Header Ads

Tào Chân Truyện


Tào Chân tự Tử Đan, là con cháu trong họ tộc của Thái tổ. Thái tổ khởi binh, cha của Chân là Thiệu chiêu mộ binh lính, bị châu quận giết hại.

Nguỵ lược chép: Chân gốc họ Tần, được họ Tào nuôi dưỡng. Có người nói rằng cha của Chân là Bá Nam ngày trước có giao hiếu với Thái tổ. Năm Hưng Bình mạt, bè lũ bộ đảng của Viên Thuật đánh cướp nhà Thái tổ, Thái tổ chạy ra, bị bọn cướp đuổi theo, liền trốn vào nhà họ Tần, Bá Nam mở cửa chứa chấp. Bọn cướp hỏi Thái tổ ở đâu, đáp rằng: "Chính là ta đây." Liền bị hại. Vì thế Thái tổ nghĩ đến công lao, cho Chân đổi sang họ của mình. 

Nguỵ thư chép: Thiệu vì rất một lòng trung thành mà có tài trí, được Thái tổ tin tưởng thân gần. Năm Sơ Bình trung, Thái tổ hưng nghĩa binh, Thiệu chiêu mộ binh lính, theo Thái tổ đi khắp nơi. Bấy giờ Thứ sử Dự Châu là Hoàng Uyển muốn hại Thái tổ, Thái tổ tránh được nhưng riêng Thiệu bị hại

Thái tổ thương Chân mồ côi sớm, đem về nuôi dưỡng cùng với các con mình, cho ở cùng với Văn Đế. Chân có lần đi săn, bị con hổ đuổi, Chân ngoảnh lại bắn hổ, nghe tiếng dây cung thì hổ đã ngã ngửa. Thái tổ khen Chân là bậc chí dũng, sai nắm quân kỵ hổ báo. Chân đánh dẹp giặc Linh Khâu, hạ được, được phong tước Linh Thọ đình hầu(1). Sau lấy Chân làm Thiên tướng quân dẫn binh tập kích biệt tướng của Lưu Bị ở Hạ Biện, phá được, Chân được bái làm Trung kiên tướng quân. Chân theo đến Trường An, lĩnh chức Trung lĩnh quân. Bấy giờ, Hạ Hầu Uyên chết ở Dương Bình, Thái tổ lo lắng. Lập tức dùng Chân làm Chinh Thục hộ quân, đốc xuất bọn Từ Hoảng đánh phá Biệt tướng của Lưu Bị là Cao Tường ở Dương Bình. Thái tổ thân đến Hán Trung, triệt quân trở về, sai Chân đến Vũ Đô nghênh đón bọn Tào Hồng về đóng đồn ở Trần Thương. Văn Đế tức vương vị, lấy Chân làm Trấn tây tướng quân, ban cho Giả tiết, đô đốc các việc quân sự ở hai châu Ung, Lương. Xét công lao trước sau, tấn phong Chân làm Đông hương hầu.

Bọn Trương Tiến làm phản ở Tửu Tuyền, Chân phái Phí Diệu đến đánh dẹp phá xong, chém được bọn Tiến. Năm Hoàng Sơ thứ ba về kinh đô, dùng Chân làm Thượng quân Đại tướng quân, thống lĩnh các việc quân sự trong ngoài, ban cho Giả tiết việt. Chân cùng với bọn Hạ Hầu Thượng đi đánh Tôn Quyền, đánh đồn Ngưu Chử, phá được. Chân được đối phong làm Trung quân Đại tướng quân, gia thêm chức Cấp sự trung. Năm Hoàng Sơ thứ bảy, Văn Đế ốm nặng, Chân cùng với bọn Trần Quần, Tư mã Tuyên vương nhận di chiếu phụ chính. Minh Đế lên tức vị, tấn phong Chân làm Thiệu Lăng hầu, thăng lên làm Đại tướng quân.

Thần Tùng Chi xét: Cha của Chân tên Thiệu. Phong cho tước Thiệu Lăng hầu, nếu chẳng phải là sách chép lầm, thì là việc chẳng thể nào luận nổi. 

Gia Cát Lượng vây Kỳ Sơn, ba quận Nam An, Thiên Thuỷ, An Định làm phản hưởng ứng Lượng. Đế phái Chân đốc chư quân đóng ở huyện Mi, phái Trương Cáp đánh tướng của Lượng là Mã Tắc, đại phá Tắc. Bọn Dương Điều ở An Định bức hiếp quan lại dân chúng chiếm cứ thành một tháng trời, Chân tiến quân vây thành. Điều bảo mọi người rằng: "Đại tướng quân tự đến, ta xin hàng sớm cho xong." Bèn tự trói mình ra thành. Ba quận đều bình. Chân thấy Lượng đã bị trừng trị ở Kỳ Sơn, lần ra xuất quân thất theo lối Trần Thương, bèn sai tướng quân Hác Chiêu, Vương Sanh(2) thủ giữ Trần Thương, tu sửa thành ấy. Mùa xuân năm sau, quả nhiên Lượng vây Trần Thương, vì đã có phòng bị nên địch không thể thắng nổi. Chân được tăng thực ấp, cộng cả lúc trước là hai nghìn chín trăm hộ. Năm thứ tư, Chân được triệu về Lạc Dương, thăng chức Đại tư mã, cho được mang kiếm lên thượng điện, vào triều không phải rảo bước. Chân cho rằng "Thục liên tục xuất quân xâm phạm biên cảnh, nên lập tức thảo phạt. Cho mấy đạo quân cùng tiến vào, có thể thắng được." Đế theo kế ấy. Chân đem binh tiến sang Tây đánh dẹp, Đế thân đến tiến đưa. Chân vào tháng tám xuất phát từ Trường An, theo đường Tý Ngọ ở phía Nam tiến vào. Tư Mmã Tuyên vương ngược sông Hán, hẹn hội quân ở Nam Trịnh. Chư quân hoặc từ đường Tà Cốc, hoặc từ Vũ Uy tiến vào. Gặp lúc mưa dầm hơn ba mươi ngày, ngờ rằng đường sạn đạo bị đứt tuyệt, có chiếu cho Chân kéo quân về.

Chân thời trẻ cùng với người trong họ là Tào Tuân, người làng là Chu Tán đều thờ Thái tổ. Tuân, Tán chết sớm, Chân thương xót họ, xin chia thực ấp của mình phong cho con của Tuân và Tán. Có chiếu rằng: "Quan Đại tư mã trước đây là Thúc Hướng nhân từ phủ dụ con côi, nhất định chia phần cho Án Bình theo ước hẹn ngày trước(3). Bậc quân tử phải là người cao thượng, trẫm đồng ý chia thực ấp của Chân cho con của Tuân và Tán, ban cho tước Quan nội hầu, mỗi người được phân một trăm hộ." Chân mỗi khi xuất chinh, cùng tướng sĩ chung lao khổ, đồ ban thưởng trong quân không đủ, Chân liền đem gia tài ra chia cho quân sĩ, sĩ tốt đều nguyện theo mệnh. Chân bị bệnh quay về Lạc Dương, Đế thân hành đến tận nhà thăm bệnh. Chân chết, được ban thuỵ hiệu là Nguyên hầu. Con Chân là Sảng nối tự. Đế đoái nghĩ đến công lao của Chân, xuống chiếu rằng: "Đại tư mã hành vi trung trinh tiết tháo, phò tá chính sự cho nhị tổ(4), trong chẳng cậy ân sủng của kẻ thân thích, ngoài chẳng kiêu căng với kẻ sĩ nghèo hèn, có thể gọi là người có tài giữ vững được địa vị, có công mà khiêm nhường, ấy là đức tốt vậy. Vì thế phong cho tất cả năm con của Chân là Hi, Huấn, Tắc, Ngạn, Ngai đều được làm Liệt hầu." Khi trước Văn Đế chia thực ấp của Chân hai trăm hộ, ban cho em của Chân là Bân là Liệt hầu.

Chú thích:
(1) Không biết giặc Linh Khâu là giặc gì? Ít thấy Tam Quốc nhắc đến tên thứ giặc này. Hay là bọn giặc trú ở gò Khâu, vì sau khi đánh hạ quân giặc, Chân được phong tước Linh Thọ đình hầu?
(2) Trần Thọ bất nhất trong ghi chép hoặc lầm lẫn tên người, hay người chép sách chép lầm, theo nhiều sử liệu ghi chép về đoạn này thì viên tướng ở Trần Thương với Hác Chiêu chính là Vương Song.
(3) Thúc Hướng là quan đại phu nước Tấn; Án Bình tức Án Bình Trọng, là quan đại phu nước Tề, không hiểu sự tích này ra sao?
(4) Tào Tháo, Tào Phi.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.