuyền Trưởng. Giữa năm Diên Khang, chuyển làm Tướng quốc của Bạch Mã Vương. Ưa nói cười đùa. Vương Bưu cũng yêu thích văn học, thường kinh trọng Hồng hơn cả Tam khanh. Được mấy năm thì bệnh chết, chết lúc hơn năm mươi tuổi. Người đời tiếc Hồng không làm quan có lươgn đến hai nghìn thạch. Và Nghiêm Bao cũng làm quan qua hai huyện, giữa năm Hoàng Sơ, vì có tài cao mà được làm Bí thư thừa, nhiều lần tấu văn phú, Văn Đế cho là lạ. Ra làm Tây Bình Thái thú, chết lúc làm quan. Tiết Hạ tự Tuyên Thanh, người quận Thiên Thủy. Học rộng có tài. Quận Thiên Thủy trước đây có bốn họ là Khương, Diêm, Nhậm, Triệu thường được bầu chọn ở trong quận, mà Hạ là con nhà họ lẻ, không chịu giáng phục. Bốn họ muốn cùng trị tội Hạ, Hạ bèn trốn tránh, đi về phía đông đến kinh sư. Thái Tổ vốn biết tiếng Hạ, gặp đãi Hạ rất có lễ. Sau bốn họ lại sai người bắt Hạ về, đi qua quận Dĩnh Xuyên, bắt lấy trói vào ngục. Bấy giờ Thái Tổ đã ở tại Kí Châu, nghe nói Hạ bị quận ấy bắt làm tin, vỗ tay nói: 'Hạ không có tội. Bọn trẻ con vùng Hán Dương chắc muốn giết hắn thôi'! Bèn báo cho quận Dĩnh Xuyên sai phải thả Hạ ra, gọi đến làm Quân mưu duyện. Văn Đế lại khen tài của Hạ, giữa năm Hoàng Sơ làm Bí thư thừa. Đế hễ cùng Hạ bàn luận sách truyện, chưa từng không hết ngày vậy. Hễ gọi mà không nói tên, chỉ gọi là Tiết Quân. Nhà của Hạ rất nghèo, Đế lại thấy áo Hạ mỏng, cởi áo bào mà mình mặc ban cho Hạ. Sau đó Chinh đông Tướng quân Tào Hưu đến chầu, bấy giờ Đế đang cùng Hạ bàn luận, mà ở ngoài phòng Hưu đã đến, Đế dẫn vào. Ngồi yên, Đế ngoảnh nhìn Hạ mà nói với Hưu nói: "Ông này là Bí thư thừa Tiết Tuyên Thanh người quận Thiên Thủy, nên cùng nói chuyện". Hạ được đãi như thế. Rồi muốn dùng Hạ, gặp lúc Văn Đế băng. Đến giữa năm Thái Hòa, từng vì việc công mà dời Lan Đài. Lan Đài là đài tự làm vậy, là sở của Bí thư thừa, nói là Hạ không thể dời vậy, nếu dời thì bị tội. Hạ báo nói: "Lan Đài là đài ở ngoài, Bí thư là gác trong, đài và gác là một vậy, sao lại không dời cho nhau được"? Lan Đà dời mà không có cách gì bắt bẻ được. Từ đó về sau, bèn cho là thường. Mấy năm sau bệnh chết, lệnh con của Hạ không về quận Thiên Thủy. Ngôi Hi tự Tử Nha, người quận Kinh Triệu. Thuở nhỏ ham học. Giữa năm Sơ Bình, Tam phụ loạn, Hi đến phía nam làm khách ở Kinh Châu, không vì nhiễu loạn, mang giữ sách kinh, hễ lúc rỗi chọn lúa thì đem ra tập đọc. Thái Tổ định Kinh Châu, gọi làm Quân mưu duyện. Giữa năm Hoàng Sơ, làm Lang trung của Tiêu Vương. Vương vốn nghe nói Hi là nhà Nho, thường để lòng theo học. Hi cũng cung kính để dạy Vương, do đó được ban tặng hậu. Xưng bệnh về, bái làm Lang trung. Hơn tám mươi tuổi, xưgn già về nhà, người đến học Hi rất đông. Hi đã rõ kinh, lại giỏi xem sao, thường ngưỡng xem thiên văn, than thả bảo Ngư Hoạn nói: "Can quan trong thiên hạ vẫn còn chưa dứt như thế sao"? Hoạn lại thường theo hỏi Tả thị truyện, Hi đáp nói: "Muốn biết cái tinh vi chẳng gì bằng đọc kinh Dịch, phép tắc của người đời chẳng gì bằng đọc kinh Lễ, biết nhiều cây cỏ sông núi chẳng gì bằng đọc kinh Thi, sách Tả thị chẳng qua là sách đánh nhau thôi, không đủ gọi là ý hay". Hoạn nhân đó theo hỏi kinh Thi, Hi giảng nghĩa của bốn nhà Tề, Hàn, Lỗ, Mao, không ràng buộc với câu văn, có chỗ như đọc qua. Lại soạn ra phần chú giải các kinh có mấy chục vạn chữ; chưa kịp sửa chữa thì bị điếc, mấy năm sau bệnh chết vậy. Việc về Hàm Đan Thuần chép tại truyện Vương Xán, việc về Tô Lâm chép tại truyện Lưu Thiệu, Cao Đường Long, việc về Nhạc Tường chép tại truyện Đỗ Kì. Ngư Hoạn nói: "Việc học vốn do ở người, tựa như nhuộm màu xanh vào tơ trắng sao! Cho nên dẫu là Trọng Ni vẫn nói: 'Ta không phải sống mà biết hết được'. Huống chi là bọn có phẩm hạnh tầm thường! Vả lại người đời có kẻ không quý ở việc học cũng vì có nguời thấy nói 'nhẩm đọc ba trăm kinh Thi nhưng không đối đáp được ở bốn phương' vậy. Ta cho rằng đấy là hạng dưới thôi, không đáng bằng sách Trung dung trở lên, là những sách vốn có chất hay, lại thêm có văn nữa! Mấy người hiền ngày nay, ta cũng biết qua vậy. Xét tài làm việc của họ, thực là không có nhiều. Nhưng giữ việc học không ngừng thì trên được Đế Vương khen, dưới là nhà Nho nổi tiếng của nhà nước, đấy không phải là do học sao? Do đó thấy rằng, việc học là lâu dài há có ngừng nghỉ sao"?
Bàn nói: Chung Do thông đạt lí lẽ, Hoa Hâm trong sạch đức thuần, Vương Lãng văn học dồi dào, thực đều là bậc anh hoa của một thời vậy. Nhà Ngụy vừa lập, bắt đầu từ ba vị này mới hưng thịnh đấy! Vương Túc thẳng thắn nghe nhiều, có thể kế thừa cha! [38]
[38] Lưu Thực cho rằng: Túc thẳng thắn thời kẻ trên mà ưa kẻ dưới nịnh bợ mình, đấy là một cái trái ngược. Tính thích vinh quý mà không tìm cái tùy tiện, đấy là hai cái trái ngược. Tham tiếc tài vật mà tu thân không nhơ bẩn, đấy là ba cái trái ngược.
Post a Comment