Thái Sử Từ Truyện
Thái Sử Từ tự Tử Nghĩa, người quận Đông Lai huyện Hoàng. Thuở nhỏ hiếu học, ra làm quan ở quận giữ chức Tấu tào sử. Gặp lúc Quận thú và Châu mục có hiềm khích, phải trái khó phân biệt, vì thế trên có lệnh rằng, ai gửi bản tấu về triều trước thì bên đó đúng. Bấy giờ tấu chương của châu mục đã gửi đi, quận thú sợ tấu chương của mình tới sau, liền cho tìm người có thể đi sứ. Từ mới hai mươi mốt tuổi, được tuyển đi, bèn gấp rút ngày đêm, đến Lạc Dương, Từ đến Công môn, thấy viên châu lại đang muốn trình văn tự. Từ hỏi: "Ngài muốn trình báo tấu chương chăng?" Viên lại nói: "Đúng thế." Từ lại hỏi: "Tấu chương để ở đâu?" Đáp: "Ở trên xe." Từ nói: "Chữ ký trên tấu chương có lầm lẫn gì đó? Ngài đưa tôi xem lại cho." Viên lại không biết Từ là người của quận Đông Lai, vì thế đưa tấu chương ra. Từ đã thủ sẵn dao trong bụng, liền lấy ra rạch nát tấu chương đi. Viên lại nhảy lên hô lớn, rằng: "Có người phá huỷ tấu chương của tôi!" Từ liền kéo người ấy vào trong xe, nói nhỏ rằng: "Nếu ông không đưa tấu chương cho tôi, tôi cũng không có cách nào hủy hoại nó, cái việc cát hung họa phúc cũng thế mà thôi, tôi không muốn một ai trong hai ta chịu tội một mình. Sao bằng chúng ta im lặng rồi cùng trốn đi, có thể bảo tồn được mạng sống, không việc gì phải cùng chịu hình phạt." Viên lại nói: "Ngài vì quận thú hủy tấu chương của tôi, đã được như ý rồi, lại muốn bỏ trốn làm gì?" Từ đáp rằng: "Ban đầu tôi vâng mệnh quận thú phái đi, chỉ là muốn xem ông có trình báo tấu chương không thôi. Tôi dụng ý thái quá, thành ra hủy hoại tấu chương của ngài. Nay trở về, cũng sợ vì việc ấy mà bị trách tội, cho nên muốn chúng ta cùng trốn đi." Viên lại cho rằng Từ nói đúng, ngay hôm ấy cùng nhau bỏ đi. Từ đã cùng viên lại ra khỏi thành, mượn cớ lén quay lại trình tấu chương của Quận. Châu mục biết chuyện, lại phái viên lại khác đi trình tấu chương, hữu ti vì thấy việc thay đổi tấu chương nên không thụ lý, châu mục vì thế bị thua. Từ nhờ thế nổi danh, nhưng bị châu mục ghét, Từ sợ bị ta vạ, bèn tránh nạn đến Liêu Đông.
Tướng ở Bắc Hải là Khổng Dung nghe chuyện cho là Từ có tài, mấy lần phái người tới thăm hỏi mẹ Từ, mỗi lần đến đều tặng quà. Bấy giờ vì bị Hoàng Cân đến cướp bóc, Dung đem binh ra đồn trú ở Đô Xương, bị giặc là Quản Hợi vây ở đó. Từ từ Liêu Đông trở về, người mẹ bảo Từ rằng: "Mày và Khổng Bắc Hải chưa từng tương kiến, sau khi mày đi, ông ấy giúp đỡ mẹ rất ân cần, còn hơn cả bạn bè cũ, nay ông ấy đang bị giặc vây, mày nên đến chỗ ông ấy." Từ ở lại ba ngày, rồi một mình đi bộ theo đường tắt tới Đô Xương. Bấy giờ vòng vây còn chưa kín, trong đêm Từ rình lúc địch sơ hở, đột nhập vào diện kiến Dung, nhân đó xin binh ra chém giặc. Dung không nghe, có ý đợi quân ngoài tới cứu. Chờ mãi không thấy ai đến, mà vòng vây ngày càng chặt. Dung muốn cáo cấp với Bình Nguyên tướng Lưu Bị, trong thành không có ai biết cách ra khỏi thành, Từ tự mình xin đi. Dung nói: "Nay giặc vây rất chặt, chúng nhân đều nói không thể đi được, dũng khí của khanh tuy mạnh, nhưng không phải quá mạo hiểm sao?" Từ thưa rằng: "Trước đây phủ quân dốc lòng với mẹ tôi, mẹ tôi rất cảm kích sự hậu đãi ấy, sai Từ mau chóng đến chỗ phủ quân, cố nhiên vì cho rằng Từ có chỗ hữu dụng, mà đến hẳn sẽ có ích vậy. Nay chúng nhân đều nói không thể đi, Từ tôi cũng nói không thể, há để cái ân nghĩa phủ quân đã đoái hoài, cái ý phái Từ đi của lão mẫu là bỏ đi sao? việc đã gấp lắm rồi, xin phủ quân không nên ngờ sợ nữa." Dung mới đồng ý. Từ liền chuẩn bị hành trang, ăn uống no nê, chờ đến sáng, đeo túi cung tên lên ngựa, dẫn theo hai tên lính kỵ đi theo, mỗi tên cầm một tấm bia, mở cửa thành xông thẳng ra ngoài. Bọn giặc vây ở bên ngoài đều kinh hãi, lập tức hỗ trợ nhau phòng bị. Từ dấn ngựa đến hào luỹ dưới thành, hai tên lính nhất loạt cắm bia, Từ bắn tên vào bia, bắn xong, bèn quay vào thành. Sớm hôm sau lại làm như thế, giặc vây thành kẻ đứng người nằm, Từ lại dựng bia, bắn xong, lại quay vào thành. Sớm hôm sau nữa lại ra làm như thế, quân giặc không ai đứng dậy cả, đột nhiên Từ vung roi ngựa xông thẳng vào vòng vây chạy đi. Quân giặc bên kia hiểu ra, Từ đã vượt đi rồi, lại còn bắn giết mấy người, chúng đều ngã lộn nhào, cho nên không kẻ nào dám đuổi theo. Từ đến Bình Nguyên, nói với Bị rằng: "Từ, là kẻ thô bỉ ở Đông Lai, cùng với Khổng Bắc Hải vốn chẳng phải là cốt nhục, cũng chẳng cùng quê quán, chỉ vì chí khí tương hợp, nên vì nghĩa mà chia tai vạ chung hoạn nạn. Nay Quản Hợi làm loạn, Bắc Hải bị vây, cô độc khốn cùng, không quân cứu viện, nguy hiểm một sớm một chiều. Bởi ngài có tiếng là người nhân nghĩa, có thể cứu giúp nguy nan cho người khác, cho nên Bắc Hải thành tâm thành ý, nghểnh cổ ngóng ngài, sai Từ này mạo hiểm tay không, đột phá vòng vây, từ trong muôn chết tới phó thác nơi ngài, mong ngài xoi xét." Bị nghe xong cung kính nói: "Khổng Bắc Hải biết trên thế gian này có Lưu Bị sao?" Rồi lập tức phái ba nghìn tinh binh đi theo Từ. Quân giặc nghe tin có quân tới, giải vây bỏ chạy tứ tung. Dung được cứu, lại càng quý trọng tài của Từ hơn, nói: "Khanh là người bạn trẻ của ta vậy." Xong việc, Từ quay về bẩm báo với mẹ mình, mẹ Từ nói: "Ta mừng là mày báo đáp được Khổng Bắc Hải vậy."
Thứ sử Dương châu là Lưu Do và Thái Sử Từ là người cùng quận, Từ từ Liêu Đông trở về, chưa cùng tương kiến, không lâu sau Từ qua sông tới Khúc A gặp mặt Do, lúc chưa rời đi, vừa gặp Tôn Sách đến. Có kẻ khuyên Do có thể cho Từ làm Đại tướng quân, Do nói: "Ta nếu dùng Tử Nghĩa, chẳng phải là Hứa Tử Tương sẽ cười ta sao?" Rồi chỉ phái Từ đi trinh thám xem địch nặng nhẹ thế nào. Có lần Từ và một lính kỵ đột nhiên gặp Sách. Đi theo Sách có ba chục quân kỵ, gồm bọn Hàn Đương, Tống Khiêm, Hoàng Cái. Từ liền tiến lên giao đấu, đối diện thẳng với Sách. Sách đâm ngựa của Từ, chụp được đầu ngọn kích của Từ, Từ cũng đoạt được mũ trụ của Sách. Lúc quân kỵ của cả hai bên đều kéo đến, hai người mới buông nhau ra.
Từ và Do cùng chạy trốn về Dự Chương, rồi lánh đến Vu Hồ, trốn ở trong núi, tự xưng là Thái thú Đan Dương. Bấy giờ, Sách đã bình định được phía đông Tuyên Thành, duy chỉ còn sáu huyện ở phía tây Kinh huyện là chưa chịu phục. Từ nhân đó tiến đến giữ Kinh huyện, lập đồn phủ, phần lớn dân chúng Sơn Việt đến nương nhờ. Sách thân chinh đến đánh dẹp, bắt giữ được Từ. Sách lập tức cho cởi trói, nắm tay Từ nói: "Ngươi có nhớ cái lúc ở Thần Đình chăng? Nếu ngươi bắt được ta lúc ấy ngươi sẽ làm gì?" Từ đáp: "Cũng chưa biết thế nào." Sách cả cười nói: "Việc thiên hạ hôm nay, ta cần phải cùng với khanh chung sức.”
[Ngô Lịch chép rằng: Từ thua trận ở Thần Đình, bị Sách bắt giữ. Sách vốn nghe danh của Từ, lập tức cởi trói xin ý kiến, tư vấn cho cái thuật đánh giữ. Từ thưa rằng: "Phá quân bắt tướng, chưa phải là đã xong việc." Sách nói: "Xưa kia Hàn Tín dùng kế sách của Quảng Vũ quân, nay Sách tôi muốn dứt bỏ điều nghi hoặc của bậc nhân giả, ngài có ý gì chăng(1)?" Từ nói: "Quân sĩ ở châu này mới bị phá, lòng quân li tán, nếu đã chia lìa, khó mà tập hợp lại được; tôi xin đi tuyên rõ ân đức để yên bụng chúng, sợ rằng chẳng hợp tôn ý." Sách quỳ dài đáp rằng: "Thực đúng với lòng mong ước của ta vậy. Giữa trưa ngày mai, mong ngài về đây cho." Chư tướng đều nghi hoặc, Sách nói: "Thái Sử Tử Nghĩa, là danh sĩ ở Thanh châu, lấy tín nghĩa làm đầu, nhất định không lừa dối Sách." Sáng hôm sau, Sách cho mời hết chư tướng đến, bày sẵn rượu thịt, sai dựng một cây tre để coi bóng. Đúng giữa trưa thì Từ đến, Sách cả mừng, từ đó thường cùng nhau tham luận mọi việc quân cơ.]
[Thần Tùng Chi xét; Ngô Lịch nói Từ thua trận ở Thần Đình, bị Sách bắt được, cùng với bổn truyện quá khác thường, ngờ là lầm lẫn nói xằng.]
[Giang Biểu truyện chép: Sách hỏi Từ rằng: "Nghe nói trước kia khanh vì quan Thái thú mà cướp tấu chương của quan châu, rồi chạy đến chỗ Văn Cử(2), mời được Huyền Đức, đều là những việc nghĩa sáng ngời, là trí sĩ thiên hạ vậy, chỉ vì chưa gặp được người để thác thân. Bắn trúng thắt lưng rách áo người ta, người xưa chẳng hiềm nghi(3). Cô nhận khanh là tri kỷ, chớ lo không được như ý nhé." Rồi đi ra truyền rằng: "Rồng muốn bay lên cao, trên đầu cần phải có 'xích mộc'(4)."]
Rồi Sách lập cho ngay Từ tạm giữ chức Môn hạ đốc, quay về đến Ngô quận giao cho Từ cầm binh, bái làm Chiết xung Trung lang tướng. Về sau Lưu Do mất ở Dự Chương, sĩ chúng hơn vạn người chưa có chỗ nương tựa, Sách lệnh cho Từ tới vỗ yên.
[Giang Biểu truyện chép: Sách bảo Từ rằng: "Lưu mục trước đây trách Cô vì họ Viên tấn công Lư Giang, ý tứ rất khinh bỉ, suy luận chẳng thiếu thứ gì. Sao nhỉ? Binh sĩ thủ hạ của tiên quân(5) có mấy nghìn người, ở hết chỗ Công Lộ. Cái chí của cô ở chỗ lập sự, chẳng thể nào không khuất thân với Công Lộ, cầu cạnh lấy số binh cũ, đi lại mãi mới được có hơn nghìn người thôi. Nhân lúc Công Lộ lệnh cho Cô tấn công Lư Giang, việc lúc ấy là tình thế, không thể không đi được. Chỉ vì Công Lộ sau này không tuân theo tiết tháo của kẻ bầy tôi, tự vứt bỏ thân phận thần tử làm việc gian tà tiếm hiệu, Cô can gián không nghe. Bậc trượng phu giao kết với nhau vì nghĩa khí, đã cẩu thả với việc lớn, chẳng thể không chia lìa, việc giao kết, cầu cạnh và tuyệt tình của Cô với Công Lộ ngọn ngành là như thế. Nay Lưu Do đã chết mất rồi, Cô hận chẳng kịp cùng với ông ấy tranh luận biện bác lúc sinh thời. Bây giờ con nhỏ của ông ấy còn ở Dự Chương, chẳng biết Hoa Tử Ngư(6) đãi ngộ chúng ra sao, việc này Cô lại miễn cưỡng trông cậy vào khanh được không? Khanh là người ở châu này, trước lại làm Tòng sự, Cô nhờ khanh qua đó trông nom con nhỏ của ông ấy, kết hợp với việc tuyên bảo rõ ý của Cô với bộ khúc của ông ấy. Đám bộ khúc ấy ai thích thì đến giúp ta, ai không thích đến thì vỗ yên họ. Lại quan sát xem Tử Ngư ở đó làm chức mục cai trị địa phương như thế nào, xem nhân dân ở Lư Lăng, Bà Dương có thân gần giúp đỡ ông ấy không? Binh sĩ thủ hạ của khanh, nên đem theo nhiều hay ít, xin cứ tuỳ ý." Từ thưa rằng: "Từ có tội không thể tha được, tướng quân độ lượng giống như Hoàn, Văn, đãi ngộ quá với lòng mong mỏi. Cổ nhân nói được sống thì lấy cái chết để báo ơn, ắt là nói đến việc báo đáp hết lòng, đến chết mới thôi. Nay tất cả binh sĩ đang nghỉ ngơi, binh lính chẳng nên dùng nhiều, Từ chỉ đem mấy chục người, là đủ để qua đó rồi quay về.]
Tả hữu của Sách đều nói: "Từ tất sẽ đi lên bắc không quay về nữa." Sách nói: "Tử Nghĩa mà bỏ ta, còn quy phục ai được?" Rồi tiễn đưa Từ ở Xương Môn, nắm tay chia biệt, nói: "Khi nào khanh quay về?" Từ đáp: "Chẳng quá sáu mươi ngày." Quả nhiên Từ trở về đúng kỳ hẹn.
[Giang Biểu truyện chép: Sách mới phái Từ đi, kẻ bàn luận phân vân, bảo rằng Từ chưa đáng tin, có kẻ cho rằng Từ với Hoa Tử Ngư là đồng hương, sợ Từ lưu lại bên đó trù liệu kế sách, hoặc ngờ là Từ sang Tây thác thân theo Hoàng Tổ, mượn đường lên Bắc, đa phần nói phái Từ đi không phải là kế hay. Sách nói: "Các ông nói đều không phải cả, Cô xét đã rõ ràng rồi. Thái sử Tử Nghĩa dù là người có khí phách, dũng cảm, can đảm, cứng cỏi, nhưng chẳng phải là người thủ đoạn(7). Trong lòng ông ấy đã có toan tính, hiểu rõ đạo nghĩa, quý trọng lời hứa, một lời đã hứa với tri kỷ, có chết cũng chẳng phụ nhau, các ông chớ có lo lắng nữa." Từ từ Dự Chương trở về, những người bàn luận mới phục Sách. Từ diện kiến Sách, nói: "Hoa Tử Ngư là người hiền đức, nhưng không phải là người có tài toan tính, dân chúng ở địa phương không quy phục, chỉ tự thủ mà thôi. Lại có người ở Đan Dương là Đồng Chi tự chuyên ở Lư Lăng, nói dối là chịu chiếu thư làm Thái thú. Hắn thống suất dân chúng ở Bà Dương lập riêng một giáo phái, ngăn cản binh lính giữ địa giới, không vâng lệnh Tử Ngư sai khiến làm trưởng lại, nói rằng 'Ta lập một quận riêng, đợi khi nhà Hán phái chân Thái thú(8) đến, ta mới chịu ra nghênh đón." Tử Ngư không những không dàn xếp xong việc ở Lư Lăng, Bà Dương, mà ở bên cạnh huyện Hải Hôn có dốc Thượng Liễu, ở đó có năm sáu nghìn nhà kết hợp với nhau thành đội ngũ, chỉ nộp tô thuế cho quận thôi, phát lệnh triệu gọi mọi người thì không thể được, Tử Ngư cũng chỉ đứng nhìn mà thôi." Sách vỗ tay cười lớn, vì thế có ý định thâu tóm vùng ấy. Không lâu sau đó, Sách bình định Dự Chương.]
Cháu của Biểu là Bàn, là người kiêu dũng, mấy lần vào cướp ở các huyện Ngải, Tây An. Sách liền phân binh tới sáu huyện bên phải và bên trái Hải Hôn, Kiến Xương, lấy Từ làm Đô uý Kiến Xương, đóng sở trị ở Hải Hôn, đôn đốc chư tướng chống cự Bàn. Bàn tuyệt tích không quay lại cướp nữa.
Từ mình cao bảy thước bảy tấc, có bộ râu rất đẹp, tay dài như vượn lại có tài thiện xạ, bắn cung không trượt phát nào. Từ thường theo Sách đi đánh dẹp bọn giặc ở Ma Bảo, quân giặc trong đồn trèo lên lầu cao mắng chửi, tay bám vào xà nhà, Từ giương cung bắn chúng, tên xuyên qua tay ghim vào xà nhà, vạn người vây quanh chẳng ai không khen giỏi. Kỳ diệu đến như thế. Tào công nghe cái tiếng ấy, liền gửi thư cho Từ, bỏ thư trong tráp phong kín, Từ mở ra xem không thấy viết gì, mà chỉ thấy có vị thuốc Đương quy(9). Lúc Tôn Quyền thống quản chính sự, thấy Từ có thể khắc chế Bàn, bèn uỷ thác cho Từ việc ở phía nam. Năm bốn mươi mốt tuổi, là năm Kiến An thứ mười một, Từ mất.
[Ngô thư chép: Lúc Từ sắp mất, than thở rằng: "Bậc trượng phu sinh ra ở đời, đáng phải đeo kiếm bảy thước, được trèo lên bậc thềm của bậc thiên tử. Nay chí nguyện của ta còn chưa đạt, sao đã chết rồi ư!" Quyền thương tiếc Từ vô cùng.]
Con trai Từ là Hưởng, làm quan tới chức Việt kỵ hiệu úy.
[Hưởng tự Nguyên Phục, trải qua các chức Thượng thư, Thái thú Ngô quận.]
Chú thích:
(1) Hán Sở tranh thiên hạ, Lưu Bang, Hạng Vũ thế giằng co nhau, Hạng Vũ đóng quân ở Bành Thành, Lý Tả Xa, tức Quảng Vũ quân là mưu sĩ của Hàn Tín xin đi trá hàng Hạng Vũ, lừa Hạng Vũ rằng: "Quân Hán đông, quân Sở ít, quân Hán thiếu lương, nên đến đánh." Hạng Vũ nghe theo, tụ quân ở núi Cửu Lý giao chiến với quân Hán do Hàn Tín chỉ huy, bị thua trận, sau phải tự vẫn.
(2) Tức Khổng Dung, Văn Cử là tên tự của Dung.
(3) Chỗ này Tôn Sách nhắc đến cái tích Quản Trọng người thời Xuân Thu, lúc trước thờ Công tử Bạch, bắn trúng Tề Hoàn Công, sau này Tề Hoàn Công làm vua nước Tề, lại dùng Quản Trọng mà thành bá chư hầu. Đây Sách muốn nói rằng lúc trước đánh nhau ở Thần Đình, chỉ là ai vì chủ nấy, không có gì phải lo lắng cả.
(4) Nguyên văn câu này là: "tiên xích giai mộc giả dã". Rất khó hiểu, ND không hiểu lắm, tra cứu trên zdic thấy trích dẫn một câu trên tấm bia của đạo nhân Thiết Công Thần do Lưu Tích Vũ người đời Đường chép và giảng rằng 'xích mộc' là một vật có hình dáng như quả núi nằm ở trên đầu của con rồng. Có lẽ chỗ này Sách muốn nói nếu muốn thành bá nghiệp thì cần có được người như Thái Sử Từ.
(5) Tức Tôn Kiên.
(6) Tức Hoa Hâm, sau này Hoa Hâm làm đại quan nhà Nguỵ.
(7) Nguyên văn: 'tung hoành chi nhân'.
(8) Vì Hoa Hâm thay quyền Do cai quản quận, Đồng Chi không chịu, tuyên bố rằng chỉ theo lệnh nhà Hán, chờ nhà chiếu chỉ của nhà Hán phái Thái thú đến, không theo lệnh của Hoa Hâm.
(9) Đương quy là một vị thuốc bắc, chỗ này không hiểu ý của Tào Tháo thế nào? Là chơi chữ chăng?
Post a Comment